Thanh Hoá: Rộn ràng làng thổ cẩm

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, các làng nghề dệt truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại rộn ràng trong tiếng thoi đưa dệt vải. Những cô gái Thái, Mường trổ tài thêu dệt, thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay dệt nên những tấm thổ cẩm với sắc màu, hoa văn tinh tế, tạo nên nét xuân đặc trưng của đồng bào dân tộc mình.


Dọc con đường dẫn vào trung tâm xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc), những ngày này rực rỡ sắc màu thổ cẩm, đẹp lộng lẫy giữa vùng rừng núi trong tiết trời đông lạnh buốt. Cái lạnh se sắt trên vùng cao không làm phai nhạt những đôi má ửng hồng của những người con gái ngồi đưa thoi bên khung cửi hoặc thêu những hoa văn trên những sản phẩm do chính tay mình làm ra. Từ sự rộn ràng, tất bật của con người bên muôn màu rực rỡ của thổ cẩm như làm phong cảnh vùng sơn cước thêm đẹp trong những ngày cuối năm.

Chỉ gần một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Canh Tý, những nhân công của Câu lạc bộ dệt thổ cẩm Bảo Hằng, ở làng Nhỏi, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) đang cần mẫn bên những chiếc máy dệt để hoàn thành nốt những sản phẩm cho phiên chợ cuối năm. Sản phẩm của câu lạc bộ chủ yếu là khăn thổ cẩm đội đầu, vỏ chăn, vỏ gối, đệm. Bình quân mỗi người dệt được 20 - 30 chiếc khăn một ngày, dệt vải thì được 25 - 30 m vải. Không chỉ cung cấp hàng thổ cẩm cho nội vùng mà các thương nhân trong và ngoài tỉnh cũng tìm đến nhập hàng về bán.

Bằng bàn tay khéo léo của mình những cô gái Mường đang gấp rút dệt nên những sản phẩm cho kịp chuyến hàng cuối năm.

 

Bên chiếc máy dệt, bà Phạm Thị Bảo, Chủ nhiệm câu lạc bộ dệt thổ cẩm Bảo Hằng, phấn khởi cho biết: "Năm nào cũng vậy, khi mọi người chuẩn bị đi sắm tết là câu lạc bộ lại tranh thủ dệt thêm. Bận lắm, nhưng thấy rất vui vì gắn bó với nghề dệt đã mấy chục năm rồi".

Để chúng tôi hiểu hơn về nghề dệt thổ cẩm, bà Phạm Thị Bảo ngồi vào chiếc khung cửi trước cửa nhà và bắt đầu mắc khung dệt. Đôi tay nhanh nhẹn cầm con thoi đưa qua đưa lại thoăn thoắt chỉ một chút thời gian đã tạo thành những hoa văn cầu kỳ và đẹp mắt. Vừa làm, bà vừa chia sẻ: “Dệt thổ cẩm trải qua nhiều công đoạn, như: Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt. Sản phẩm dệt hiện nay vẫn chủ yếu là mặt gối, vỏ chăn, mặt địu, túi xách... với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Các họa tiết được người Mường đưa vào sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng, chủ yếu là hình ảnh của những loài cây, hoa, động vật gắn bó với đời sống hằng ngày".

Những ngày đầu thành lập, tổ hợp dệt của bà khó khăn đủ bề do thiếu vốn, phương tiện sản xuất, thị trường tiêu thụ. Mỗi tổ viên phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm dệt của mình bằng cách mang đi bán lẻ hoặc gửi nhờ các cửa hàng lưu niệm bán giúp. Ước mơ khôi phục, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà Phạm Thị Bảo đã trở thành hiện thực, khi ngày càng nhiều người trong thôn theo học làm nghề và sống được với nghề. Từ niềm đam mê của mình, bà đã truyền lửa cho những người phụ nữ và các thế hệ trong thôn nhằm gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Cùng với duy trì và phát triển nghề truyền thống, câu lạc bộ đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm từ đường dệt đến tạo hình các hoa văn trên khuôn vải. Đến nay, tổ hợp dệt thủ công truyền thống hoạt động ổn định, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động, với mức thu nhập trung bình 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Rời xã Cao Ngọc, chúng tôi đến làng Ngọc, xã Cẩm Lương, (Cẩm Thủy). Theo chân anh Bùi Chí Công, công chức văn hóa xã chúng tôi đi tham quan một vòng trong Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương, nhận thấy rõ nét những hàng quán bày bán khá nhiều đồ thổ cẩm, sắc phục dân tộc cho khách du lịch. Với đôi bàn tay khéo léo cùng với sự cần cù, chịu khó, chị em phụ nữ làng Lương Ngọc đã tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo: Khăn quàng cổ, túi xách, những tấm vải nhiều màu sắc với các hoạ tiết hoa văn tinh tế như hình hoa lá, chim, thú, trời, đất, thần linh... làm rực rỡ thêm trang phục của thiếu nữ Mường trong ngày hội xuân. Những tấm thổ cẩm rực rỡ ấy theo du khách đến mọi miền đất nước. Giờ đây, hầu hết các hộ trong làng đều có khung dệt, trong mỗi gia đình không chỉ có một vài người biết làm nghề, mà ngay cả những em mới 14-15 tuổi cũng đã biết dệt.

Các cụ cao niên làng Lương Ngọc cho biết: Dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Mường ở đây. Nghề dệt thổ cẩm có từ bao giờ không biết, chỉ biết đã là con gái Mường, không ai là không biết dệt. Trước khi về nhà chồng, người con gái phải tự tay mình dệt từ 6 đến 12 chiếc chăn, đệm làm quà cho họ hàng nhà chồng thể hiện đức hạnh, tài năng của cô dâu đồng thời cũng là niềm tự hào của gia đình nhà trai. Vì thế các bé gái 13 - 15 tuổi đã được bà, mẹ hướng dẫn se chỉ, quay sợi, tập tành ngồi dệt vải bên các khung cửi, 16 tuổi đã làm thành thạo.

Thổ cẩm người Mường có màu xanh của cây cỏ, màu đỏ, màu vàng của hoa rừng... Hoa văn không cầu kỳ nhưng rất tươi sáng, mang âm hưởng của rừng núi, chim muông. Chăn, màn, váy, áo, túi rết làm từ thổ cẩm mềm, mịn, nhẹ mà lại rất bền, không phai màu. Cứ độ xuân về tết đến, những cô gái Mường lại xúng xính, duyên dáng trong những chiếc khăn, chiếc áo rực rỡ làm say lòng những chàng trai xứ Mường, làm nảy nở tình yêu đôi lứa hòa trong tình yêu núi rừng quê hương.

Cứ thế, bên khung cửi, các cô gái Thái, Mường đang say sưa dệt nên sắc màu của mùa xuân, giữ gìn bản sắc và mang ấm no về với bản làng.