Đại dịch COVID-19 đã tác động bất lợi đến kinh tế toàn cầu

Dịch COVID-19 là một bệnh dịch truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, đang gây ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh bắt đầu bùng phát từ tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê cập nhật đến 6h00 sáng ngày 31 tháng 3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 780.997 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 37.567 ca tử vong và số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 164.685 người. Cho đến nay, Hoa Kỳ là nước dẫn đầu thế giới với 160.813 ca nhiễm virus Corona chủng mới, tăng 17.322 ca so với một ngày trước đó. Bài viết đề cập đến một số việc làm của Ngân hàng Thế giới tại ĐA-TBD,

Đại dịch COVID-19 đã tác động bất lợi đến kinh tế toàn cầu; nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương trong đà phục hồi sau căng thẳng thương mại Mỹ Trung, phải chống chọi với đại dịch đang đứng trước nguy cơ suy thoái của những cú sốc tài chính toàn cầu.

Ngày 31 tháng 3 tại Hà Nội, Đại diện Ngân hàng Thế giới (W.B) đã tổ chức họp báo trực tuyến, công bố báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương giữa tâm dịch COVID-19

Báo cáo đã đưa ra những dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về tăng trưởng kinh tế, những chỉ số kinh tế quan trọng cho các quốc gia Đông Á-Thái Bình Dương và cho cả khu vực đang trong quá trình hồi phục từ căng thẳng thương mại và hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch toàn cầu. Báo cáo cũng đã tập trung phân tích về những ảnh hưởng kinh tế của  đại dịch COVID-19, những can thiệp chính sách của các Chính phủ và định chế tài chính nhằm ứng ứng phó kịp thời trước những vấn đề nảy sinh.

Trong thông cáo báo chi phát đi từ Washinton ngày 30 tháng 3 năm 2020, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh: Để ứng phó với những cuộc khủng hoảng thông thường, hầu hết các quốc gia ĐÁ-TBD đã sử dụng công cụ chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp và quản lý tài chính cẩn trọng. Song những gì đang chứng kiến chỉ là sự xuất hiện đồng thời của nhiều tình huống bất lợi. Tổn thất về kinh tế là vấn đề không thể tránh khỏi ở tất cả mọi quốc gia; nhất là những nước buộc phải hành động ngay trước những đòi hỏi cấp bách để tăng cường năng lực của hệ thông y tế hoặc sử dụng các biện pháp tài khóa có chọn lọc nhằm giảm nhẹ tác động nguy hại trước mắt.

Báo cáo nhận định, các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều tình huống bất lợi trước những căng thẳng thương mại kéo dài hoặc phải chống chọi với dịch diễn biến phức tạp và có nguy cơ phải đối mặt với suy thoái toàn cầu chưa có tiền lệ. Để vượt qua giai đoạn cam go này, các quốc gia cần có những hành động quyết liệt, hợp tác quốc tế sâu rộng và sự hỗ trợ lớn từ phía bên ngoài.

Trong bối cảnh kinh tế xã hội thay đổi nhanh chóng trước nguy cơ đại dịch, Ngân hàng Thế giới đã nhìn nhận kinh tế khu vực trên cơ sở phân tích các kịch bản phát triển trong điều kiện cơ bản được đảm bảo và trong tình huống xấu hơn. Báo cáo Cập nhật Kinh tế ĐA-TBD tháng 4 năm 2020 đã trình bày cả kịch bản cơ sở và kịch bản với tình huống kém lạc quan. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, mức tăng trưởng của các nước đang phát triển trong khu vực được dự báo chỉ tăng 2,1% và theo tình huống thấp sẽ giảm tới mức âm 0,5% cho năm 2020; thấp hơn nhiều so với mức được dự báo tăng 5,8% vào năm 2019. Với mức dự báo đưa ra, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 2,3% hoặc 0,1% vào năm 2020, thay vì 6,1% được dự báo trong năm 2019. Mặc dù rủi ro còn rất đáng kể do căng thẳng trên thị trường tài chính, nhưng theo W.B, kiềm chế được đại dịch COVID-19 sẽ giúp các nền kinh tế khu vực hồi phục một cách bền vững.

Cùng với những cú sốc kinh tế, W.B cho rằng , Đại dịch COVID-19 cũng tác động nghiêm trọng đến những nỗ lực giảm nghèo của toàn khu vực. Các dự báo trước đây đã đưa ra  khoảng 35 triệu người trong khu vực sẽ thoát nghèo (thu nhập dưới 5,5USSD/ngày) trong năm 2020. Do đại dịch COVID-19 xảy ra, ước tính theo kịch bản cơ sở, số người thoát nghèo năm 2020 sẽ giảm 24 triệu. Nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi và kịch bản thấp hơn xảy ra, số nghèo ước tính sẽ tăng thêm khoảng 11 triệu người.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng đã chỉ ra  khả năng rủi ro tương đối lớn rơi vào nghèo đói của những hộ gia đình sống phụ thuộc vào các ngành, nghề dễ bị tổn thương trước tác động của Đại dịch COVID-19, như du lịch ở Thái Lan và các quốc đảo Thái Bình Dương, ngành chế tạo, chế biến ở Cam-pu-chia và Việt Nam….Tại một số quốc gia, tác động của COVID-19 còn trầm trọng hơn bởi những diễn biến đặc thù như hạn hán (ở Thái Lan), sốc thương phẩm (ở Mông Cổ). …Tại các quốc đảo Thái Bình Dương, năm 2020 còn phải chịu những rủi ro to lớn do nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ, du lịch và nhập khẩu.

Nhận định về tình hình phát triển khu vực trong đại dịch, Phó Chủ tịchNgân hàng Thế giớiVictoria Kwakwa cho rằng “Các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương trước đó đã gồng mình chống chọi với  căng thẳng thương mại quốc tế và ảnh hưởng do COVID-19 lan truyền ở Trung Quốc, nay lại phải đối mặt với cú sốc toàn cầu…". Theo bà “….khu vực có những điểm mạnh có thể tận dụng, nhưng các quốc gia cần phải hành động nhanh chóng hơn ở quy mô chưa từng có.”

WB điều chỉnh triển vọng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 xuống còn 4,9% - ảnh 1

Tăng trưởng GDP Việt Nam, và các nước Đông Á - Thái Bình Dương, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19. Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP/Getty Image

Trước những  diễn biến khó lường của Đại dịch COVID-19, Báo cáo  cập nhật  Kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương tháng 4 năm 2020 của W.B kêu gọi cần có những hợp tác quốc tế và hợp tác công-tư xuyên biên giới kiểu mới, để đẩy mạnh sản xuất và cung ứng các mặt hàng và dịch vụ y tế quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời với đảm bảo ổn định tài chính sau đó. Điều quan trọng là, chính sách mở cửa thương mại phải được duy trì sao cho vật tư y tế và các mặt hàng cung ứng khác phải sẵn sàng đến với mọi quốc gia, đồng thời tạo thuận lợi để khu vực phục hồi kinh tế nhanh chóng.

Một trong những hành động được khuyến nghị trong báo cáo là, đầu tư khẩn cấp nhằm tăng cường năng lực hệ thống y tế và dự phòng dài hạn của các quốc gia. Báo cáo cũng khuyến nghị phải có cách tiếp cận tích hợp về kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo kinh tế vĩ mô. Các biện pháp tài khóa có mục tiêu như trợ cấp nghỉ ốm và y tế nhằm kiềm chế và đảm bảo khó khăn tạm thời không biến thành tổn thất dài hạn về nguồn nhân lực.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực ĐA-TBD của W.B Aaditya Mattoo cho rằng “Ngoài những biện pháp mạnh mẽ trong nước, tăng cường chiều sâu hợp tác quốc tế là nhữngliều vắc-xin hiệu quả nhất để chống lại nguy cơ do vi-rút gây ra. Các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương cũng như các quốc gia khác phải cùng nhau chống lại dịch bệnh, tiếp tục mở cửa thương mại và phối hợp về chính sách kinh tế vĩ mô…,"

Từ tầm nhìn toàn cầu hướng tới một khu vực châu Á-Thái Bình dương thịnh vượng, phát triển đồng đều, thích ứng và bền vững; trước hiểm họa của Đại dịch Covid-19,Nhóm Ngân hàng Thế giới đang triển khai gói tài chính nhanh trị giá 14 tỷ USD nhằm tăng cường ứng phó và rút ngắn thời gian phục hồi.

 Các hình thức ứng phó trước mắt là cung cấp tài chính, tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật để giúp các quốc gia đối phó với tác động y tế và kinh tế của đại dịch.Theo đó,Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đảm nhận cung cấp nguồn tài chính 8 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực tư nhân chịu ảnh hưởng của đại dịch và để giữ việc làm; Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) chịu  trách nhiệm chuẩn bị gói 6 tỷ USD để ứng phó ban đầu về y tế.

Nhóm Ngân hàng Thế giới còn cho biết, khi các quốc gia cần hỗ trợ tổng thể hơn, W.B sẽ triển khai đến 160 tỷ USD trong vòng 15 tháng để phòng vệ cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp và đẩy mạnh phục hồi kinh tế.

Hy vọng từ những ành động thiết thực và cụ thể của Ngân hàng thế giới, khu vực ĐA-TBD sẽ sớm vượt qua được những khó khăn, thách thức gian nan từ đại dịch./.