Kinh tế nền tảng số, giải pháp nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cuộc cách mạng công nghiệp được xây dựng trên nền tảng kỹ thuật số với công nghệ tiên tiến đã thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và ảo, góp phần thiét thực vào thay đổi kinh tế toàn cầu. Những năm gần đây, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra hàng nghìn tỷ USD trong hoạt động kinh doanh. Năm 2018, giá trị kinh tế số của khu vực Đông Nam Á đạt 72 tỷ USD; tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kinh tế số được dự báo có thể chiếm tới 60% GDP vào năm 2021 (NASATI 2019).

Là một trụ cột quan trọng, đóng vai trò thiêt yếu để nâng cao năng cạnh tranh và tạo đột phá ở nhiều quốc gia, kinh tế số cho phép các doanh nghiệp hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Để khai thác được lợi thế này, các nước đang phát triển phảỉ đối mặt với nhiều thách thức cả về hạ tầng và hệ sinh thái số, đòi hỏi phải có chính sách phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển.

Kinh tế số là nền kinh tế dựa vào các công nghệ số, nền kinh tế này liên quan đến nhiều hoạt động, bao gồm: Thông tin và tri thức số là yếu tố sản xuất chính; dùng mạng lưới thông tin hiện đại như môt không gian quan trọng và sử dụng công nghệ thông tin truyền thông (CNTT&TT) làm động lực để tăng năng suất và tối ưu hóa cơ cấu kinh tế. Tổ chức  OECD dùng thuật ngữ kinh tế số để chỉ toàn bộ các hoạt động kinh tế-xã hội và văn hóa của loài người có sự hỗ trợ của Internet và CNTT&TT.

Theo các nhà phân tích, nền kinh tế số bao hàm các công nghệ mới nổi như mạng lưới blockchain; nền tảng số và truyền thông xã hội; doanh nghiệp điện tử; doanh nghiệp tham gia phát triển phần mềm; ứng dụng và xây dựng nội dung truyền thông;đào tạo và các dịch vụ liên quan; các doanh nghiệp thiết kế và sản xuất thiết bị CNTT&TT. Từ đây, hoạt động của nền kinh tế số là kết quả của hàng tỷ kết nối trực tuyến giữa con người với doanh nghiệp, thiết bị, dữ liệu và các quy trình.  Có thể nói, xương sống của nền kinh tế số là những siêu kết nối, tạo thành những liên kết giữa con người với tổ chức và máy móc dựa trên nền tảng của công nghệ di động và Internet vạn vật(IoT). IoT được coi là hạ tầng thông tin kết nối những thiết bị thông minh, các tòa nhà và thành phố, được tích hợp vào thiết bị điện tử, cảm biến, phần mềm….để tham gia vào quá trình trao đổi dữ liệu.

Nền kinh tế số cơ hội và những thách thức

Công nghệ số phát triển đã thúc đẩy mạnh việc định hình lại các mô hình và lĩnh vực kinh doanh; bước chuyển này dẫn đến sự ra đời của nền kinh tế số. Kinh tế số cho phép doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, khích lệ việc chuyển từ các dòng hàng hóa hữu hình sang những dòng dữ liệu và thông tin vô hình, tạo thuận lợi cho việc kết nối, làm gia tăng số lượng dòng dữ liệu xuyên biên giới quốc gia.

Triển vọng và cơ hội phát triển đã khích lệ nhiều quốc gia theo đuổi khát vọng để nền kinh số giữ được vai trò thúc đẩy mạnh tăng trưởng và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, tiềm năng của nền kinh tế này còn bị hạn chế bởi nhiều thách thức. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (W.B) từng chỉ ra, những thách thưc này tập trung vào cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái số và hạn chế của chính bản thân nền kinh tế.

Nhìn chung , hạ tầng số ở các nước đang phát triển chưa theo kịp nhu cầu tăng nhanh về dịch vụ, dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng về khả năng truy cập và kết nối. Đây là rào cản lớn nhất đối với phát nền triển kinh tế số, giải quyết hạn chế này là vấn đề  cấp thiết đối với những nền kinh tế đang phát triển. Cùng với tính khả dụng và việc tiếp cận, khả năng chi trả cũng là thách thức quan trọng. Ngày nay, giá sử dụng băng thông rộng cố địnhh ở nhiều nước đang phát triển thường cao hơn gấp 3 lần và băng thông di động cao gấp 2 lần so với các quốc gia phát triển. Chi phí cao khiến việc phổ biến hạ tầng và thiết bị CNTT&TT ở các nước đang phát triển còn ở mức thấp.

Đối với hệ sinh thái kinh tế số, thách thức về thể chế và khả năng con người đang là rào cản lớn.  Để thích ứng với nền kinh tế số, nguồn nhân lực cần có hiểu biết cơ bản về đọc viết, biết tiếng Anh và có kỹ năng số để sử dụng thiết bị và nâng cao hiểu biết về giá trị của Internet. Hiện nay trên thế giới, hơn 1 tỷ người không thể đọc viết thạo và thiếu kỹ năng CNTT&TT, đang là trở ngại cho tình trạng chậm phát triển, nhất là ở các nước chưa phát triển.

Ngoài nhân tố con người, tình trạng thiếu vốn cho các doanh nghiệp cũng là cản trở để tăng trưởng kinh tế số. Các vấn đề tài chính nảy sinh ngoài thiếu vốn, còn do hệ sinh thái quản trị hạn chế hoạt động cấp vốn vì các chính sách lỗi thời.Thách thức về quản trị và kinh doanh được cho là nguyên nhân kìm hãm tốc độ phát triển thương mại số. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi thiếu một cơ quan quốc tế có trách nhiệm hướng dẫn rõ ràng,

Từ những hạn chế trên đây, nền kinh tế số chưa phát huy hết tiềm năng, đã làm khoảng cách giữa các quốc gia ngày càng nới rộng. Khoảng cách số được hiểu là chuỗi những khác biệt về nguồn lực, khả năng tiếp cận và hiệu quả sử dụng CNTT&TT phục vụ phát triển giữa các quốc gia;  khu vực và các nhóm ngành kinh tế -xã hội.

Sự phát triển của nền kinh tế số còn liên quan đến vấn đề an ninh và quyền riêng tư, tác động đến người tiêu dùng. Đây có thể là những bất lợi khi hạ tầng an ninh quốc gia yếu kém. Nền kinh tế số cho phép các doanh nghiệp, chính phủ và những đối tượng khác nhau thu thập, lưu giữ và sử dụng ngày càng nhiều dữ liệu cho mục đích thương mại hoặc chính trị. Những tổn thất hợp pháp từ sự giám sát của chính phủ và những tổn thất bất hợp pháp do hack và những yếu tố tương tự đã dấy lên mối quan ngại về bảo mật và quyền riêng tư, được xem là cản trở cho sự tham gia của doanh nghiệp và người tiêu dùng vào nền kinh tế số.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, nền tảng số đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là trong cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin như các ứng dụng về bản đồ, các platform thiết kế website,…Bên cạnh các hoạt động giao dịch, nền tảng kinh tế số còn là nơi thích hợp diễn ra các hoạt động giáo dục đào tạo, trao đổi kiến thức, kĩ năng. Nghiên cứu của Ambient Insight đã chỉ ra, Việt Nam là một trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng E-learning lớn trên thế giới, với mức tăng trưởng 44,3% trong năm 2018. Trước sự phát triển nhanh chóng của nền tảng số theo hệ sinh thái thế giới, kinh tế nền tảng số đã trở thành bộ phận quan trọng của các ngành kinh tế.

Theo nhiều nghiên cứu, nền kinh tế số đang bùng nổ ở Việt Nam. Năm 2016, tạp chí PC đã coi Việt Nam là một thung lũng Silicon của Đông Nam Á (ĐNA). Những ngành mới nổi và công nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam đang tập trung vào công nghệ tài chính, viễn thông, điện tử, máy tính và dịch vụ CNTT&TT. Theo ước tính, Việt Nam đã có trên 24.500 doanh nghiệp phần cứng, phần mềm và nội dung số với nhiều trung tâm đào tạo chuyên sâu và khu công nghệ cho các lập trình viên và kỹ sư CNTT&TT.

Chính phủ Việt Nam coi chuyển đổi số nền kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng trưởng liên tục và thịnh vượng. Những cam kết thể hiện trong các kế hoạch và chính sách cụ thể của Việt Nam đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đầu tư cho những hạ tầng quan trọng, xây dựng ngành CNTT&TT mạnh, thúc đẩy thương mại hóa điện tử và áp dụng công nghệ như một giải pháp quan trọng để tăng năng suất.

Từ kế hoạch tổng thể về CNTT&TT, Chính phủ Viêt Nam đã dành những ưu tiên phát triển ngành với 6 ưu đãi thuế và xây dựng hạ tầng giáo dục để hỗ trợ. Nhờ đó, cả nước  đã có một cộng đồng chuyên gia phần mềm và công ty khởi nghiệp chuyên phát triển các sản phẩm và dịch vụ số sử dụng tại Việt Nam và phát triển phần mềm ở ngoài nước.

Các chỉ thị, nghị quyết của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt nam đã hướng vào phát triển mạng lưới và hạ tầng số hóa. Theo đó, đã đẩy mạnh cải cách để khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, bao gồm cả việc ứng dụng chính phủ điện tử trong các cơ quan chính phủ, xem xét các quy định và dịch vụ có liên quan,

Điểm nhấn trong các chính sách cải cách của Chính phủ về ưu tiên phát triển CNTT&TT là đẩy mạnh tiếp nhận những công nghệ thông minh trong tất cả các ngành và lĩnh vực, nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới và sáng tạo thông qua cơ sở hạ tầng, tổ chức nghiên cứu khoa học mạnh để thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Cùng với những tác động này, xây dưng kỹ năng công nghệ thông qua giáo dục đào tạo đã được quan tâm nhằm nâng cao nhận thức trong tất cả các ngành về cơ hội và thách thức, đảm bảo để xã hội và ngành có sự chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai.

Kinh tế số nền tảng gia tăng năng lực cạnh tranh- tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp

Trong xu thế toàn cầu, nền tảng số ngày nay không chỉ còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ, mà ngày càng trở nên phổ biến trong nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Theo đó, những nền tảng lớn có thể kéo theo sự phát triển của nhiều nền tảng con như một hệ sinh thái của các trang mạng toàn cầu Facebook, Google, Amazon, Alibaba,  ..Đây là nền tảng tạo ra những hệ thống phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một hệ sinh thái chung, đước coi là những ví dụ điển hình.

Phát biểu trong cuộc tọa đàm chính sách “Ứng dụng kinh tế nền tảng số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam” được tổ chức ngày ngày 20 tháng 02 năm 2020 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng ViệnNghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhờ phát huy được sức mạnh của cuộc cách mạng nền tảng số, nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên cạnh tranh hơn và đuổi bắt ngày càng nhanh hơn với những nền kinh tế phát triển. Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kinh tế nền tảng và cho rằng, sức cạnh tranh của một đất nước dựa trên sức cạnh tranh của cộng đồng, của doanh nghiệp, của người lao động và của từng cá nhân mỗi con người. Vấn đề đặt ra là, nền tảng số ảnh hưởng như thế nào đến năng lực cạnh tranh của một quốc gia?

Toàn cảnh tọa đàm“Ứng dụng kinh tế nền tảng số tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam

Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, các nhà cung cấp của quốc gia này đã sử dụng các hệ sinh thái để phát triển dịch vụ thanh toán di động sáng tạo. Công ty Alibaba đã tận dụng khôn ngoan sức mạnh cạnh tranh to lớn của các công ty nền tảng khác, đó là khả năng kết hợp chặt chẽ các nguồn lực và các kết nối của những đối tác bên ngoài để trở thành năng lực của chính mình. Để mở rộng khả năng cung cấp hàng hóa từ Mỹ cho người tiêu dùng Trung Quốc, năm 2014, Alibaba đã thiết lập mối quan hệ đối tác với công ty dịch vụ hậu cần (logistics) của Mỹ, bằng cách mua lại cổ phần của ShopRunner, công ty này đã có sẵn những thỏa thuận với các thương hiệu Mỹ. Điều này cho phép Alibaba giao được những sản phẩm từ Mỹ đến khách hàng ở Trung Quốc chỉ trong hai ngày.

Chia sẻ về tình hình kinh tế nền tảng của Việt Nam hiện nay, dưới góc nhìn doanh nghiệp kinh doanh nền tảng số, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) UPGen Việt Nam. Đỗ Hoài Nam cho rằng "…kinh tế nền tảng đã xảy ra rồi, không thể thay đổi được!. Dù muốn hay không  chúng ta cũng đều phải tham gia vào các nền tảng khác nhau. Tôi nghĩ, chúng ta cần, nhưng không phải cần tất cả mọi nền tảng. Rõ ràng, nếu không tham gia vào cuộc chơi này, chúng ta sẽ không có một vai trò gì trong nền kinh tế tương lai ngoài việc sử dụng, hưởng lợi từ các nhà cung cấp nước ngoài”. Tuy nhiên, giới công nghệ lại hiểu rằng, lợi thế đặc thù của mỗi quốc gia có thể đạt được nhờ tính quốc tế cao. Ngoài ra, còn có một số nền tảng lại mang tính địa phương vì tài sản do nhà sản xuất địa phương cung cấp, chi phí bằng tiền bản địa và người sử dụng là dân địa phương. Những nền tảng dạng này, nếu các doanh nghiệp nội địa khai thác được sẽ mang lại nhiều điểm lợi.

Từ nhìn nhận này, nhiều nhà phân tích cho rằng, cần xem xét lại những nền tảng mà phần chủ yếu dựa vào yếu tố nguồn lực, tài sản và khách hàng trong nước. Nếu phát triển trên cơ sở này, có thể kiểm soát được kinh tế nền tảng một cách bền vững. Tuy nhiên, đối với những nền tảng mang tính quốc tế cao, việc mở rộng mang lại lợi thế lớn, việc tạo ra một nền tảng tương tự là không cần thiết mà nên dồn nguồn lực và trí tuệ, tiền bạc vào làm những việc có ý nghĩa hơn.

Nguyên CEO Be Group, đồng sáng lập VNG Corp, Trần Thanh Hải cho rằng, với mục đích thu được dữ liệu hành vi của tất cả mọi người để làm tài nguyên, Gmail, Facebook  …đã cung cấp miễn phí dịch vụ, chúng ta có thể tiếp tục sử dụng những nền tảng này, giành nguồn lực vào phát triển những dịch vụ đặc thù với lợi thế riêng của đất nước. Theo ước tính, quảng cáo online dựa trên nền tảng Việt Nam chỉ chiếm dưới 20% doanh thu quảng cáo. Nếu không dịch chuyển từ việc làm thuê, gia công sang lĩnh vực sáng tạo để làm thì 15-20 năm nữa Việt Nam vẫn chỉ làm quảng cáo thuê. Để tự làm không nhất thiết phải làm tất cả mọi nền tảng mà cần lựa chọn những khâu cần thiết phù hợp với khả năng kinh tế để phát triển.

Bàn về  khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, từ góc nhìn doanh nghiệp, các nhà phân tích đã gợi ra 2 mấu chốt khiến các CEO phải vật lộn trong thời gian qua đó là chinh sách và  nguồn vốn. Môi trường khởi nghiệp công nghệ của nước ta đang có nhiều bất cập từ khung pháp lý, bởi công nghệ luôn phát triển nhanh hơn khung pháp lý. Việt Nam có nhiều chính sách thúc đẩy nền tảng số để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nhiều chính sách lại có xu hướng đưa lợi thế vào tay doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra cạnh tranh thiếu công bằng.Từ khó khăn thiếu vốn của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, để cạnh tranh, doanh nghiệp nội địa buộc phải sử dụng nhiều yếu tố khác từ sáng tạo, công nghệ đến dựa vào đặc điểm thị trường địa phương.

 Đồng tình với nhận xét này,  Chủ tịch HĐQT UPGen Việt Nam  khẳng định, trong hoạt động thực tế, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, một trong những khó khăn lớn nhất đó là cạnh tranh về vốn. Theo ông "Khi tiềm lực tài chính chưa phải là lợi thế cạnh tranh, chúng ta cần phải sử dụng những nhân tố khác từ sáng tạo, công nghệ đến các yếu tố từ đặc điểm của thị trường địa phương, nơi Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra một sân chơi công bằng….. .Chính phủ có vai trò quan trọng trong tạo cơ chế, khung pháp lý để các doanh nghiệp cạnh tranh bằng  tạo ra giá trị tương lai thay vì dùng tiền của hiện tại để cạnh tranh".

Phân tích về kinh tế nền tảng, nhiều ý kiến cho rằng, tài sản quan trọng trong lĩnh vực công nghệ chính là cơ sở dữ liệu người dùng.Người tiêu dùng đang hàng ngày làm giàu dữ liệu cho các dịch vụ của nước ngoài và người nước ngoài đang “khai thác” chứ không phải đầu tư vào thị trường Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp trong nước cần phải làm chủ được dữ liệu này bởi đây là tài nguyên quốc gia. Bảo vệ cơ sở dữ liệu người dùng cũng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát tài nguyên dữ liệu. Muốn vậy doanh nghiệp trong nước phải tập trung đầu tư bài bản, có chiều sâu trong các lĩnh vực công nghệ và tránh phụ thuộc vào các công nghệ, dịch vụ của các tập đoàn công nghệ nước ngoài.

Từ diễn đàn sự kiện, nhiều diễn giả cho rằng, nền tảng số ngày nay không chỉ còn là mô hình kinh doanh đặc quyền của các công ty công nghệ, mà ngày càng trở nên phổ biến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. PGS Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, “…. kinh tế nền tảng đang thay đổi mô thức sử dụng hàng hóa. Đặc biệt nền tảng không sở hữu nguồn lực, mà chỉ cung cấp nền móng để mọi người cung ứng và sử dụng dịch vụ, sản phẩm. Nền tảng là một mô hình kinh doanh riêng, có giá trị và có phương thức định giá riêng. Do đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp, các nền tảng này đều đến từ các quốc gia phát triển hơn về công nghệ, về khâu kết nối, về thể chế, về tính sáng tạo,..."(VEPR2020).Theo ông,  Doanh nhân nhìn ra là cơ hội kinh doanh, họ nhận thấy vấn đề thật sự cần thiết và lợi ích của những nền tảng của riêng cho chính họ và cho đất nước. Từ  đây có thể  đánh giá, người Việt cần có những nền tảng để hội nhập, để gia tăng lợi ích và tăng sức mạnh thực tế cho chính mình.

Thay lời kết luận

Kinh tế nền tảng số đang góp phần quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các nền tảng trong cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.Trước sự phát triển nhanh chóng của nền tảng số theo hệ sinh thái trên thế giới, bài học rút ra đặc biệt từ Mỹ và Trung Quốc cho thấy, kinh tế nền tảng số đã trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế.

 Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trước hết tự thân các nền tảng số phải trở nên cạnh tranh hơn; chiến lược mà nhiều quốc gia đang theo đuổi là tạo dựng hệ sinh thái nền tảng, ở đó sự hợp tác và đồng sáng tạo kết nối các nền tảng với nhau. Từ những kết quả, nghiên cứu của VEPR và tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, chúng ta có niềm tin và hy vọng  nền kinh tế số của Việt Nam sẽ vững bước đi lên./.