Lào Cai: Thầy cúng người Dao và “cỗ máy thời gian”

Đến bản Quýt, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, hỏi thăm ông Bàn Văn Xiêm thì không ai lạ. Từ lâu, bà con trong thôn ngoài xóm đã truyền tai nhau câu chuyện về người đàn ông làm nghề “đuổi tà, trừ ma” cùng với đam mê sưu tầm đồng hồ cổ và lưu giữ kho sách cổ của người Dao họ.

Ông Bàn Văn Xiêm và bộ sưu tập đồng hồ cổ.

Ngỡ ngàng trước bộ sưu tập đồng hồ cổ

Chúng tôi đến nhà ông Bàn Văn Xiêm vào một chiều đông. Điều làm tôi ngạc nhiên và chú ý ngay khi bước vào nhà ông là có tới hàng chục chiếc đồng hồ quả lắc treo tường và cả một tủ đồng hồ đeo tay. Lẽ nào chủ nhà làm nghề sửa chữa đồng hồ? Giữa bản Dao heo hút vắng người này lấy đâu ra khách mà sửa nhiều đồng hồ đắt tiền như vậy? Càng quan sát thêm, tôi càng tò mò về những chiếc đồng hồ cũng như về ông lão có dáng người nhỏ thó, nét mặt lúc nào cũng lạnh lùng, đầy bí ẩn.

Sau khi hỏi han chúng tôi về chuyến ghé thăm không hẹn trước, ông Xiêm rót chén nước chè, cởi mở hơn và bắt đầu câu chuyện về đam mê của mình. Ông Xiêm chỉ cho chúng tôi chiếc đồng hồ quả lắc cũ có vỏ hộp gỗ chạm khắc hình chùm nho treo trên cột chính giữa nhà rồi bảo, đây là chiếc đồng hồ ODO quý hiếm có từ thời Pháp thuộc mà bố ông mua ở Hà Nội khi ông còn rất nhỏ. Nếu tính tuổi thì nó đã cả trăm tuổi rồi. Năm trước có vị khách nước ngoài đến nhà chơi trả cả trăm triệu đồng để mua chiếc đồng hồ này nhưng ông không bán.

Chiếc đồng hồ thứ hai mà ông Xiêm khoe với chúng tôi có mặt chữ số La Mã cùng 3 kim bằng đồng vàng bóng. “Chiếc đồng hồ này được tôi đổi bằng một con ngựa thồ cho một người ở dưới xuôi lên vào năm 1957 đấy. Những chiếc đồng hồ khác được tôi mua từ năm 1986 trở lại đây. Có chiếc đồng hồ được mua bằng 180 đồng bạc, ngang giá hai tạ thóc nếp hoặc một con trâu to. Năm 1986, tôi mua 8 chiếc đồng hồ SK, mỗi chiếc trị giá 2 - 3 tạ thóc”.

Tôi ngắm kỹ hơn bộ sưu tập đồng hồ của ông lão người Dao họ. Trong ngôi nhà gỗ tuềnh toàng có tới 12 chiếc đồng hồ quả lắc chạy cơ treo khắp các cột nhà, tường nhà, trên nóc tủ. Cứ nửa tiếng, một tiếng, cả loạt đồng hồ dồn dập kêu vang, chiếc chơi bản nhạc chuông trầm ấm, chiếc kêu trong trẻo, chiếc đánh hồi chuông dài ngân vang…Hàng chục năm qua, những “tuyệt tác thời gian” ấy vẫn đều đều ngân vang như vậy nơi xóm núi xa xôi.

Tôi phải năn nỉ mãi ông Xiêm mới cho xem bộ sưu tập đồng hồ đeo tay hơn 30 chiếc ông vẫn treo trong tủ. Ông Xiêm mang ra mấy chiếc đồng hồ cũ, đều tay lắc từng chiếc rồi chia sẻ: Đây là 3 chiếc đồng hồ POLJOT chính hãng của Nga, đều là đồng hồ cổ, chạy máy cơ, mặt kính lồi, tuy để mấy chục năm rồi nhưng vẫn chạy rất tốt. Còn kia là bộ đồng hồ Orient SK mặt lửa huyền thoại thời bao cấp, được thế hệ thanh niên những năm 80, 90 mê như điếu đổ

Niềm đam mê “cỗ máy thời gian”

Ở cái xóm nghèo trên thượng nguồn suối Ngòi Nhù vắng vẻ giữa rừng núi hoang sơ này mà cách đây mấy chục năm đã một người đàn ông Dao họ có thú chơi “sang chảnh” với những chiếc đồng hồ nổi tiếng đắt tiền khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Tôi gặng hỏi lý do, ông Xiêm bảo: Từ thời bố tôi đã để lại kỷ vật là chiếc đồng hồ cổ với nhiều kỷ niệm. Từ đó, đam mê chơi đồng hồ cứ lớn dần trong tôi, càng ngày càng mê, có hôm chỉ ngồi ngắm những chiếc đồng hồ không biết chán. Mỗi khi nghe thấy ở đâu có chiếc đồng hồ nào mới đưa ra thị trường, tôi đều lặn lội đến xem, hỏi mua cho bằng được. Chưa mua được đồng hồ, về nhà cứ nghĩ đến mãi, ăn ngủ không ngon, chỉ mơ ước một ngày nào đó sẽ là của mình.

- Chơi đồng hồ là thú chơi tốn nhiều tiền, vậy mọi người trong gia đình bảo sao? Tôi thắc mắc.

- Mua nhiều đồng hồ cũng tốn tiền lắm, có khi phải đổi ngựa, bán lợn, bán thóc trong nhà, nhưng vợ con tôi cũng ủng hộ và thích đồng hồ, nên mỗi năm tôi tích cóp tiền mua thêm vài chiếc. Chiếc đồng hồ không chỉ để trang trí nhà, trang sức cho mình, mà còn giúp chúng ta biết trân trọng giá trị của thời gian. “Thời gian là vàng” mà, ông Xiêm trả lời.

Có hàng chục chiếc đồng hồ trong nhà, dù bận mấy nhưng cứ hai ngày, ông Xiêm vẫn tranh thủ lên dây cho chúng để chiếc đồng hồ nào cũng chạy chính xác kim giờ, kim phút, kim giây. Chiếc nào chạy chậm, bụi bám lâu ngày, ông lại lặn lội ra chợ huyện nhờ thợ lau dầu, lau kính. Điều kỳ lạ nữa là ông Xiêm chỉ mua thêm đồng hồ, chứ chưa bao giờ bán đi một chiếc nào. “Nhiều người đến nhà chơi thấy tôi có nhiều đồng hồ cứ hỏi mua lại với giá cao, nhưng tôi kiên quyết không bán. Thi thoảng được ngắm những chiếc đồng hồ yêu thích, đi đâu đó lại đeo trên tay là tôi thấy vui rồi”, ông Xiêm chia sẻ.

Thêm chuyện vui ông Xiêm kể về những chiếc đồng hồ đó là thi thoảng có người anh em, họ hàng ở xa đến nhà chơi, đêm ngủ lại nhà nhưng cứ một lúc lại nghe hàng chục chiếc đồng hồ đồng loạt đổ chuông vang rền khắp nhà thì cả đêm thì không sao ngủ được. Nhưng ngược lại, mấy chục năm qua, gia đình ông Xiêm đã quá quen thuộc với những bản nhạc đồng hồ đó, nên âm thanh ấy giúp cả nhà ngủ ngon hơn. Nếu đêm nào có chiếc đồng hồ bị hỏng không đánh chuông hoặc đổ chuông chậm thì ông Xiêm biết ngay, nếu không được nghe nhạc đồng hồ có khi ông cũng mất ngủ cả đêm.

Làm thầy cúng phải giữ chữ “tâm”

Mấy chục năm qua, những chiếc đồng hồ là niềm đam mê cũng là một thú chơi, còn công việc chính của ông Bàn Văn Xiêm cũng rất đặc biệt và được nhiều người trân trọng. Mùa xuân này bước sang tuổi 79, từ lâu ông Xiêm đã nổi tiếng là thầy cúng giỏi và là người luôn trăn trở bảo tồn những giá trị văn hóa của người Dao họ.

Chia sẻ về công việc của mình, ông Xiêm cho biết: Ngày còn nhỏ, do điều kiện gia đình khó khăn nên tôi chỉ được học đến hết lớp 4. Bố tôi làm thầy cúng nên tôi thường xuyên được đi theo ông làm lễ cho các gia đình trong thôn, ngoài xã. Được bố truyền dạy cho chữ Nôm Dao, đọc những cuốn sách tổ tiên để lại, tôi càng hiểu thêm về văn hóa dân tộc mình. Năm 18 tuổi, tôi được cấp sắc 12 đèn, đến năm 21 tuổi, tôi nối nghiệp cha làm thầy cúng.

Không biết ông Xiêm có tài “đuổi tà, trừ ma” thực hư ra sao, nhưng với bà con Dao họ nơi đây và bà con các dân tộc quanh khu vực xã Cam Cọn, ai nấy đều rất kính trọng gọi ông là thầy. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người ở các huyện trong tỉnh, ở các tỉnh khác như Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu… cũng tìm đến ngôi nhà nhỏ trong bản Dao heo hút cậy nhờ ông.

Ngồi lật từng trang sách cổ của tổ tiên để lại, có những cuốn sách đã vài trăm năm, ông Bàn Văn Xiêm tâm sự: Những cuốn sách cổ này tôi coi như kho báu vô giá, vì lưu giữ rất nhiều giá trị về tâm linh, đạo đức, bản sắc văn hóa. Tôi thường sao chép ra để truyền lại cho con cháu trong gia đình, dòng họ. Làm thầy cúng trước hết phải có tâm, rồi mới nói đến tài năng giúp dân trừ tà. Những thầy lợi dụng việc cúng bái để trục lợi cho bản thân là sự giả dối, bản thân tôi khi đi làm lễ không bao giờ dám đòi hỏi gì, bà con cảm ơn như thế nào tôi đều vui vẻ làm hết trách nhiệm.

Chia tay ông Bàn Văn Xiêm, câu chuyện về người có niềm đam mê đồng hồ khiến tôi ấn tượng, nhưng hơn cả là sự cảm phục thầy cúng có tâm vì dân bản.