Tản mạn chuyện viết và chơi thư pháp

Về thú chơi của người Việt xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng” để nhấn mạnh nghệ thuật thư pháp là thú chơi được xếp hàng đầu. Nghệ thuật Thư pháp ban đầu sử dụng chữ Hán/chữ Nôm thuộc dòng chữ tượng hình nên sẵn có yếu tố hình họa. Những bức thư pháp ngoài giá trị nghệ thuật hội họa còn chứa đựng ý nghĩa chúc tụng, giáo dục của người cho chữ với người được cho. Tuy nhiên, với tranh thư pháp dùng chữ cổ (Hán, Nôm) đòi hỏi cả người cho và người chơi phải hiểu, bởi đôi khi chỉ...

Về thú chơi của người Việt xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng” để nhấn mạnh nghệ thuật thư pháp là thú chơi được xếp hàng đầu. Nghệ thuật Thư pháp ban đầu sử dụng chữ Hán/chữ Nôm thuộc dòng chữ tượng hình nên sẵn có yếu tố hình họa. Những bức thư pháp ngoài giá trị nghệ thuật hội họa còn chứa đựng ý nghĩa chúc tụng, giáo dục của người cho chữ với người được cho. Tuy nhiên, với tranh thư pháp dùng chữ cổ (Hán, Nôm) đòi hỏi cả người cho và người chơi phải hiểu, bởi đôi khi chỉ sai một nét phẩy, chữ đã mang nghĩa khác, rất dễ “phản chủ”(!).


Khu trưng bày của CLB thư pháp Trí Đức tại chương trình Chợ Tết “Một thoáng Thành Nam” Xuân Canh Tý - 2020 do Bảo tàng tỉnh Nam Định tổ chức.


Những người đam mê viết thư pháp

Ông Đặng Kim Ba là một trong những tên tuổi lớn ở Thành Nam về nghệ thuật thư pháp Hán Nôm. Ông có một thói quen là luôn sắp xếp sẵn nghiên bút, giấy mực trên mặt bàn để mỗi khi có cảm hứng là kịp thời thi triển thư pháp... Năm 1995, khi tham quan một số di tích trên địa bàn tỉnh, ông tìm hiểu ý nghĩa các câu đối, đại tự, hoành phi trong các di tích. Khi đã hiểu nội dung từng chữ, ông đến thỉnh giáo các nhà nho giỏi chữ Hán để học cách viết. Nhiều tác phẩm thư pháp làm nên tên tuổi của ông như: “Chiếu Dời Đô” của Lý Công Uẩn, một số bài thơ của Bác Hồ và thơ của các vị vua nhà Trần. Trong đó, đặc sắc là tác phẩm thư pháp “Chiếu Dời Đô” dài 240 chữ được ông Ba viết theo lối Lệ thư. Với lối viết Lệ thư, các nét bút đòi hỏi người viết phải thi triển các động tác liên tục, không dừng bút, không được sai một từ vì nếu sai phải viết lại cả bài thơ. Dù đã 25 năm tìm hiểu, viết chữ Hán, thư pháp nhưng mỗi ngày ông đều dành vài giờ để luyện chữ. Khi viết phải đứng, cánh tay không được chạm bàn nên đòi hỏi phải có sự khổ luyện và liên tục. Việc chọn bút viết cũng rất cầu kỳ, phải đầy đủ các yêu cầu “tiêm, tề, viên, kiện” (nhọn, xòe bằng nhau, tròn và cứng cáp). Nhưng theo ông Ba khó nhất vẫn là “viết các thể chữ”. Chữ viết gồm 5 thể: Triện, Lệ, Hành, Khải, Thảo, mỗi thể viết lại đòi hỏi độ khó riêng... Với mong muốn quảng bá nghệ thuật thư pháp, nhiều năm qua, ông Đặng Kim Ba được Bảo tàng tỉnh mời giới thiệu nét đẹp của nghệ thuật thư pháp cho các em học sinh dịp đầu xuân. Theo ông Ba, cho chữ cũng chính là để tự tu thân, bởi mỗi người xin chữ ngoài cầu may mắn còn muốn xin đức độ, tài năng của người cho chữ để răn mình.

Ông Trần Quốc Hạnh (71 tuổi) ở thành phố Nam Định, là người đã có hàng chục năm theo đuổi nghệ thuật viết thư pháp. Từ khi học Trường cấp III Lê Hồng Phong (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định) ông đã say mê bộ môn Trung văn. Hàng ngày sau khi kết thúc buổi học, ông lại ra hiệu sách ở đường Hoàng Văn Thụ mua sách báo Trung Quốc về tự học. Với vốn kiến thức về chữ Trung Quốc giản thể, ông đến các cổng đình, chùa, đại tự, câu đối nhập tâm để lưu lại trong trí nhớ từng nét chữ Hán. Năm 2005, khi tham gia câu lạc bộ thư pháp Trí Đức (thành phố Nam Định) ông Hạnh tiếp cận những kỹ thuật thư pháp một cách bài bản. Điểm đặc trưng trong phong cách viết thư pháp của ông Hạnh là vận thể hành thảo trong các tác phẩm, các nét chữ thể hiện bút lực nhanh, có độ bay. Ông Hạnh cũng là một trong số ít người hiện nay có kiến thức khá sâu rộng về chữ Nôm thư pháp. Theo ông Hạnh, muốn hiểu, muốn đọc chữ Nôm phải nắm vững phương pháp cấu tạo của chữ Nôm, diễn biến của chữ Nôm và hiểu được một số quy luật ngữ âm học lịch sử về tiếng Việt Nam và tiếng Hán Việt. Để có vốn chữ Nôm, ông đã tự học qua từ điển, qua các bài thơ của Tú Xương, Truyện Kiều... Từ năm 2013, ông Hạnh tiếp tục sáng tạo cách viết thư pháp cho chữ quốc ngữ theo các nét của chữ Hán. Ông cho biết: Mỗi người khi lựa chọn viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ cần nghiên cứu kỹ cả về bố cục thư pháp, hình khối và nét chữ. Nếu không hiểu kỹ chữ viết khi sáng tác thư pháp chữ quốc ngữ dễ rơi vào cách thể hiện rườm rà, làm biến dạng chữ Việt. Hiện nay, ông là một trong số ít các thầy đồ được Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh tín nhiệm mời viết thư pháp trong chương trình giáo dục truyền thống cho học sinh.

Nghề chơi phải rất công phu

Hiện nay, ở hầu khắp các lễ hội, các sự kiện văn hóa lớn trên địa bàn tỉnh đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ông đồ cho chữ. Bên cạnh những ông đồ am hiểu về chữ, nghĩa thư pháp vẫn có những người tự xưng là “thư gia” với vốn chữ Hán Nôm hạn chế. Theo nhiều người viết thư pháp lâu năm, ngoài hiểu rõ nghĩa của chữ, người cho chữ còn phải nắm chắc những thủ pháp chính và quy tắc của thư học. Việc một số “thư gia” viết chữ “quên” nét, thiếu dấu làm sai lệch nội dung của chữ không phải là chuyện hiếm gặp. Nhiều người viết thư pháp thậm chí chỉ thuộc một số chữ Hán đơn giản như “tâm”, “nhẫn”, “phúc”, “đức”, “hiếu”…; không viết đúng theo trình tự viết chữ Hán như trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau, trái trước phải sau, ngang trước dọc sau; cách cầm bút, vận bút sai từ đó kéo theo những nét chữ nguệch ngoạc. Người xin chữ hiện nay cũng thường theo trào lưu số đông, ít ai quan tâm và đủ kiến thức để hiểu chữ viết đúng hay sai quy cách, thể thức. Bên cạnh đó, giá trị từng chữ thư pháp hiện nay được thương mại hóa với những giá trị cụ thể. Người bán, người mua mặc cả mỗi bức thư pháp. Nhiều người xin chữ không có sự hướng dẫn của ông đồ khi chơi chữ Hán còn treo ngược, sử dụng những câu danh ngôn bằng chữ Hán nhưng không hiểu nội dung ngữ nghĩa. Bởi vậy, bức thư pháp chỉ mang tính trang trí trong nhà không còn giá trị nhắc nhở gia chủ tự răn, nỗ lực vươn lên sao cho xứng đáng với ý nghĩa những chữ được treo. Thiết nghĩ, việc chơi tranh thư pháp đang dần hồi sinh và có chỗ đứng ở xã hội hiện đại là dấu hiệu tích cực, tuy nhiên đi cùng đó cần sự sát sao của các cơ quan hữu quan về quản lý văn hóa để chấn chỉnh tình trạng “ông đồ” rởm tham gia viết và cho, tặng, thậm chí bán tranh thư pháp tại các lễ hội truyền thống và trong các sự kiện văn hóa bằng các biện pháp như kiểm tra kiến thức, cấp thẻ hoạt động…

Để góp phần đưa nghệ thuật thư pháp trong tỉnh trở về đúng giá trị văn hóa truyền thống, năm 2005, Câu lạc bộ Trí Đức thư pháp Nam Định được thành lập với 10 thành viên có thâm niên về tìm hiểu chữ Hán Nôm. Qua hơn 10 năm hoạt động, đến nay câu lạc bộ thu hút được hơn 20 thành viên tham gia ở các lứa tuổi, ngành nghề; từ những người cao tuổi, lão thành cách mạng, bác sĩ, hoạ sĩ, giáo viên, bộ đội, công chức đến các bạn sinh viên. Hàng năm, câu lạc bộ tích cực tham gia tổ chức các hội thi, giao lưu thư pháp dành cho những người đam mê thư pháp trong và ngoài tỉnh vào các dịp lễ, tết; đặc biệt là khôi phục hoạt động cho chữ tại: lễ hội Chùa Bái Đính (Ninh Bình), hội chợ hoa Xuân, lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy (Nam Định) và nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Các thành viên trong câu lạc bộ khi tham gia hoạt động cho chữ đều được Ban Chủ nhiệm lựa chọn đảm bảo các điều kiện kiến thức về chữ Hán Nôm và cách viết thư pháp chuẩn mực. Ở huyện Hải Hậu có Câu lạc bộ Hán Nôm Quần Anh được thành lập từ năm 2009 hoạt động theo mô hình giáo dục dạy chữ Hán Nôm. Đến nay, câu lạc bộ đã quy tụ được 82 hội viên ở mọi lứa tuổi sinh hoạt đều đặn vào ngày 25 âm lịch hàng tháng. Đội ngũ giáo viên dạy Hán Nôm trong CLB gồm 8 người cùng với Ban chủ nhiệm CLB đã biên soạn giáo trình giảng dạy, có nội dung thiết thực, phù hợp với quá trình học của các học viên… Ngoài học chữ cơ bản, các học viên còn được học viết thư pháp, viết hoành phi câu đối, khắc chữ trên tranh gỗ, tranh dân gian, đồng thời khám phá những tư liệu về y học, dịch thuật, những nét đẹp trong những tác phẩm văn học Hán Nôm.

Chơi chữ thư pháp không đơn thuần là thú chơi mà ẩn chứa trong đó bề sâu văn hóa, bởi vậy đòi hỏi tri thức, đạo đức của cả người cho chữ và người xin chữ. Xác định đây là nghệ thuật thực sự thì người chơi và người làm sẽ có sự nghiêm túc cần thiết để loại hình nghệ thuật này ngày càng phát triển, đa dạng cả về phong cách thể hiện và ý nghĩa nhân sinh, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Việt.