Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam

Ðó là tiêu đề cuốn sách ảnh tư liệu của Nhà nghiên cứu lý luận phê bình, nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin xuất bản ấn hành năm 2013. Cuốn sách quý nói trên vinh dự đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết lời giới thiệu.

Với hơn 300 trang sách, tập hợp gần 700 bức ảnh tư liệu, bút tích những bức thư của Bác Hồ gửi cho các vị nguyên thủ quốc gia, hoặc gắn với các sự kiện chính trị quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam, trong đó nhiều tác phẩm lần đầu công bố được tác giả Trần Mạnh Thường sau nhiều năm tháng sưu tầm và chuẩn bị công phu tư liệu. Qua cuốn sách ảnh tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam, tác giả Trần Mạnh Thường cho người xem thấy được trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận đối ngoại đầy cam go, nhưng cũng hết sức nhạy cảm và tinh tế.

Kết cấu tác phẩm của cuốn sách gồm bốn phần với các chủ đề: Hành trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại và phần bốn như là một cái kết có hậu cho tập sách: Các nhà ngoại giao tiếp nối xứng danh học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bìa cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam

Ở mỗi phần, tác giả cũng lựa chọn những tác phẩm độc đáo kết hợp với những bài viết ngắn gọn, sâu sắc và súc tích. Nhiều tác phẩm ảnh mới, trước đây chỉ xuất hiện ở báo chí, trong các kho tư liệu ảnh ở nước ngoài, bây giờ người xem ảnh ở Việt Nam mới được thấy. Hoặc có những bức ảnh mang tính đơn lẻ, thông tấn báo chí nhưng đặt trong kết cấu chung của tập sách ảnh mới thấy hết giá trị của nó. Như những bức ảnh: Nguyễn Tất Thành làm bếp cũng như bức ảnh nơi Bác Hồ làm việc ở khách sạn Carlton, ở nước Anh giai đoạn 1913 - 1917.

Bút tích bức thư của Nguyễn Ái Quốc gửi cụ Phan Châu Trinh ở Xao-tham-tơn trước khi Người rời Anh sang Pháp năm 1917. Trải qua gần 100 năm, các nhà sưu tập vẫn còn giữ được danh thiếp của người thợ ảnh Nguyễn Ái Quốc khi sống và hoạt động ở Thủ đô Pa-ri của nước Pháp. Bức ảnh trụ sở đầu tiên của báo Người cùng khổ mà Nguyễn Ái Quốc là chủ bút ở phố Giắc-cơ Can-lốt (Jacques Callot), quận 4 Pa-ri. Những bức ảnh Nguyễn Ái Quốc với những người bạn ở châu Phi, châu Mỹ la-tinh, trong những ngày hoạt động ở Liên Xô năm 1924.

Phê bút giới thiệu sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cuốn sách còn cung cấp những bút tích qua ảnh, ghi dấu những kỷ niệm sâu sắc gắn với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ. Ngày nay, khi tới thành phố Mi-lan của I-ta-li-a, hay sang Thái-lan, tới U-đon Tha-ni..., ta sẽ bắt gặp những tấm biển chỉ dẫn quán ăn hay ngôi nhà cấp bốn, nơi Bác Hồ đã từng tới sống và hoạt động cách mạng tại đây. Xem những bức ảnh, những địa danh nơi Bác Hồ đã từng đặt chân tới, mới hình dung ra được hành trình, những thành phố cầu tàu, cảng biển mà người thủy thủ, phụ việc Văn Ba - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đi qua trên thế giới này.

Lật mở từng trang sách ảnh tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam của tác giả Trần Mạnh Thường, ta càng thấy rõ rằng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta trong thế kỷ 20 này là người mở đường cho nền ngoại giao cách mạng. Và cũng từ tư tưởng của Người mà trong sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay, các thế hệ ngoại giao Việt Nam tiếp bước đi vào hội nhập quốc tế toàn diện và phát triển; góp phần nâng cao vị thế của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tác giả Trần Mạnh Thường (bên phải) tặng sách quý cho khách

Đó là những hình ảnh sống động về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn có sức hút lớn, là niềm ngưỡng mộ kính yêu của những người cộng sản và nhân dân châu Phi và Mỹ la-tinh. Tình yêu của họ đối với nhân dân Việt Nam không chỉ đơn thuần qua cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc; không chỉ đơn thuần Việt Nam dám đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh... mà họ ngưỡng vọng bởi cách mạng Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở đó, bằng những tình cảm thiêng liêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và trân trọng sự công phu của tác giả Trần Mạnh Thường danh với tác phẩm giàu tâm huyết này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết lời đề tựa sâu sắc: "Hồ Chí Minh là hiện thân của ý chí dân tộc và chủ nghĩa xã hội, của nền ngoại giao hòa hiếu, muốn làm bạn với các nước và các dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và hữu nghị trên toàn thế giới. Bác là người thầy của nghệ thuật ứng xử "dĩ bất biến, ứng vạn biến" dựa trên sự hiểu biết sâu sắc, kiến thức uyên bác về tầm nhìn chiến lược trước các vấn đề lớn của dân tộc và thời đại".