Đình làng xứ Thanh: Di sản văn hóa và câu chuyện bảo tồn (Bài cuối): Giữ lấy di sản “hồn làng”

Tiền nhân đã phải tâm huyết bao nhiêu mới có thể tạo nên những di sản đình làng tồn tại trải suốt trăm năm. Vậy nên, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và cả mai sau. Nhưng phải bảo tồn di sản như thế nào? Thực tế đã chứng minh đó không phải bài toán dễ dàng tìm lời giải và cũng không có đáp số chung. Nhưng sao, câu nói mộc mạc mà đầy trăn trở của một bậc lão niên ở nơi cửa đình cứ làm tôi nhớ mãi: Khó như dựng đình mà người xưa còn làm được, giữ lấy đình, lẽ...

Tiền nhân đã phải tâm huyết bao nhiêu mới có thể tạo nên những di sản đình làng tồn tại trải suốt trăm năm. Vậy nên, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và cả mai sau. Nhưng phải bảo tồn di sản như thế nào? Thực tế đã chứng minh đó không phải bài toán dễ dàng tìm lời giải và cũng không có đáp số chung. Nhưng sao, câu nói mộc mạc mà đầy trăn trở của một bậc lão niên ở nơi cửa đình cứ làm tôi nhớ mãi: Khó như dựng đình mà người xưa còn làm được, giữ lấy đình, lẽ nào không thể!

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích đình làng phải gắn với việc làm “sống lại” ngày hội đình truyền thống. (ảnh: Bá Dũng)

Khôi phục, phát huy giá trị không gian văn hóa tâm linh

Với người dân vùng đất Bột Đà xưa, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) ngày nay, 21 tháng Chạp vẫn được xem là ngày hội làng vui nhất trong năm. Trong không khí tất bật của khoảng thời gian giáp tết, mọi người, mọi nhà vẫn dành sự chuẩn bị chỉn chu cho ngày giỗ Thành hoàng làng Nguyễn Tuyên, vị tướng thời Lý đã có công phò giúp vua đánh giặc Ai Lao. Sau khi mất, ông được nhà vua ban sắc phong, đồng thời vùng đất Bột Đà quê hương vị tướng trẻ cũng được ban cho bốn chữ “Địa linh nhân kiệt”. Và ông được người dân quê nhà suy tôn Thành hoàng làng, thờ tại Bảng Môn đình. Gần 1.000 năm trôi qua, ngày giỗ Thành hoàng Nguyễn Tuyên (21 tháng Chạp) đã được duy trì, trở thành một sự kiện văn hóa tâm linh quan trọng, thu hút đông đảo không chỉ người dân địa phương mà còn cả ở khu vực lân cận cùng về tham gia. Với những ai đã từng tham gia lễ hội, hẳn sẽ không thể quên được cảm xúc vừa thành kính linh thiêng nhưng cũng vô cùng náo nức. Chẳng vậy mà ở vùng đất này, dẫu đi xa muôn dặm, ngày hội làng được trở về vui dưới mái đình ngả rêu chính là niềm vui mà chẳng tiền bạc nào mua được.

Từ xưa, hội đình - hội làng đã trở thành nét đẹp văn hóa ở khắp các vùng quê xứ Thanh nói riêng. Tuy nhiên, có một thực tế, vì nhiều nguyên do mà đến ngày hôm nay hội đình ở nhiều địa phương đang dần bị thu hẹp cả quy mô tổ chức lẫn giản tiện nghi lễ. Có hàng trăm di tích đình làng còn hiện hữu trên địa bàn Thanh Hóa, nhưng thực tế số lượng hội đình được tổ chức với đầy đủ ý nghĩa văn hóa và tâm linh thì chắc chắn không nhiều.

Đánh giá về điều này, ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa (Sở VH,TT&DL), cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc di tích đình làng ở các vùng quê những năm gần đây chưa được phát huy đúng giá trị. Trước hết, cần phải hiểu rõ, đình làng không đơn thuần chỉ là công trình kiến trúc gỗ với những chạm khắc hoa văn tinh xảo, bên trong đình làng là gì? Đó chẳng phải là hoạt động tín ngưỡng tâm linh gắn liền với việc thờ Thành hoàng làng. Nếu vẻ đẹp của công trình kiến trúc hấp dẫn các nhà nghiên cứu thì chính yếu tố văn hóa tâm linh mới là điều quyết định đưa người dân đến đây. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng gắn liền với ngày giỗ thần hoàng - hội đình - hội làng. Tuy nhiên, thực tế ngày “Hội đình” hiện nay ở nhiều địa phương nhìn chung không phát huy được giá trị vốn có, không thu hút được con em địa phương náo nức trở về tham gia. Có thể không cố ý, nhưng rõ ràng ở nhiều địa phương, người có trách nhiệm đang quên mất tầm quan trọng của ngày hội đình.

Từ việc người dân không còn nô nức với ngày hội đình khiến cho giá trị của loại hình văn hóa đình làng dần bị phai mờ, thậm chí ở nhiều nơi, không hiếm trường hợp người dân còn không biết đến vị Thành hoàng được thờ tại đình làng mình! Theo tìm hiểu, hội đình xưa kia ở các làng quê được tổ chức vô cùng trọng thể với đầy đủ các nghi lễ: Rước sắc, rước kiệu qua các di tích, địa điểm trong làng... sau đó quay trở về đình làng tế lễ, tổ chức trò chơi, trò diễn. Vậy nhưng ngày nay, ở các hội đình, không nhiều địa phương còn duy trì được đầy đủ các nghi thức kể trên. Khi người dân không còn “cuốn mình” trong không gian văn hóa của ngày hội đình thì việc họ thờ ơ với đình làng đâu còn là chuyện khó hiểu. Đặc biệt với thế hệ trẻ, không còn được trực tiếp chứng kiến và tham gia hội đình, cũng có nghĩa “mối liên kết” không còn. Nói như vậy để thấy rằng, để phát huy giá trị di sản đình làng, việc làm “sống lại” những hội đình như xưa là điều thực sự quan trọng. Bên cạnh đó, các hoạt động diễn ra tại đình làng gắn liền với lễ tục truyền thống của mỗi vùng quê cũng cần thiết được nhớ đến.

Đánh giá được tầm quan trọng, ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng VHTT huyện Hà Trung, chia sẻ: Thời gian qua, bên cạnh việc kêu gọi nguồn xã hội hóa, huyện Hà Trung cũng đang đẩy mạnh việc khôi phục các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở đình làng: Tế lễ, trò chơi, trò diễn truyền thống, hội thi làm bánh... trong dịp hội làng ở nhiều địa phương. Điều này đã bước đầu, thu hút người dân trở về tham gia lễ hội nhiều hơn.

Xã hội hóa và việc hỗ trợ kinh phí trùng tu có trọng điểm

Khi người dân quan tâm và hiểu được giá trị tín ngưỡng tâm linh của di sản đình làng thì câu chuyện kêu gọi nguồn xã hội hóa cho việc trùng tu di tích có lẽ cũng giản đơn hơn.

Năm 2018, di tích Quốc gia Bảng Môn đình đã được trùng tu với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 400 triệu đồng, còn là được huy động từ nguồn xã hội hóa. Điều đáng nói, việc kêu gọi nguồn xã hội hóa ở đây không có sự rả bổ hay bắt buộc. Đó hoàn toàn là tinh thần tự nguyện đóng góp, ủng hộ kinh phí cho việc trùng tu đình. Dù ít, dù nhiều, mỗi người dân đều cảm thấy mình có trách nhiệm trong việc bảo vệ di tích. Đó thực sự là điều đáng mừng. Vì di sản thực sự sống trong lòng người dân.

Tuy nhiên, không nhiều di tích đình làng may mắn và thuận lợi trong việc kêu gọi nguồn xã hội hóa như Bảng Môn đình. Sự khó khăn về điều kiện kinh tế địa phương, kinh phí đòi hỏi cho việc trùng tu lại quá lớn, trong khi kinh phí Nhà nước hỗ trợ hạn chế, việc kêu gọi xã hội hóa không thực sự đạt kết quả. Tất cả khiến cho câu chuyện trùng tu di tích đình làng cứ loay hoay.

Hàng năm, tỉnh Thanh Hóa luôn dành nguồn kinh phí nhất định cho việc tu bổ, chống xuống cấp các di tích trên địa bàn tỉnh. Tùy vào điều kiện thực tế mà có những nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhau. Năm 2018, tổng kinh phí hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp các di tích trên địa bàn tỉnh là 50 tỷ đồng. Đây thực sự là số tiền không nhỏ đối với ngân sách tỉnh nhà. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cho các di tích trọng điểm của tỉnh thì các di tích cách mạng, lịch sử văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội không có khả năng huy động nguồn xã hội hóa cũng được quan tâm nhiều hơn. Còn các loại hình di tích khác, tùy vào điều kiện thực tế và việc hỗ trợ kinh phí chủ yếu mang tính chất kích cầu. Nhưng được quy định rất rõ: “Các di tích hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp, hỗ trợ một lần không quá 400 triệu đồng/ di tích đối với di tích Quốc gia và không quá 300 triệu đồng/di tích đối với di tích cấp tỉnh”. Nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ cho các di tích được xem như yếu tố kích cầu, để từ đó mỗi địa phương tiếp tục vận động, kêu gọi nguồn xã hội hóa cho trùng tu di tích.

Về điều này, người đứng đầu Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh, ông Phạm Văn Tuấn, cho rằng: “Trùng tu di tích, đặc biệt đối với các kiến trúc gỗ cần đến nguồn kinh phí rất lớn. Vẫn biết kinh phí Nhà nước hỗ trợ là yếu tố kích cầu song số tiền hỗ trợ đối với các di tích hiện nay thực sự là quá ít so với thực tế khiến cho nhiều địa phương “không dám” tiến hành trùng tu. Trong điều kiện nhiều di tích đình gỗ cổ đang xuống cấp hiện nay, nên chăng cần tập trung vào các di tích đình có giá trị (kiến trúc, điêu khắc, văn hóa lịch sử) để tập trung tu bổ dứt khoát một lần, có như vậy việc bảo tồn mới thực sự hiệu quả. Đối với các di tích ít giá trị hơn thì tùy vào điều kiện thực tế để hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp”.

Đình làng xứ Thanh là di sản văn hóa của cộng đồng dân cư, tài sản mà từng lớp người đi qua đã bảo tồn, gìn giữ cho đời sau. Để giải được bài toán bảo tồn, phát huy giá trị di sản đình làng cần đến rất nhiều giải pháp và dĩ nhiên không hề dễ dàng. Nó cần đến sự chung tay, cộng đồng ý thức trách nhiệm chứ không đơn giản chỉ là hô hào hình thức.Và để thực sự đạt kết quả, đó dứt khoát không thể là sự bỏ mặc, buông xuôi thậm chí thiếu trách nhiệm của một số lãnh đạo chính quyền địa phương. Di sản không đơn thuần để ngắm, nhìn hay trưng bày. Nó chỉ ý nghĩa khi được quan tâm, chăm sóc và phát huy giá trị, sống giữa cộng đồng và phục vụ cho cộng đồng.