Nam Định: Thành Lợi bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống

Xã Thành Lợi (Vụ Bản - Nam Định) có 3 thôn: Quả Linh, Bách Cốc và Mỹ Trung. Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, mỗi thôn làng nơi đây đều lưu giữ những tín ngưỡng mang đậm giá trị văn hoá gắn liền với những tên đất, tên làng được các thế hệ người dân lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại.

 

Thôn Quả Linh còn có tên là làng Gạo. Tương truyền, làng Gạo xưa là một trong những nơi đặt kho lương của nhà Trần, có nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho quân đội, nay là nơi sinh hoạt văn hoá, hội họp, bàn bạc việc xóm làng. Đền làng Gạo thờ vị thần có công dạy và giúp dân cày cấy và 18 vị tổ lập làng từ thời Hùng Vương. Người dân Thiên Bản xưa (huyện Vụ Bản ngày nay) vẫn lưu truyền bài vè: “Mùng một chơi Tết ở nhà/ Mùng hai chơi điếm, mùng ba chơi đình/ Mùng bốn chơi chợ Quả Linh/ Mùng năm chợ Trình (Trình Xuyên), mùng sáu chợ Gôi/ Đến ngày mùng bảy thì thôi/ Mùng tám sắm sửa đi chơi chợ Viềng”; “Vua Trần có lệnh tuyển binh/ Chống giặc Nguyên thắng, thái bình xướng ca/ Ba năm một lệ làng ta/ Dần, Thân, Tỵ, Hợi múa ca tưng bừng…”. Đã thành thông lệ, cứ 3 năm 1 lần (vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi) từ mùng 9 đến 11-3 âm lịch, người dân làng Gạo lại tưng bừng mở hội “Thái bình xướng ca”. Sau bao thăng trầm, từ năm Nhâm Thân (1992), lễ hội làng Quả Linh được khôi phục với nhiều hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia. Trước ngày hội, từ mùng 5 đến mùng 8-3 âm lịch, dân làng tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng như: tế giao, tập nghi, lễ thượng điền, lễ hạ điền, lễ thường tân (cơm mới), rước kiệu… Sau đó là phần hội. Trong ngày hội, đặc sắc nhất là đám hát làng Gạo. Theo các bài dân ca còn lưu truyền trong dân gian, đám hát làng Gạo có từ thời Trần với các hoạt động đàn hát, nhảy múa với không khí vui tươi, ăn mừng chiến thắng quân Nguyên - Mông. Ngoài ra, còn có các nội dung “thuyền tải lương” - tái hiện những hình ảnh đoàn thuyền chở gạo tiếp viện cho quân binh xưa, mang ý nghĩa giáo dục về ý thức tập thể và tinh thần đoàn kết quân dân gắn bó. Lễ hội làng Quả Linh còn là nơi hội tụ của hơn 20 loại hình nghệ thuật, trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống như: hát chèo, chầu văn, hát trống quân, dệt vải, đánh cờ đèn dưới nước, leo cầu kiều, chơi đu, vật võ, múa rồng, múa sư tử, tổ tôm điếm…


Vật võ trong lễ hội “Thái bình xướng ca”, xã Thành Lợi.


Cùng với lễ hội “Thái bình xướng ca”, người dân Quả Linh tự hào bởi khắp các làng trên, xóm dưới hiện nay còn bảo tồn, gìn giữ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm như: múa rồng ở xóm Bến, múa sư tử ở xóm Chải, chơi đu ở xóm Cuối, xóm Chợ... Từ thế kỷ XIX, xóm Bến có nhiều người chế tạo được những con rồng mây độc đáo và truyền lại cho các thế hệ sau này. Ngày trước, cứ vào khoảng mùng 10-8 âm lịch hằng năm, các nghệ nhân cao tuổi trong xóm lại tập trung làm rồng mây để biểu diễn phục vụ nhân dân trong dịp lễ hội làng vào các ngày 13, 14, 15 tháng 8 âm lịch. Mặc dù không sặc sỡ sắc màu như các con rồng vải, nhưng rồng mây luôn là niềm tự hào của người dân xóm Bến bởi kết tinh từ tư duy sáng tạo, bàn tay tài hoa của người dân quanh năm chân lấm tay bùn, sử dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương là thân cây mây. Những năm gần đây, khi những cây mây làm nguyên liệu không còn, người dân xóm Bến cũng dần thay thế rồng mây bằng đôi rồng bằng vải nhưng không mất đi dáng vẻ truyền thống, độc đáo. Hiện nay, đội múa rồng ở xóm Bến có trên 70 người, biểu diễn 2 con rồng màu vàng và màu xanh. Các thành viên trong đội gồm những người dày dặn kinh nghiệm và lớp trẻ kế cận. Ngoài lễ hội làng, đội rồng xóm Bến còn tham gia biểu diễn trong lễ hội Phủ Dầy, lễ mừng thọ dịp đầu xuân mới. Hình ảnh đôi rồng hòa nhịp tiếng chiêng, trống dưới sự cổ vũ, hò reo của hàng trăm người làm huyên náo cả làng mỗi độ tết đến, xuân về.

Nói đến những giá trị văn hoá truyền thống ở Thành Lợi không thể không nhắc tới sới vật có từ lâu đời ở thôn Mỹ Trung. Đây được coi là “cái nôi” của môn thể thao vật võ truyền thống huyện Vụ Bản. Hiện nay, tại Đình Đồng Tiến - nơi diễn ra các giải vật võ vẫn còn lưu giữ khấu bao bằng gỗ của các đô vật thời xưa. Ngôi đình tuy nhỏ nhưng mang phong cách nghệ thuật độc đáo với những hình ảnh sân đình rộng rãi, hồ bán nguyệt quanh năm nước trong; đặc biệt 2 bên đầu đình còn đôi tượng đô vật bằng đá đóng khố, quỳ gối tay nâng bát hương. Tiếp nối truyền thống cha ông, ngày nay nhiều thanh niên trong làng theo đuổi môn vật. Nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống vật Mỹ Trung, hàng năm, vào dịp đầu xuân, dân làng lại tổ chức sới vật thu hút nhiều đô vật trong làng, ngoài xã thi đấu giao hữu.

Cùng với các giá trị văn hóa được lưu giữ qua các lễ hội cộng đồng, xã Thành Lợi còn bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hóa qua việc rèn giũa, lưu truyền nền nếp gia phong trong mỗi gia đình, dòng họ. Người dân trong làng tự giác tuân theo các quy định về giữ gìn thuần phong mỹ tục. Chính những yếu tố đó đã tạo ra sự gắn bó và cấu kết bền chặt của cộng đồng dân cư ở các làng thôn, hình thành những nét đẹp văn hoá trong sinh hoạt, ứng xử, tín ngưỡng tâm linh. Nhiều thuần phong mỹ tục truyền thống vẫn được duy trì qua việc thực hiện hương ước; những giá trị luân thường đạo lý, phẩm hạnh con người theo quan niệm đạo đức truyền thống trong gia đình và xã hội được đề cao. Những tục lệ đầu năm như: Lễ động thổ, tục lệ trong đêm Trừ tịch, lễ Khai hạ, lễ Thần Nông, lễ Tịch điền, lễ Thượng Nguyên hay cúng rằm tháng Giêng, cúng Thổ công cũng được nhân dân ở các địa phương lưu giữ, bảo tồn.

Vài năm gần đây, một số bộ phận người dân Thành Lợi đi làm ăn ở các đô thị, môi trường sống, sinh hoạt thay đổi, gấp gáp đã phần nào làm mai một những giá trị văn hoá truyền thống vốn có nơi đây. Nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương, đáp ứng tâm nguyện của nhân dân địa phương, Đảng ủy, UBND xã Thành Lợi thường xuyên tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống các di tích và lễ hội trên địa bàn. Nhiều công trình di tích đền, đình, chùa, được trùng tu, tôn tạo để chống xuống cấp nhưng tuân thủ nguyên tắc không làm mới, biến dạng di tích mà giữ nguyên trạng, được bảo vệ, khai thác hiệu quả với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ban quản lý các di tích thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đảm bảo cảnh quan môi trường văn hóa, an ninh trật tự, từng bước khôi phục các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian, gắn lễ hội với việc giáo dục truyền thống. Việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ở các làng quê kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa hiện đại ở xã Thành Lợi đã tạo động lực để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào cuộc sống, phát huy sức mạnh nội lực, đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, hướng con người tới lối sống tốt đẹp, văn minh, phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.