Chàng kỹ sư bỏ nghề xây dựng vì mê kinh doanh sách cũ

Giữa bộn bề của cuộc sống, rồi bao ý kiến khác nhau về thời kỳ chuyển giao công nghệ số, điện thoại thông minh dần lên ngôi chiếm lĩnh các thói quen đọc sách

giấy truyền thống. Qua câu chuyện về nghề của anh Kim Hưng sẽ đâu đó nhận ra được “tâm hồn vẫn là thứ cần được chăm chút, rèn giũa bởi sách để mà sâu sắc và thành công hơn trong cuộc sống”.

 

Trở lại, với nghề kinh doanh sách cũ – được bắt nguồn từ khá lâu tại Sài Gòn. Nhiều nguồn tư liệu, giả thiết cho rằng được”khai sinh” bởi một người đàn ông tên “Tư Tràm”... (Qua tư liệu và lời kể lại của nhà văn Sơn Nam). Nó được định nghĩa một cách đơn giản, những cuốn sách đã cũ, đã “qua tay” người sử dụng được bán lại cho “chủ mới”. Cái hay của sách cũ là kỉ niệm, sưu tầm, chứng tích của thời gian và lịch sử. Câu chuyện về nghề, tình yêu, đam mê và cả “ngã rẽ” gần như là bước ngoặc của anh Kim Hưng – một kỹ sư xây dựng bỏ nghề đến với sách cũ – hun đúc cho người trẻ về tinh thần khởi nghiệp. Sau đây, là ghi nhận của chúng tôi (P.V) Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam với anh Kim Hưng.

Anh Kim Hưng bên thư quán sách cũ của mình tại Gò Vấp – TP. Hồ Chí Minh

Học ngành xây dưng lại “tập tành” kinh doanh

Phóng Viên (PV): Nguyên nhân nào, khiến anh bỏ nghề kỹ sư xây dựng của mình đến với con đường kinh doanh sách cũ?

Kim Hưng: Tôi học ngành xây dựng ở Sài Gòn, tốt nghiệp vào năm 2006. Ban đầu, tôi vừa đi làm giám sát xây dựng vừa hình thói quen sưu tập các truyện tranh tàu liên hoàn họa, một số truyện tranh thời 8x đời đầu…Sau này, tôi mới bắt đầu “tập tành” công việc kinh doanh qua việc bán một số sách hay mà các chủ tiệm ở Sài Gòn ký gửi bán giúp. Từ hình thức ký gửi rồi dần dần mua được sách “dư” ra, trao đổi sách trong hội những người yêu sách, chơi sách với nhau. Cái nào mua được một tựa từ 2 đến 3 cuốn thì tôi sẽ bán cho những người cần. Công việc kinh doanh của tôi chính thức phải bắt đầu vào năm 2015.

Bộ sựu tập của tác giả Huỳnh Minh, với 3 ấn bản của khác nhau của cuốn: Địa Linh Nhơn Kiệt (Kiến Hòa Xưa và Nay) in năm 1965

P.V: Giới trẻ rất ít đọc sách, đa phần người quan tâm đến sách giấy, sách cũ là những người già, giới sưu tập, nhà nghiên cứu và cả giới buôn bán với nhau? Anh có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Kim Hưng: Người trẻ vẫn còn quan tâm đến sách rất là nhiều, đam mê nhiều nữa (cười). Điều cần là các bậc phụ huynh tạo được môi trường cho các con trẻ hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ, thay vì chơi game hay sử dụng điện thoại nhiều. Chứ nhiều bộ truyện tranh dành cho giới trẻ  bây giờ “hot” lắm, hiếm thị trường, không có hàng để mà bán ấy chứ. Điều này, cũng chứng tỏ những người trẻ có quan tâm nhiều đến sách đó chứ. Vì bất cứ ngành nghề nào, không riêng gì sách cũ luôn đi theo nguyên tắc “cung” và “cầu” mà!

 

Bất luận làm bất cứ công việc gì cũng  cần phải đọc sách

P.V: Việc đọc sách đóng một vai trò như thế nào đối với những người trẻ?

Kim Hưng: Hình thành thói quen đọc sách là việc tốt. Theo quan điểm cá nhân của tôi – một người từng học ngành kỹ thuật, nhưng qua thời gian tìm hiểu về các mảng sách từ truyện tranh tàu, truyện tranh Việt Nam, lịch sử, khảo cứu thì bây giờ cũng đã có chút ít hiểu biết với nghề này. Vì vậy, mọi thứ đều có thể rèn luyện và học tập được. Đọc sách sẽ rèn luyện tư duy, trí tuệ, mọi điều hay, cái đẹp đều nằm ở trong sách. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bất luận làm bất cứ công việc gì cũng  cần phải đọc sách…”

 Bộ Nhạc Phi Diễn Nghĩa trọn bộ 27 tập in năm 1928 và cuốn Hình Bóng Cũ có chữ ký của tác giả Sơn Nam

P.V: Khi mà đời sống đang dần chuyển dịch liên tục từ truyền thống sang hiện đại với sự định hình nền kinh tế - công nghệ số. Phải chăng từ bỏ nghề kỹ sư xây dựng đi theo việc kinh doanh sách cũ là một quyết định “ngược xu thế”? Vậy, có khi khi nào anh hối hận với quyết định của mình?

Kim Hưng: Tôi nghĩ mình không bao giờ hối hận. Vì với xuất phát điểm làm hai nghề song song nên sau khi đã nắm bắt được thị trường, thị hiếu, nguồn hàng thì mới quyết định bỏ hẳn nghề xây dựng đi theo con đường kinh doanh này mà vẫn không bị cảm giác “chới với”. Khởi nghiệp rất khó vì nếu liều lĩnh thì mình không dám từ bỏ mà khi đã chắc chắn thì cơ hội lại không đến với mình nữa.

Khởi nghiệp khó:  liều lĩnh thì thất bại, chắc chắn  lại “chậm chân”

P.V: Theo anh, để thành công với nghề kinh doanh sách cũ cần những tố chất gì?

Kim Hưng: Cái gì bắt đầu cũng cần phải học hỏi: anh em đồng nghiệp, tìm hiểu những người làm nghề đi trước.  Đồng thời, làm cái gì muốn có thành quả cũng cần phải đam mê, kiên nhẫn, chịu khó. Đó là 4 đức tính cần có để bắt đầu một thứ gì đó mà mình thích. Ngoài ra, thì vừa làm vừa học rất quan trọng. Cái gì không biết thì mình đi hỏi, “tích tiểu thành đại” rồi mình sẽ có “vốn kiến thức” tương đối để làm được nghề này.

P.V Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị này. Chúc anh ngày càng thành công hơn trên con đường kinh doanh sách cũ và quảng bá vốn văn hóa quý báu đến cộng đồng từ sách cũ.