Duối cổ “Thế võ Bình Định”: Báu vật của Huỳnh Gia Tây Sơn

Xin chia sẻ hình ảnh tác phẩm cây cảnh nghệ thuật "Thế Võ Bình Định" những ngày Triển lãm trên Đất Bắc dù đường xa vất vả và tốn kém nhưng được mọi người nhìn nhận đúng giá trị cũng thấy được động viên và thêm yêu nghề.

Tác phẩm Duối cổ "Thế võ Bình Định" của Nghệ nhân Huỳnh Thành Tuyên đến từ Diêu Trì, Tuy Phước, Bình Định từ lâu đã thực sự gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng yêu Cây cảnh nghệ thuật Việt Nam.

Tác phẩm là báu vật của Huỳnh Gia Tây Sơn có những đường nét nghệ thuật tinh tường độc đáo khác lạ vượt ra khỏi khuôn khổ chân phương vốn thấy ở một cây Duối!

Cây Duối cổ "Thế võ Bình Định" xuất hiện ở đâu cũng thu hút rất đông giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn và đông đảo du khách đến xem bởi những yếu tố Cổ - Tinh - Linh - Quái.

Chuyện kể rằng họ Huỳnh đến lập nghiệp ở Bình Định với hai nghề chính là mãi võ và bốc thuốc cứu người nên có rất nhiều duyên nợ với cây Duối. Duối được trồng trước cửa nhà họ Huỳnh được dùng là trường côn quyền pháp trong võ thuật vừa là những vị thuốc bí truyền của Huỳnh Gia mà nhiều người không hề biết!

Duối cổ “Thế võ Bình Định”: Báu vật của Huỳnh Gia Tây Sơn - Ảnh 1

Tác phẩm duối độc nhất vô nhị

Trăn trở về võ thuật và y thuật của Huỳnh Gia vang bóng một thời, bác sĩ Huỳnh Hữu Tấn (cha đẻ của Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên) nung nấu phát tâm tìm kiếm một cây Duối cổ nhất trong vùng để mang trồng trước nhà nhằm nhắc nhở con cháu muôn đời sau mãi nhớ về tổ tiên của Huỳnh Gia luôn có tinh thần thượng võ và hành thiện bốc thuốc cứu người, sống lương thiện, luôn biết thích nghi với mọi hoàn cảnh dù khó khăn nghịch ngược để bền bỉ kiên trì vươn lên trường tồn với thời gian như sức sống mãnh liệt của cây Duối.

Mải miết kiếm tìm với tâm lương trong sáng ròng rã mấy chục năm, cuối cùng cụ Tấn cũng đã tìm thấy một cây Duối cổ thụ mọc ở sườn núi đá cheo leo. Cụ cùng con trai thứ hai của mình là Huỳnh Thanh Tuyên quyết đánh chuyển và đi thực cây Duối cổ về để trồng trước cửa nhà theo mong ước tự bao ngày.

Kể từ đó cụ Tấn dù ở tuổi cao nhưng vẫn dồn hết tâm lực để nghiên cứu trăn trở tạo tác cây Duối cổ mang hình tượng một "Thế võ" của người Bình Định. Thân pháp của tác phẩm vừa uyển chuyển linh hoạt biến đổi khôn lường theo bốn phương tám hướng khác nhau.

Chỉ có những người am tường về quyền thuật cổ truyền mới giải mã hết sự biết đổi mang tính bí truyền của thân thủ, thân pháp thể hiện trên đường chạy của thân cây. Bông tán tản vân đạt đến sự cân đối hài hòa về tỷ lệ giữa bệ, rễ, thân, cành, chi, dăm, lá...tất cả tạo thành một thể thống nhất với ngôn ngữ tạo hình mạch lạc đưa đến cho người xem những thông điệp văn hóa rõ ràng và những rung động cảm xúc sâu kín.

Duối cổ “Thế võ Bình Định”: Báu vật của Huỳnh Gia Tây Sơn - Ảnh 2

Tác phẩm hàng trăm năm tuổi, báu vật của Huỳnh gia, tác phẩm đã đạt đến độ hoàn thiện mỹ mãn từ các yếu tố bệ, rễ, thân, cành, dăm, chi, lá

Điều đặc biệt ấn tượng là mỗi người nhìn vào tác phẩm "Thế võ Bình Định" lại gợi ra cho mình những hình tượng kỳ quái khác nhau. Người thì hình dung ra một nàng tiên cá yểu điệu khoe mình trong không gian; người thì thấy hình tượng một ông lão đang kéo lưới; người thì hình dung ra thế tấn pháp của môn võ Bình Định Gia...Vẻ đẹp từ thân, lá cành toát lên thật vi diệu đã mang đến cho người xem bao suy tưởng về lớp lớp những giá trị nghệ thuật khác nhau.

Gắn bó với tác phẩm tâm huyết này đến khi cụ về với tổ tiên của Huỳnh Gia đã trao truyền lại tác phẩm độc đáo trên cho Nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên, một người thợ kim hoàn nổi tiếng tại thị trấn Diêu Trì!

Với nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên mà giới chơi cây cảnh nghệ thuật Việt Nam vẫn thường gọi thân mật với biệt danh "Tuyên Vàng" thì tác phẩm đuôi cổ mang tên "Thế võ Bình Định" còn quý hơn cả vàng. Nó là gia bảo của Huỳnh Gia, là tình cảm và tâm tư của cha anh muốn gửi gắm cho muôn đời sau, là niềm tự hào của những người con đất Võ.

Duối cổ “Thế võ Bình Định”: Báu vật của Huỳnh Gia Tây Sơn - Ảnh 3

Tác phẩm đẹp cả tứ diện, mặt nào cũng có những nét kỳ quái nhưng rất hài hòa duyên dáng

Có lẽ vì vậy mà tác phẩm này đã có người trả đến 150.000 Đô la Mỹ nhưng nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên vẫn dứt khoát chưa bán. Anh chia sẻ: "Nếu tác phẩm "Thế võ Bình Định" gặp được quý nhân đủ "Thiện, Duyên, Tâm, Đức" có ý sở hữu tác phẩm này để gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống của ông cha phù hợp hơn anh thì anh mới xem xét nhượng lại".

Như chúng ta biết, cây Duối có tên khoa học: Streblus asper, thuộc họ Dâu tằm – Moraceae thường mọc ở các vùng đất khô: Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ...Sức sống mãnh liệt thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, ít sâu bệnh, không bị mối mọt, tuổi thọ cao...

Từ rễ, lá, thân, cành đến hoa quả của cây Duối đều là những vị thuốc quý được nhắc nhiều trong cổ tịch y pháp dân gian và của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Cây Duối gắn bó thân thuộc với đời sống văn hoá, tâm linh và gỗ của nó là những vật dụng rất hữu ích trong sinh hoạt của người Việt. Từ làm nhà, làm cán quốc, xẻng, dao đến làm trạc súng, con quay, tấm thiên của cỗ quan tài...người Việt xưa thường chọn làm từ gỗ Duối!

Duối cổ “Thế võ Bình Định”: Báu vật của Huỳnh Gia Tây Sơn - Ảnh 4

Bộ dăm chi được làm cân đối tỷ lệ hài hòa

Ngoài ra theo quan niệm của phong thủy dân gian thì cây Duối là loại cây trừ tà khí, nạp chính khí tốt nhất, mang lại an vui thịnh vượng cho gia chủ. Các nhà khoa học phát hiện, cây Duối đã được trồng phổ biến ở những di chỉ cổ, lăng mộ thời Hùng Vương và những nơi sang trọng như cung vua phủ chúa. Tiêu biểu như rặng Duổi cổ thụ trên 1000 năm tuổi tại làng Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội hay cây Duối cổ ở đền thờ Đại Thần Lít ở Tổng Phùng...

Trong chiến tranh chống Mỹ người ta còn phát hiện ra tất cả các loại thảo mộc đều không thể sống được nếu nhiễm chất khai quang Đioxin trừ cây Duối. Điều đó cho thấy cây Duối có khả năng tự kháng độc rất tốt!

Chính vì giá trị nhiều mặt và công năng tuyệt diệu của cây Duối trải qua hàng ngàn năm lịch sử ông cha ta suy tôn loại cây này là "Hoàng Anh Mộc" tức là Vua của các loài cây!

Vương Xuân Nguyên