Di tích bị phá – nỗi buồn dài theo năm tháng

Mặc dù có nhiều bài học về việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa theo kiểu “phá hoại” nhưng gần đây, tình trạng này lại tái diễn ở một số địa phương khiến người dân bức xúc. Bài toán bảo vệ di tích, di sản trước những tác động từ con người, sự tàn phá của chiến tranh hoặc xuống cấp do thời tiết khí hậu, đến nay vẫn chưa có đáp án!

Cầu Ngói chợ Thượng trước và sau khi trùng tu.

 

Sự việc gần đây được nhiều người dân quan tâm, đó là di tích lịch sử cấp quốc gia– Cầu Ngói chợ Thượng (tỉnh Nam Định) được trùng tu, nhưng làm mất đi hồn cốt vốn có, nếu không muốn nói được “làm mới”.

Tại Việt Nam, Cầu Ngói chợ Thượng được biết đến là di tích lịch sử độc đáo, được xây dựng vào thế kỷ 18 nhờ tiền công đức của bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - cung phi của chúa Trịnh, xuất thân ở làng Thượng Nông. Cây cầu xây dựng theo lối kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu) bắc qua sông Ngọc với lối xây dựng theo kiểu tứ hàng chân, khung gỗ lim và lợp ngói nam. Cửa phía Nam và phía Bắc cầu được xây bằng gạch cao 2 m; hai hồi đều có đại tự đắp nổi chữ “Thượng gia kiều” bằng chữ Hán. Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng nằm chắc chắn hai bên bờ sông Ngọc. Nhờ bệ cầu chắc chắn, suốt hơn 300 năm với bao biến thiên lịch sử, cây cầu vẫn đứng vững. Nhưng gần đây cây cầu này được khoác lên tấm áo mới khi thực hiện trùng tu, tôn tạo. Theo đó, nhóm tu sửa trát lại vuông phẳng và sơn màu giả đá lên toàn bộ phần cửa phía Nam - Bắc của cầu. Những hoa văn độc đáo và nét rêu phong cổ kính hoàn toàn biến mất. Nhiều người ví, phần cổng được xây giống như lăng mộ ở một số nghĩa trang. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, ngay sau khi nắm được sự việc, cơ quan chức năng ngành Văn hóa tỉnh về kiểm tra. “Đúng là Cầu Ngói chợ Thượng bị sửa như mới, quá sai so với nguyên trạng, làm mất hết hoa văn, màu sắc và dáng vẻ cổ kính. Tôi yêu cầu phải khẩn trương khắc phục, trả lại nguyên trạng di tích” - ông Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.  Việc khắc phục đang được tiến hành bao gồm bóc lớp vữa và sơn mới; khôi phục hoa văn, màu sắc Cầu Ngói chợ Thượng theo tư liệu lưu giữ trong hồ sơ.

Câu chuyện tương tự cũng vừa xảy ra tại Hà Nội, đơn vị quản lý Trạm phát sóng Bạch Mai tự ý phá bỏ một phần công trình này khi Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội và Đài Tiếng nói Việt Nam đang phối hợp lập hồ sơ trình UBND thành phố Hà Nội công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa”. Công ty cổ phần Xây dựng thương mại dịch vụ văn hóa – đơn vị quản lý Trạm phát sóng Bạch Mai mới đây đập bỏ một gian và dỡ gần hết mái ngói một phần công trình này vào ngày nghỉ cuối tuần, không hề thông báo với chính quyền địa phương. Việc làm này khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc vì đơn vị quản lý Trạm phát sóng Bạch Mai có thái độ coi thường pháp luật, những di tích, chứng nhân của lịch sử.

Theo tư liệu từ bộ sách “Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20” của tác giả Nguyễn Văn Uẩn, Trạm phát sóng Bạch Mai thực chất là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10-1912 tại cụm công trình số 128C phố Đại La (Hà Nội). Tại đây, trưa ngày 7-9-1945, phát đi bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra cả nước và thế giới. Cũng ở nơi đây, tối 19-12-1946, nữ phát thanh viên đầu tiên của Việt Nam - Thanh Ngân - đọc bản tin được dùng làm hiệu lệnh Toàn quốc kháng chiến. Trạm phát sóng Bạch Mai ngoài giá trị lịch sử còn có giá trị về mặt kiến trúc, với những chi tiết rất hiếm có trong nhiều công trình kiến trúc cổ thời Pháp ở Hà Nội còn sót lại.

Vì vậy, việc một phần Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá dỡ khiến dư luận trong sự ngỡ ngàng, bức xúc. Kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu - Bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam cho rằng, việc khôi phục hình dáng phần công trình vừa bị phá dỡ tại Trạm phát sóng Bạch Mai không khó, nhưng vì giá trị nguyên gốc ở những vị trí bị phá dỡ đã không còn, giá trị tổng thể công trình cũng bị giảm.

Theo Luật Di sản văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội để giữ gìn vốn tài sản quý giá đó cho đời sau. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thời gian và của bom đạn trong chiến tranh, nhiều di tích lịch sử bị hủy hoại hoặc xuống cấp. Nay thêm yếu tố con người, nên chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử. Đáp án cho bài toán khó này nhiều người ví von “vẫn ở nơi xa lắm”!