Nam Định: Phong trào sưu tầm, hiến tặng cổ vật

Thời gian qua, phong trào sưu tầm, hiến tặng cổ vật trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Nhiều tài liệu, hiện vật đa dạng về loại hình, chất liệu, niên đại được các tổ chức, cá nhân hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Nam Định đã góp phần hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật, quảng bá các giá trị di sản văn hóa tới công chúng.

Thời gian qua, phong trào sưu tầm, hiến tặng cổ vật trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Nhiều tài liệu, hiện vật đa dạng về loại hình, chất liệu, niên đại được các tổ chức, cá nhân hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Nam Định đã góp phần hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật, quảng bá các giá trị di sản văn hóa tới công chúng.

 

Phong trào sưu tầm cổ vật phát triển mạnh ở thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Hải Hậu… Ông Trần Đức Cự, phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định) đã dành nửa cuộc đời sưu tầm đồ gốm sứ Bát Tràng. Đến nay, ông Cự có bộ sưu tập gốm sứ Bát Tràng với khoảng 50 sản phẩm, chủ yếu thuộc thời Lê, số ít thuộc thời Nguyễn với nhiều món đồ như: lọ, thống, lai, nậm, tì bà, bình vôi, điếu bát, bát, đĩa… Trong đó có những cổ vật đặc biệt quý hiếm như đôi thống thời Lê có đường kính 40 cm, chiều cao 40 cm, sử dụng men dội rớt mật ong. Mỗi khi có dịp, ông Cự không ngại mang cổ vật đến các bảo tàng để trưng bày, giới thiệu với những người có chung niềm đam mê gốm Bát Tràng. Anh Nguyễn Ngọc Sinh, phường Cửa Bắc (thành phố Nam Định) nổi tiếng trong giới sưu tầm cổ vật với bộ sưu tập thạp cổ. Anh Sinh cho biết: “Thạp là đồ để đựng nước, được dùng trong các nghi lễ cúng tế của cha ông ta khi xưa. Trong số 50 chiếc thạp mà tôi sưu tầm, có khoảng 15 chiếc thuộc về thời Lý, 30 chiếc thời Trần, số còn lại thuộc về thời Lê”. Để có được bộ sưu tập thạp cổ đồ sộ như hiện nay, anh Sinh đã phải bỏ nhiều thời gian, công sức. Vốn là dân xây dựng, anh có điều kiện đến nhiều vùng miền để sưu tầm đồ quý. Anh nhớ những chuyến đi Thanh Hóa, lên Hòa Bình tìm đến nhà dân mua thạp. Với bất cứ ai có niềm yêu thích, quan tâm đến đồ gốm sứ nói chung, thạp cổ nói riêng, anh Sinh đều chia sẻ nhiệt tình. Ở huyện Mỹ Lộc, anh Trần Xuân Trường, thôn La Chợ, xã Mỹ Tiến được biết đến là người sở hữu bộ sưu tập pháp lam (đồ đồng tráng men) thời Nguyễn quý hiếm. Trong bộ pháp lam của anh Trường, món đồ mà anh dày công sưu tầm là đôi lọ dáng đùi dế. Đôi lọ có thân làm từ cốt đồng, phủ men sống trang trí bên ngoài. Đặc biệt giữa các họa tiết hoa lá, chim muông đều được ngăn cách bằng các sợi đồng mảnh như sợi chỉ, uốn lượn mềm mại. Trân quý cổ vật, anh thường cho các bảo tàng mượn trưng bày để nhiều người thưởng lãm và để bạn bè xa gần biết ở Nam Định cũng có những người yêu mến, hiểu biết, trân trọng các cổ vật thuần Việt, thuần văn hóa dân tộc.


Bảo tàng tỉnh tiếp nhận các tài liệu, hiện vật của các tổ chức, cá nhân hiến tặng.


Bên cạnh các cá nhân đam mê sưu tầm cổ vật, những năm qua Hội Cổ vật Thiên Trường đã đẩy mạnh phong trào lưu giữ, bảo tồn, trưng bày, giao lưu cổ vật. Thực hiện Luật Di sản văn hoá, ngay sau khi thành lập, Hội Cổ vật Thiên Trường đã đăng ký thành lập hội đồng giám định và mời lãnh đạo Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm trưởng ban phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức kê khai, khảo tả, thẩm định cổ vật cho từng hội viên, báo cáo cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký cổ vật. Đến nay, đã có trên 3.000 cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia của hơn 100 cá nhân đã được đăng ký với Nhà nước, góp phần phát huy giá trị của cổ vật, bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp của các cá nhân đang sở hữu nhiều cổ vật quý hiếm. Hội Cổ vật Thiên Trường đã phát động phong trào sưu tầm, lưu giữ cổ vật tới từng hội viên nhằm góp phần bảo tồn di sản văn hoá và cổ vật dân tộc, từng bước xây dựng và phát triển thị trường cổ vật lành mạnh. Mỗi năm các hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường đã sưu tầm trên 5.000 cổ vật. Hưởng ứng phong trào hiến tặng cổ vật cho Nhà nước, các hội viên của Hội đã hiến tặng trên 700 cổ vật cho Bảo tàng Nam Định và Bảo tàng các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hoá, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hậu cần. Trong đó có nhiều bộ sưu tập quý như: Đồ đồng, đồ đất cổ thời kỳ văn hoá Đông Sơn, một trống đồng cỡ lớn thuộc loại cổ vật quý hiếm và các loại gốm cổ Việt Nam thuộc các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn cùng với các loại đồ cổ của nước ngoài. Trong giới chơi cổ vật, ông Trần Văn Hinh, Chủ tịch Hội cổ vật Thiên Trường là nhà sưu tầm sẵn sàng hiến tặng nhiều cổ vật quý. Sau 25 năm lặn lội với nghề săn cổ vật, ông Hinh đã có bộ sưu tập khoảng 5.000 cổ vật, trong đó có những món đồ đặc biệt quý giá như: Hiện vật đầu rồng bằng đất nung thời Lý - Trần; 12 sản phẩm đầu đao rồng đời Lý - Trần. Đến nay, ông đã tặng 86 cổ vật đời Hán, Đông Sơn, Trần, Lê, Nguyễn cho Bảo tàng tỉnh. Nhiều bảo tàng khác cũng đang mượn ông Hinh số lượng cổ vật lớn để trưng bày, chuyển tải thông điệp lịch sử đến với người dân và giới mộ điệu.

Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trong 10 năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức tiếp nhận hơn 20 đợt hiến tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với gần 2.500 tài liệu, hiện vật, hơn 1.000 đầu sách nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể. Tiêu biểu như các đợt tiếp nhận tài liệu, hiện vật liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát; bộ sưu tập gốm Óc Eo do Câu lạc bộ Cổ vật Nam Bộ hiến tặng; hàng trăm cổ vật quý hiếm của các hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường; nhóm hiện vật của Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam, nhà sưu tầm cổ vật Trần Cao Tường; 1.228 tài liệu sách do Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh hiến tặng... Đặc biệt, cuối năm 2017, ông Vũ Đình Lưu, chủ sở hữu Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh đã hiến tặng và bàn giao cho Bảo tàng tỉnh hơn 1.400 tài liệu, hiện vật gồm: Nhóm hiện vật quân trang, quân dụng của bộ đội; nhóm hiện vật vũ khí, khí tài; nhóm hiện vật chiến lợi phẩm; nhóm kỷ vật của quân nhân, gia đình bộ đội, nhóm hiện vật thời bao cấp. Việc tiếp nhận tài liệu, hiện vật từ các tổ chức, cá nhân được Bảo tàng tỉnh tiến hành theo đúng quy trình, sau đó tiến hành thẩm định, bổ sung thông tin nhằm làm rõ nguồn gốc, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Các tài liệu, hiện vật được hiến tặng được tư liệu hóa theo đúng nguyên tắc bảo tàng, được phân loại hiện vật theo chất liệu, niên đại; trên cơ sở đó thành lập các sưu tập hiện vật hoặc các chuyên đề đặc trưng để trưng bày và nhập kho cơ sở… Để phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật được tiếp nhận, hoạt động trưng bày của Bảo tàng tỉnh luôn được đổi mới để đưa các giá trị di sản đến với đông đảo công chúng.

Những tài liệu, hiện vật các tổ chức, cá nhân sưu tầm, hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh được bảo tồn, phát huy gắn với các hoạt động trải nghiệm tham quan của các trường học tại bảo tàng góp phần bồi đắp kiến thức lịch sử, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.