Thanh Hoá: Đẹp hội Trò Chiềng

Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ đến ngày 10 - 12 (tháng Giêng), người dân ở xã Yên Ninh (Yên Định- Thanh Hoá) tạm gác mọi công việc để trẩy hội Trò Chiềng. Sau hơn 60 năm thất truyền (từ năm 1946 đến 2007), Trò Chiềng được khôi phục với đầy đủ 12 trò diễn đặc sắc và ngày 20/6/2017 chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.


Lễ hội Trò Chiềng tại làng Trịnh Xá được diễn ra từ ngày 10 - 12 tháng Giêng để tưởng nhớ về công lao to lớn của Tam Công Trịnh Quốc Bảo. Đây cũng là tín ngưỡng tâm linh độc đáo, cầu cho nhân khang vật thịnh, mùa màng tốt tươi. Theo quy định của làng, Trò Chiềng được tổ chức: Đại Trò (những năm được mùa, dân no đủ, diễn cả 12 trò); Trung trò (những năm mùa màng giảm, diễn từ 5 đến 6 trò); năm nào mất mùa, thiên tai thì làm Tiểu trò, chủ yếu là tế rước để giữ lễ trò.

Lễ hội Trò Chiềng là nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân xã Yên Ninh (Yên Định - Thanh Hoá).

Tìm hiểu về nguồn gốc của lễ hội Trò Chiềng chúng tôi được biết: Trò Chiềng có từ thời nhà Lý. Truyền thuyết dân gian kể lại, vua Lý Thánh Tông lệnh cho tướng quân Trịnh Quốc Bảo tìm kế sách đánh giặc. Một lần khi ngang qua làng, trong giấc chiêm bao ông thấy 2 con voi, ứng với đó là 2 ngọn núi (núi Vàng và núi Khoai) nằm ở phía Tây của làng Trịnh Xá, giữa một cánh đồng đang gầm gừ nhau. Từ đó ông đã nghĩ ra cách đánh giặc bằng cách xây dựng một đội tượng binh bằng tre nứa trông như voi thật. Ngoài ra, ở vòi con voi còn được trang bị pháo hoa để lúc xung trận, pháo hoa phát hỏa, kèm theo tiếng nổ inh tai như sấm ran, chớp giật, khói bay mù mịt khiến quân Chiêm bất ngờ chạy tán loạn.

Sau thắng trận, vua mở hội, ôn lại chiến thắng giặc Chiêm Thành. Trò Voi trận của tướng quân Trịnh Quốc Bảo được nhà vua yêu cầu biểu diễn và đã được ban khen. Năm 1078, tướng quân Trịnh Quốc Bảo trở về quê nhà làng Trịnh Xá, khi đã 80 tuổi, song vẫn miệt mài tổ chức cho con cháu diễn lại các trận đánh xưa, đồng thời phổ biến thêm các trò diễn từ đất Thăng Long truyền lại cho dân làng. Tuy nhiên, Trò Chiềng đã bị mai một mãi tới năm 2007 mới dần trở lại. Từ đó đến nay, người dân làng Trịnh Xá (xã Yên Ninh) đã khôi phục và tổ chức để lễ hội ngày càng phong phú, sinh động hơn.

Theo cụ Trịnh Đình Quý, Trưởng làng Trịnh Xá, người có công rất lớn trong việc khôi phục và phát triển lễ hội Trò Chiềng: Trò Chiềng khởi đầu là trò Voi trận - Chọi voi và phát triển thành lễ hội với 12 trò diễn. Trong đó có 4 phần rước gồm: Rước cỗ vàng, rước cỗ gà, rước Thành hoàng và rước Phụng Hoàn. Phần hội trong lễ hội Trò Chiềng có các trò đặc sắc như Kén rể, Tẩu mã, Chọi voi, Chọi rồng - cá chép hóa rồng, Voi bị, Đốt pháo bông, lễ rước Phụng Hoàn. Lễ hội Trò Chiềng mở đầu bằng trò Kén rể. Tương truyền, con gái làng Trịnh Xá vốn nổi tiếng đẹp người, đẹp nết, mỗi khi làng mở hội, tổ chức kén rể thì tài tử khắp chốn xa gần đều nô nức kéo đến tham gia. Mở đầu trò Kén rể có người đóng vai Lương tướng, người đóng vai Lão Nguyệt,...

Trong lễ hội Trò Chiềng với 12 trò diễn đặc sắc, trò Chọi voi được xem là tiết mục độc đáo nhất. Có các loại voi: Voi chầu gồm 2 con to như voi thật. Voi chọi được đan bằng tre và mây, do 4 thanh niên lực lưỡng vác 4 chân và 1 lão nông khoẻ mạnh, dày kinh nghiệm cầm cần điều khiển đầu voi để chọi. Toàn bộ thân voi có vải che kín và mỗi voi có màu vải khác nhau. Khi phát lệnh, 2 con voi xông vào nhau, chọi bằng 2 chiếc ngà. Lệ xưa quy định, chọi 2 vòng, mỗi vòng 3 hiệp, con nào bị đẩy lùi, bị đánh đúng chữ “Đích” trên đầu thì bị thua. Sau khi trò diễn kết thúc, tất cả voi, ngựa, rồng, được đem hoá yết cáo trời đất, tri ân công đức của cha ông và các thế hệ tiền nhân của dân làng Chiềng.

Bên cạnh trò Chọi voi, trò Chọi rồng cũng không kém phần độc đáo. Với 2 con rồng, trong đó đầu và đuôi hình rồng, còn giữa thân có hình cá chép. Khi hai con chọi nhau, con nào thắng thì con cá chép chui hẳn vào đầu rồng thành cá chép hoá rồng...

Trò Chiềng kết thúc bằng trò đốt pháo bông để ăn mừng. Cây pháo được dựng có 12 tầng với các ống và quả pháo có nhiều kích cỡ khác nhau. Trên đỉnh chót vót của cây pháo là hình chú Tễu làm trò. Khi phát hỏa, ánh sáng muôn màu lóe lên và xuất hiện những cảnh: Tễu xay lúa giã gạo, đôi chim công bay múa, chim đẻ trứng và sau cùng hiện lên dòng chữ Hán “Như nhật chỉ thăng” với hàng loạt pháo sáng bay lên, in trên nền trời nhiều hình thù và màu sắc lạ mắt.

Phần hội được tổ chức sôi nổi với các phần thi: làm bánh nhãn, bánh lá răng bừa.Theo lệ làng từ trước đến nay, tất cả các vai diễn đều do dân làng thực hiện.

Đến nay, lễ hội Trò Chiềng đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh, được gìn giữ và tổ chức hàng năm rất trang nghiêm, thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh.