“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…”

Xuống núi theo con đường đất, đá lở loét trong biển sương mờ mịt, tôi cứ vẩn vơ bao suy nghĩ về mảnh đất Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, Văn Bàn (Lào Cai), về những khó khăn của cung đường, ngôi trường, lũ học trò nhỏ, công việc và sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo nơi rẻo cao này. Với họ luôn thấm thía câu từ “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai...” trong bài hát “Một rừng cây một đời người”.

ai cung chon viec nhe nhang
Hoạt động giữa giờ của thầy trò Trường Mầm non và Tiểu học Nậm Xây 2.

Mà Sa Phìn xa xôi

Làm nghề hay đi, đặc biệt ưa trải nghiệm những thử thách khó khăn, nên hễ có điều kiện là tôi lại “hò hẹn” với những vùng gian khó. Chuyến đi này, tôi quyết tâm đến với Mà Sa Phìn, nơi đã nhiều lần hẹn mà chưa thể đến. Vùng thấp đang là cuối thu, đầu đông, nhưng trên đó trời đã lạnh giá lắm rồi. Lo tôi tay lái yếu, không quen đường, các thầy cô ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện bố trí hẳn một “con ngựa sắt” và người lái xe cừ khôi nhất vùng để đưa tôi “ngược núi”.

Rời thị trấn Khánh Yên, chiếc xe cứ nhằm hướng Tây bon bon trên con đường êm thuận qua các xã Làng Giàng, Hòa Mạc, Dương Quỳ, Thẳm Dương, Minh Lương rồi quẹo trái tới xã Nậm Xây. Chặng đường từ trung tâm huyện tới Nậm Xây hơn 30 km chúng tôi di chuyển trong 40 phút, trước khi đi tiếp 15 km để tới Mà Sa Phìn. Thầy giáo Hoàng Ngọc Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non và Tiểu học Nậm Xây 2 mặc thêm một lượt áo mưa và bảo: “Trên ấy đang mưa mù, lạnh”. Tôi hỏi: “Sao thầy biết thời tiết trên đó?”. Thầy Sơn phì cười và chỉ tay về dãy núi ẩn hiện trong tầng mây trắng xám trước mặt: “Nhìn mây núi là biết ngay, thầy giáo ở núi quen rồi”.

“Thổ địa” nói cấm có sai, vừa vượt qua một con đèo dài với những đoạn dốc dựng ngược, bỏ lại phía dưới kia trung tâm xã với những kiến trúc xây dựng bé như đám hạt thóc, chúng tôi bắt đầu dầm mình vào mưa phùn. Lên cao chút, tôi càng cảm nhận rõ hơn sự “đặc quánh” của sương mù, đèn xi-nhan được bật ở chế độ nháy liên hồi để làm dấu cho những chiếc xe ngược chiều nhằm tránh va chạm đáng tiếc. Chặng đường như ngắn hơn bằng những câu chuyện về người thầy vùng cao. Thầy Sơn tốt nghiệp trường sư phạm, theo nghề giáo 8 năm và cũng chừng ấy thời gian gắn bó với bản Mà Sa Phìn. Câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi đoạn đường hiểm trở và khó đi, các pha lạng lách, chống chân hoặc cho xe “nhảy múa” trên đường của thầy giáo khiến tôi chỉ còn biết nín thở và bình tĩnh… thót tim. Trong những lần đi công tác ở các thôn, bản vùng cao nhưng chưa bao giờ gặp tuyến nhiều trở ngại như đường lên bản Mà Sa Phìn.

ai cung chon viec nhe nhang1
Niềm vui đến trường.

Trong ký ức của thầy Sơn và những câu chuyện đã trở thành giai thoại thì đường về Mà Sa Phìn trước đây còn khó hơn nhiều. Có lần thầy giáo cắm bản tên là Xuân đã bị đường quăng cả người, xe xuống vực, cả trường được huy động và nhờ dân bản đi tìm, may là cây cỏ đã cứu sống người thầy một cách ngoạn mục. Rồi ám ảnh nhất với những thầy cô giáo là dốc Bổ Đôi, con dốc dài vài trăm mét nhưng vượt qua đó là cả giờ đồng hồ, có đoạn bùn ngập gần tới rốn, phải làm bộ ván để lôi xe máy trượt trên mặt bùn. Ấn tượng với những ai tới đây lần đầu là Hang Đói, hỏi ra mới biết tên hang do các thầy cô đặt. Số là ngày trước, mỗi lần đi bộ từ xã lên bản Mà Sa Phìn mọi người phải đi bộ từ sáng tới đầu giờ chiều mới tới, khi tới cửa hang đá, có bãi đất bằng để ngồi nghỉ, khi đó đã đói lả và mệt nên đặt tên như vậy.

“Những người đi mở núi”

Câu chuyện của thầy Sơn như đưa tôi đi lạc vào miền cổ tích, chỉ có điều, đó không phải là miền cổ tích với những nàng công chúa, hoàng tử mà là những gian khó thời hiện đại ở bản Mà Sa Phìn. Nghe chuyện cùng với sự trải nghiệm con đường “dễ” hiện tại theo như cách nói của thầy cô, tôi có thể mường tượng ra con đường xưa cũ và thầm cảm phục “những người đi mở núi”.

Chúng tôi cần trọn 1 giờ đồng hồ để từ trung tâm xã tới bản Mà Sa Phìn cách 15 km. Trường Mầm non và Tiểu học Nậm Xây 2 ở trên đỉnh cao nhất khu này. Khi chúng tôi tới đúng giờ ra chơi nên lũ trò nhỏ chạy nhảy khắp sân trường. Nhóm chơi chuyền, ô ăn quan, nhóm lại nhảy dây, nhảy nụ... tưng bừng, rộn rã. Thấy có thầy giáo và khách tới thăm, đám học trò dừng chơi và cất tiếng chào thật to.

Trường Mầm non và Tiểu học Nậm Xây 2 có điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ, toàn trường có 27 thầy cô giáo. Người nhiều thì chục năm, người ít cũng vài ba năm gắn bó với vùng đất này. Phần lớn họ còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8X và 9X, nhưng bằng trái tim nóng, bầu nhiệt huyết cống hiến và dựng xây, họ đã và đang đem cả tuổi thanh xuân gắn bó với vùng cao, đem niềm tin xây đắp những bản làng.

Cô giáo Hoàng Thị Xuyến rời ghế trường sư phạm được 4 năm thì cũng chừng ấy năm gắn bó với mảnh đất này. Sinh ra và lớn lên ở Bảo Thắng, một trong những vùng thuận lợi của tỉnh nên những nơi gian khó như Nậm Xây, cô Xuyến chưa từng biết tới. Nhớ lại những ngày đầu có mặt ở đây, cô tâm sự: “Khi ấy đường khó, chúng em phải đi bộ cả ngày trời mới tới, khi nào gặp may mới được đi nhờ xe ai đó. Điều kiện sống, công tác cũng thiếu thốn vô cùng”.

Đường khó nên trong tuần, các thầy cô giáo đều ở lại trường. Ngày đầu tuần, ai cũng như ra trận với ba lô, túi xách đựng đủ các loại từ lương thực, thực phẩm đến đồ dùng cá nhân. Bữa cơm vùng khó, những ngày đầu tuần còn có thịt, cá tươi, những ngày cuối tuần là trường kỳ cá khô, mắm tép, lạc rang. Khó khăn là thế, thiếu thốn là thế, nhưng cô Xuyến và các thầy cô ở đây đều cười thật tươi: “Khó thế nhưng vẫn phải suy nghĩ lạc quan, đời sống của người dân nơi đây còn khó khăn hơn nhiều”.
Đặc trưng của bản vùng cao là đây, hơn 5 giờ chiều mà như ban đêm. Cô giáo Xuyến đội mưa mù ra ngoài ôm một bó củi về nhóm bếp, lửa bén đều trên những thanh củi khô bập bùng. Cô Xuyến bảo, mùa này mưa mù ẩm ướt suốt ngày nọ qua ngày kia, quần áo giặt cả tuần không khô, chỉ hong bên bếp lửa mới có quần áo thay. Bữa tối cuối tuần hôm ấy cũng chỉ đơn sơ vài món rau trồng ngoài vườn, chút trứng rán, lạc rang.

Ngoài sân bỗng có tiếng người gọi í ới, người đàn ông chạc tuổi trung niên tới biếu cô giáo một túi rau vườn nhà trồng. Đó là ông Giàng A Chú, 54 tuổi, nhà ở bản Mà Sa Phìn này. Duyên cớ là ông Chú cùng 19 người trong bản là học viên lớp xóa mù được ba tháng, lớp do các thầy cô giáo của trường dạy. Học khoảng 2 đến 3 buổi mỗi tuần, đến nay thì ông Chú vui lắm rồi vì đã biết đọc bảng chữ cái, biết ghép vần, biết làm phép tính cộng, trừ đơn giản trên giấy. Ông Chú tâm sự: “Ngày xưa nhà nghèo, đường đi lại khó khăn nên việc học không theo được. Giờ trường đã ở gần nhà, thầy cô tận tình nên cố học để biết cái chữ, cái chữ nó giúp mình nhiều việc”.
Theo chân ông Chú qua lớp học, đang mùa nông nhàn nên 20 học viên có mặt đầy đủ. Cô giáo trẻ Phan Thị Vịnh viết lên bảng dòng chữ trắng tinh “Vần Ao - oa - oan - oat”. Dưới lớp, những bàn tay chai sần bắt đầu nắn nót từng nét thanh, đậm và tất cả đồng thanh đọc theo cô giáo bằng chất giọng gọn, chắc vang động cả bờ thung. Ở ngoài kia, trăng thượng tuần vượt qua đỉnh núi và chiếu ánh sáng xuống thung lũng lấp lánh những ánh bạc…