Thanh Hoá: Về thăm làng cổ Bồng Thượng

Bồng Thượng hay còn gọi là Biện Thượng là làng cổ, thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc - Thanh Hoá, có tên từ thời Bắc thuộc. Làng nằm ở ven sông Mã hùng vĩ gối đầu vào núi Báo tạo thế “rồng cuộn hổ ngồi”. Làng Bồng Thượng là điểm du lịch tâm linh, thắng cảnh với nhiều câu chuyện kỳ bí hấp dẫn.


Qua cây cầu Yên Hoàng nối hai huyện Yên Định và Vĩnh Lộc cũng vừa chạm chân đất làng cổ Bồng Thượng thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều danh nhân, danh tướng cho các triều đại đất nước.

Ngày nay, những danh nhân, danh tướng đều được con dân Bồng Thượng tôn kính, thờ phụng với các hoạt động lễ hội, làm giỗ hàng năm, như: Bác Đô Vương Trịnh Ra thời nhà Đường; Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và 12 đời chúa Trịnh; Thái tể Hoàng Đình Ái; Quận công Hoàng Đình Phùng; Quận Công Hoàng Đình Thái... Trong đó, có tới 3 di tích được các cấp xếp hạng Quốc gia: Di tích nghè Vẹt thờ Trịnh Ra và 12 đời chúa Trịnh; phủ Chúa Trịnh; đền thờ Thái tể Hoàng Đình Ái và nhiều di tích cấp tỉnh khác...

Gắn liền với các di tích là các lễ hội đặc sắc như: Giỗ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm vào ngày 18 tháng 2 âm lịch hằng năm. Vào ngày này con cháu họ Trịnh, người dân trong xã và khách thập phương lại trở về cúng bái, hương khói. Ngày lễ Kị thần 14 tháng 11 âm lịch tại nghè Vẹt.

Đặc biệt là lễ hội Rước nước tại chùa phủ Báo Ân diễn ra trong hai ngày 27, 28 tháng 2 âm lịch hàng năm. Vào hội, từ đêm 27/2, khi xóm làng lên đèn, tại chùa - phủ Báo Ân, dọc bờ tả triền sông Mã, cả nghìn người lại háo hức tham gia lễ hội Đêm hội hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an và chào mừng lễ hội Rước nước chùa - phủ Báo Ân.

 

Hàng năm, tại làng cổ Bồng Thượng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc.

 

Lễ chính ở chùa Báo Ân được diễn ra vào sáng ngày 28/2 âm lịch, trong đó, được chờ đón hơn cả là lễ hội Rước nước. Trên bến sông Mã trước cổng chùa phủ Báo Ân là 5 chiếc thuyền rồng. Ba thuyền rồng đầu tiên, mỗi thuyền có từ 8 đến 10 tay chèo. Chiếc thứ nhất, chở lọng vàng, cờ quạt và 12 nữ mặc áo tứ thân, đầu đội mâm hoa quả, bình sứ hình quả bầu để đựng nước. Trên các thuyền có phường bát âm đánh nhạc làm nền cho giọng hát, điệu múa, tổng số người trên 5 thuyền là khoảng 90 đến 100 người.

Đoàn thuyền chèo ra giữa sông qua hòn đá Bàn, vượt hòn đá Ngốc rồi rẽ lái sang ngang mới đến được Đá Ông để rước nước tiên trở về. Đến hòn Đá Ông, thì thả nêu dừng thuyền, gạn đục, khơi trong rồi mới múc nước đổ vào bình. Nước này mang về thờ đến 12h đêm ngày 1/3 thì mới mang ra tắm cho Phật. Số còn lại dùng dần cho đến lễ hội sang năm. Cũng tại đây, nhiều người dân đã mang bình theo để lấy nước tiên về dâng lên bàn thờ tổ tiên cầu mong cho một năm mùa màng bội thu, vạn sự tốt lành.

Trong lễ hội còn diễn ra nhiều trò diễn dân gian như nấu cơm thi, hội thi làm bánh chưng, bánh giầy, kéo co, đua thuyền...

Theo bà Đỗ Thị Loan - Trưởng phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc nhận định: Làng cổ Bồng Thượng là một trong ba làng cổ Bồng Thượng, Bồng Hạ, Bồng Trung nối liền một dải. Làng Bồng Thượng được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt với vị trí địa lý đắc địa nhiều danh lam, thắng tích. Đặc biệt, làng có 3 di tích cấp quốc gia, và nhiều di tích văn hóa xếp hạng di tích cấp tỉnh, gắn với các lễ hội truyền thống...

Bên cạnh đó, xét về tiềm năng, làng Bồng Thượng có Sâm Báo nổi danh bốn phương. Có ngọn núi Mông Cù thuộc dãy Hùng Lĩnh cao nhất khu vực đồng bằng và trung du Thanh Hóa. Có đồng chiêm trũng bao la với nguồn thủy sản phong phú đặc biệt là cà cuống, tép riêu để làm mắm tép ngon nổi tiếng rất được người dân ưa thích... Ngoài ra, để tôn tạo, phát huy giá trị di tích Quốc gia phủ Trịnh, dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu phủ từ, trưng bày, quản lý; dịch vụ và cảnh quan di tích lịch sử Quốc gia phủ Trịnh đang được triển khai hứa hẹn sẽ là một trong những điểm du lịch thuộc phụ cận di sản thế giới Thành Nhà Hồ hấp dẫn.