GS. TSKH Trần Xuân Hoài: Trời đã hỗ trợ Việt Nam ta chống lại đại dịch COVID19

Giữa lúc "Đất nước chính thức bước vào 'thời chiến'" để chống lại đại dịch COVID19 nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro bùng phát dịch trên diện rộng, GS. TSKH Trần Xuân Hoài - Nguyên Viện trưởng Viện Vật Lý đã có bài phân tích chỉ rõ những cơ sở khoa học để củng cố thêm niềm tin Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch COVID19! Nếu những lập luận khoa học này có cơ sở vững chắc, thì đây là tin vui và cùng với nỗ lực của toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta công cuộc chống dịch COVID19 sẽ có thêm động lực và niềm tin mới!

Trong mô hình toán học người ta xác định bệnh dịch bằng hệ số gọi là effective reproductive number, R, (Tạm dịch: hệ số tái phát sinh hiệu dụng) được định nghĩa là con số trung bình mà một ca bệnh bạn đầu có thể tạo ra số ca bệnh lây nhiễm thứ cấp trong một cộng đồng. (The average number of secondary cases produced by a typical case in that particular population).

Nói ví dụ khi R=1 là trong xóm hôm nay có 5 bệnh nhân, ngày mai có tổng cộng 10 bệnh nhân, thế là R = (10-5)/5= 1 mỗi bệnh nhân chỉ lây cho 1 người, đây chưa phải dịch. Nhưng nếu hôm sau có tổng cộng 11 bệnh nhân thì một bệnh nhân lây ra hơn 1 người bệnh (R=1,2), đó là dịch bệnh rồi. Vậy R=1 là ngưỡng giữa bệnh lây truyền và bệnh dịch. R càng lớn hơn 1 thì dịch càng mạnh, R=1 dịch dừng, R<1 dịch bệnh giảm. Dù bất kể trường hợp nào thì R càng giảm nhỏ càng tốt. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10873127).

GS,TSKH Trần Xuân Hoài - Nguyên Viện trưởng Viện Vật Lý

Ngày 19/3/2020 (tức là mới 4,5 ngày trước) một nhóm các nhà khoa học của hai trường đại học hàng đầu của Trung Quốc ở Bắc Kinh là Thanh Hoa 清華大學 và Bắc Hàng 北京航空航天大學 đã công bố một kết quả nghiên cứu gây chấn động về sự lây lan của Covid-19 https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm…

Thực ra thì Đông Tây đã có nhiều nghiên cứu đề cập đến vấn đề này, nhưng bài này có ý nghĩa lớn vì nó là bài đầu tiên có số liệu hiện trường lớn và định lượng rõ ràng, có cơ sở và thời sự. Bài dài và thuần tuý khoa học, đại đa số chúng ta đọc không hiểu được. Tôi đành mạo muội giải thích tóm tắt vậy.

Bài viết này nghiên cứu nhiệt độ không khí và độ ẩm ảnh hưởng đến việc truyền COVID-19 như thế nào. Họ đã nghiên cứu từ 105 cặp người mang virus và người bị nhiễm, tính toán hệ số R hàng ngày cho 100 thành phố của Trung Quốc có số ca nhiễm lớn hơn 40 và lấy số liệu giá trị R hàng ngày từ ngày 21 đến 23 tháng 1 năm 2020. Kết quả  cho thấy, nhiệt độ cao và độ ẩm tương đối cao làm giảm đáng kể việc truyền COVID-19 (đã lưu ý đến mật độ dân số và GDP bình quân đầu người của các thành phố). Khi nhiệt độ tăng một độ C thì R giảm bớt là 0,0383 và khi độ ẩm tương đối tăng một phần trăm thì R giảm bớt 0, 0224. Kết quả này cũng phù hợp với thực tế là nhiệt độ cao và độ ẩm cao làm giảm đáng kể việc truyền bệnh cúm.

Nếu đúng là như vậy thì may cho Việt Nam quá. Nhất là phía Bắc tính đến Huế, vừa nóng vừa ẩm, mùa nồm đã bắt đầu, nóng đến trên 30 độ, nồm ẩm chảy nước độ ẩm hơn 100%! Covid 19 chỉ có mà khóc.

Tôi nhớ ngày bé ở vùng Cửu Giang (Lư sơn), bên bờ sông Tầm Dương (Tức tên sông Dương Tử ở đoạn này) cùng ngang vĩ độ Vũ Hán, mùa tết lạnh và khô vô cùng, chân tay trẻ con chúng tôi cước nẻ chảy máu, chảy nước đau đớn khóc như ri, các cô chú Trung Quốc dỗ mãi cũng không được. Vũ Hán ở sâu trong lục địa còn tệ hơn nữa. Cho nên Covid bùng phát ở đây là phải. Trong tàu bay, phòng dùng điều hoà thì nhiệt độ, độ ẩm đều thấp, R tăng, lây nhiễm lớn là đúng quá.

Chợt nghĩ đeo khẩu trang ít nhất là làm cho vùng không khí phía mũi mồm nóng lên và độ ẩm tăng lên rất nhiều, Covid 19 có lọt vào được chắc cũng khóc thét thôi! Vậy thì nên đeo khẩu trang bất kỳ ở đâu, càng lâu càng tốt kể cả lúc ngủ (Đoạn này là tôi suy diễn).

Tác giả bài viết: GS,TSKH Trần Xuân Hoài - Nguyên Viện trưởng Viện Vật Lý - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam