Thái Nguyên: Quy ước, hương ước - một nét đẹp văn hoá

Tháng 11, tháng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, Ngày hội biểu dương, tôn vinh các gia đình văn hoá; xóm, tổ dân phố văn hoá. Đây cũng là thời điểm để cán bộ, nhân dân nhìn lại một năm triển khai thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mà cốt lõi là quy ước, hương ước của xóm, tổ dân phố.

quyuoc

Bà con xóm Khe Khoang, xã Yên Ninh (Phú Lương) họp bàn thống nhất quy ước, hương ước xây dựng xóm văn hoá.

Ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Trước đây, việc hướng dẫn các xóm, tổ dân phố xây dựng, tổ chức thực hiện quy ước, hương ước do Sở Tư pháp đảm nhiệm. Nhưng từ tháng 11-2018,  nhiệm vụ này được Sở Tư pháp bàn giao cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý. Nhằm triển khai có hiệu quả, Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa các cấp đã đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành, chủ động hướng dẫn quy trình, thủ tục, thẩm định và quản lý tốt chất lượng quy ước, hương ước phù hợp. Góp phần phát huy thuần phong, mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đến nay, trên 3.000 khu dân cư đã xây dựng được quy ước, hương ước (đạt 100%). Các quy ước, hương ước thường xuyên được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng Phòng Xây dựng Đời sống văn hoá và Gia đình cho biết: Những điều lỗi thời như các tập quán lạc hậu, ma to, cưới lớn đều được nhân dân nhất trí loại bỏ; đồng thời bổ sung những điểm mới phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, như các tiêu chí về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sống… Trò chuyện với chúng tôi, ông Lầu Văn Vừ, người cao tuổi có uy tín ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) ôn tồn: Các quy định trong quy ước, hương ước của xóm đều liên quan đến cuộc sống của bà con, như việc tham gia xây dựng gia đình văn hoá; không sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi trên cây chè, cây ngô; không vi phạm pháp luật và tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng.

Từ xóm, tổ dân phố, các quy ước, hương ước quy định quy tắc ứng xử và đều do người dân bàn bạc, tự nguyện thỏa thuận, thiết lập và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh tâm đắc: Việc xây dựng quy ước, hương ước nhằm để phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Chính vì xuất phát từ thực tế cuộc sống nên quy ước, hương ước tạo dựng được sự đồng tâm lòng người. Việc này, ông Đặng Văn Chu, Trưởng xóm Khe Khoang, xã Yên Ninh (Phú Lương) cho biết: Quy ước, hương ước là do nhân dân xây dựng, thống nhất thực hiện, nên người dân tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh, như việc tham gia đóng góp các quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quỹ Vì Người nghèo, xây dựng nhà văn hoá, làm đường bê tông, khuyến học… đều huy động được sự ủng hộ của nhân dân với tỷ lệ cao. Còn bà Lý Thị Quân, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm Đầm Mương 15, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) nói mộc mạc: Miền Đầm Mương có 4 xóm: Đầm Mương 12, Đầm Mương 13, Đầm Mương 14, Đầm Mương 15 có hơn 90% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Tham gia Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, xóm văn hoá, tại từng xóm đều có quy ước, hương ước riêng để “làm kim chỉ nam” cho mọi công dân phấn đấu thực hiện.

Quy ước, hương ước thực sự có sức mạnh, vì “nó” có tác dụng trực tiếp điều chỉnh các hành vi của người dân, ngăn chặn kịp thời những thói hư, tật xấu từ cơ sở; đồng thời khuyến khích, cổ vũ người dân tham gia chấp hành tốt, góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, củng cố vững chắc lòng tin của người dân vào sự đổi mới của Đảng, Nhà nước.