Lào Cai: Yêu thương tiếng sáo “cúc kẹ”

Trong véo von tiếng sáo là tiếng lòng của cô gái muốn nhắn gửi đến người thương trong những ngày Tết đến xuân về trên các bản làng người Xá Phó ở vùng cao Lào Cai. Nhưng độc đáo hơn cả là tiếng sáo ấy được thổi bằng mũi - làm nên loại hình văn hóa nghệ thuật, không phải dân tộc nào cũng có được…

Hằng năm, Tết đến xuân về, mỗi khi hoa đào nở khoe sắc thắm trên các triền núi cũng là lúc người Xá Phó sum họp bên gia đình để đón Tết cổ truyền.  Sau ngày mồng 3 Tết là đến phần hội xuân với các tiết mục múa dân gian, hát dân ca và đặc biệt là không thể thiếu tiếng sáo mũi - cây sáo được tạo ra chỉ dành riêng cho phụ nữ Xá Phó.

Người Xá Phó gọi sáo mũi là “cúc kẹ”. Cứ vào tháng 7, tháng 8 hằng năm, phụ nữ Xá Phó phải trực tiếp lên rừng chọn cây nứa già đem về phơi khô để làm sáo. Cây nứa để làm sáo mũi thường có kích cỡ to bằng ngón tay cái, ống dài đều nhau, thông hết ruột nứa, vỏ phải mỏng đều nhau thì âm thanh nghe mới hay. Họ thường chọn cây nứa khoảng 4 - 5 tuổi làm sáo là tốt nhất, bởi ống sáo được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, nên nếu nứa non sẽ bị hóp, nếu già quá sẽ bị nứt, không thể làm sáo được.

Khi chế tác sáo mũi, đục xong một lỗ, phụ nữ Xá Phó đặt lỗ đó vào sát mũi lấy hơi để thổi thử. Khi thử người thổi vừa thổi vừa xoay ống, nếu thấy hướng đó âm thanh tốt thì sẽ chọn để đục lỗ tiếp theo. Sáo mũi thường có 3 lỗ, trong đó có 2 lỗ nhịp ở dưới ngón tay và 1 lỗ nhịp để thổi sáo. Phụ nữ Xá Phó khéo léo đục các lỗ sáo trên ống sáo để tạo ra cây sáo có âm thanh nghe ấm, trầm. Tiếng sáo càng trầm, thanh thoát âm thanh càng hay, người thổi càng luyến láy đưa mình theo giai điệu tiết tấu của sáo.

Vào dịp Tết hay lễ hội, phụ nữ Xá Phó thường thổi sáo mũi cho mọi người thưởng thức, đồng thời các bà các mẹ còn hướng dẫn truyền dạy cho các con, cháu gái để giữ gìn và phát huy giá trị độc đáo của cây “cúc kẹ”.  Theo những phụ nữ Xá Phó, để thổi được sáo mũi, người thổi lấy lượng hơi vừa phải, đặt đầu sáo vào cạnh mũi bắt đầu thổi nhẹ. Nếu thổi mạnh không phát ra âm thanh. Người thổi hít một hơi vào mồm rồi thở ra bằng mũi đặt vào miệng sáo, theo nhịp. 

“Cúc kẹ” của người Xá Phó có ba bài sáo chính (tiếng sáo quê hương, tiếng sáo giao duyên, tiếng sáo hậu phương), nội dung mang đậm giá trị nhân văn, đề cao tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương. Bài sáo quê hương nghe ru dương và êm tai, nội dung giản dị mộc mạc: “Mùa xuân đến rồi các bạn ơi, bản làng ơi. Các bạn hãy chuẩn bị những bộ quần áo váy mới để có một ngày hội xuân vui vẻ bên nhau…”. Còn bài tiếng sáo giao duyên có ý nghĩa: “Em ơi quê hương mình đẹp lắm, có những dòng suối xanh, những con đường mòn chạy quanh ven đồi, khe suối. Những đêm dưới ánh lửa bập bùng mình trao nhau ánh mắt yêu thương, cùng ước nguyện hạnh phúc bên nhau...”

Cứ thế, mỗi mùa xuân đến, trên khắp các bản làng người Xá Phó lại ngân vang tiếng sáo “cúc kẹ” của các cô gái, sao mà da diết yêu thương đến thế, làm bịn rịn, say đắm lòng người, khiến cho bao chàng trai chỉ muốn ở lại không muốn rời xa….