Đội tuyển nữ Việt Nam vô địch SEA Games 30: Nước mắt, nụ cười, khát vọng

Vũ Hải Anh

Đội tuyển nữ Việt Nam đã giành chức vô địch SEA Games 30 đầy xúc động. Đó là thành quả của nước mắt, mồ hôi và khát vọng của những cô gái đi đá bóng.

Sau 120 phút đầy nỗ lực của các cô gái Việt Nam trong cuộc đối đầu với đội tuyển nữ Thái Lan, chúng ta đã có được chức vô địch SEA Games lần thứ 6. Chương Thị Kiều đã rời sân với đôi chân tập tễnh, rớm máu và băng bó trắng đùi. Còn tiền đạo Huỳnh Như phải nhờ thành viên ban huấn luyện cõng rời sân trong màn ăn mừng chiến thắng của các đồng đội.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung cho biết khi thấy Chương Thị Kiều bị thương đã rất thương. Ông nói: "Do trận đấu diễn ra nhanh, bác sĩ đã chăm sóc hơi hời hợt. Khi đó tôi đã quát bác sĩ phải băng bó tốt hơn. Thực sự trong thâm tâm tôi luôn coi các cầu thủ là con gái của mình".

Chương Thị Kiều với cái chân bị thương nhưng vẫn thi đấu. Ảnh: D.P

Chương Thị Kiều với cái chân bị thương nhưng vẫn thi đấu. 

Nhiều cầu thủ đã bị chuột rút, kiệt sức sau trận đấu mà họ đã chơi một thứ bóng đá tận hiến. Những giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi ở đấu trường SEA Games đầy khắc nghiệt.

Với những cô gái theo nghiệp "quần đùi, áo số", đó chỉ là một trong số những khó khăn trong sự nghiệp đầy những thử thách.

Đó là những cô gái đã đi theo sự nghiệp từ đam mê nhưng cũng nghẹn ngào trong nước mắt khi không phải ai cũng được gia đình ủng hộ. Đó là những bữa ăn còn thiếu chất từ hành trình ở các trung tâm bóng đá nữ trẻ còn thiếu thốn... Và đó còn là cả sự ít quan tâm của xã hộ. Nơi mà họ luôn nhìn bóng đá nam để ao ước. 

Các bác sĩ vào sân băng bó chân cho cầu thủ. Ảnh: DP

 

Các bác sĩ vào sân băng bó chân cho cầu thủ. Ảnh: DP

Trong số những cầu thủ ra sân ở trận chung kết SEA Games 30, tôi đặc biệt dành sự chú ý nhiều nhất cho Nguyễn Thị Bích Thuỳ. Cô gái quê Quảng Ngãi ấy mới cách đây 3 năm thôi còn trải qua nỗi đau mất cha.

Đó là thời điểm mà đội tuyển nữ đang tham dự Giải bóng đá nữ quốc tế - Irena Cup 2016 diễn ra tại Thâm Quyến (Trung Quốc). Đang trong quá trình thi đấu thì cô nhận được hung tin cha mất vì bệnh nặng, gia đình không kịp báo. Thuỳ cũng chẳng thể về nước chịu tang cha thời điểm đó.

Cô nén đau thương, ở lại Trung Quốc tiếp tục cùng các đồng đội tập luyện chuẩn bị vòng loại cuối cùng Olympic Rio 2016. Đó là những sự thiệt thòi mà khi đã theo nghiệp bóng đá, các cô gái đều sẵn sàng đón nhận. 

Nhìn Bích Thuỳ kiên cường thi đấu cùng các đồng đội trong trận chung kết, nhiều ký ức gợi về với hình hài một cô gái bé nhỏ, chỉ cao 1m53 đã khóc nức nở trong vòng tay đồng đội ngày nào. Những nỗi đau qua đi để rồi giờ đây khi cô được tự hào hát quốc ca với sao vàng trên ngực trái. 

Các cầu thủ đổ gục xuống sân. Ản: D.P

Các cầu thủ đổ gục xuống sân. Ảnh: D.P

Hôm qua, các cầu thủ nữ lần thứ 6 giành Huy chương Vàng SEA Games. Thế nhưng, với họ mọi thứ sẽ chưa thể trọn vẹn khi khán giả vẫn chưa thực sự hào hứng cho họ. 

Huy chương Vàng cho ai? Tôi từng hỏi nhiều cầu thủ nữ như vậy cách đây 2 năm và nhận được câu trả lời rằng: “Em dành cho bố mẹ và những người bên em những lúc khó khăn, và sau đó là bản thân em”.

Đó là câu trả lời rất thực tế khi họ đâu có nhiều khán giả để… tặng. Và kỳ SEA Games này cũng vậy, trên bục cao nhất kia thì Huy chương Vàng  cho ai?