Thay vì phản ánh cung cấp tin tức, báo chí phải sáng tạo để nâng tầm tri thức cho bạn đọc

Những ngày qua, nhiều tờ báo đã đăng tải bài phát biểu đầy trách nhiệm thể hiện tâm huyết, tư duy, tầm nhìn và khát vọng chân chính về "THỜI CỦA TẠP CHÍ" do Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật trình bày tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2019 và triển khai phương hướng 2020.

Cần phải nhấn mạnh rằng, đây không phải là lần đầu tiên, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập báo Đời sống & Pháp luật nói về Kỷ nguyên của làm báo trọng "tri thức" hơn "tin tức", mà cách đây 5 năm, ông đã dành những lời khuyên tâm huyết này cho tất cả phóng viên, biên tập viên và người làm báo dưới quyền.

12

Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Báo Đời sống & Pháp luật

Tại buổi tổng kết công tác của báo Đời sống & Pháp luật năm 2018, quan điểm này tiếp tục được ông nhấn mạnh và xác quyết một cách mạnh mẽ hơn. Hôm đó, người viết bài này, vô cùng ngạc nhiên khi thấy một vị Tổng Biên tập lại dành phần lớn thời gian của buổi tổng kết để tâm sự, nói những điều "gan ruột" của một đời làm báo trước tất cả nhân viên dưới quyền với chủ đề "Nâng cao chất lượng thông tin hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả xã hội thiết thực"https://www.doisongphapluat.com/…/nang-cao-chat-luong-thong….

Bài phát biểu của Tổng biên tập Nguyễn Tiến Thanh mang thông điệp đổi mới rất rõ ràng: "Thay vì phản ánh chúng ta phải sáng tạo. Thay vì làm tin tức truyền thống, chúng ta phải đưa ra những góc nhìn riêng, nêu được những quan điểm sắc sảo, mới lạ, độc đáo, giàu hàm lượng tri thức và hấp dẫn hơn...". Thông điệp đó, đã truyền cảm hứng sáng tạo và không khí đổi mới của Tòa soạn đến tất cả phóng viên, biên tập viên và người làm báo của báo Đời sống & Pháp luật.

Theo đó, từ ngày 01/01/2019, báo Đời sống & Pháp Luật đã dừng xuất bản tất cả các ấn phẩm phụ để tập trung phát huy những giá trị cốt lõi cũng như phát huy có hiệu quả những giá trị văn hóa, truyền thống, thương hiệu và sức sống của một tờ báo có uy tín trong lòng bạn đọc hơn 20 năm qua.

Người đứng đầu báo Đời sống & Pháp luật đã chỉ rõ phương hướng phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới của một tờ báo vốn đã có vị trí nhất định trong lòng bạn đọc cả nước. Năm 2019 và các năm tiếp theo, báo Đời sống & Pháp luật tiếp tục tiếp cận và bám sát công nghệ mới trong làm báo nhưng tập trung chính vào làm những giá trị cốt lõi của một tờ báo. Đó là làm nội dung cho thật tốt, không chạy theo view, không chạy theo số lượng phát hành mà tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin.

Cụ thể, báo Đời sống & Phát luật thì đích đến là làm nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật sao cho đến với bạn đọc thật hấp dẫn, hiệu quả, chính xác, tin cậy...Cần phải tích hợp giữa thông tin và kể chuyện để tin tức sâu sắc hơn, dài hơi, có sức sống hơn. Báo điện tử Người Đưa Tin phải làm như đúng như tên gọi của nó. Đó không phải là tờ báo đưa tin tức thuần túy mà thông tin đưa trên báo đến với người đọc phải có dấu ấn, quan điểm, góc nhìn riêng mang tính chính thống của người viết...

1

Không khí chủ động đổi mới nội dung, phương thức và công nghệ làm báo được thực hiện ở báo Đời sống & Pháp luật trước Quy hoạch báo chí nhiều năm là một bước đi đang khẳng định sự đúng đắn

"Trong thời đại công nghệ hiện nay, chúng ta muốn có bạn đọc, chúng ta muốn có uy tín thì chúng ta cần phải định nghĩa lại cách làm báo. Thông tin bây giờ không phải theo đúng giáo trình là 5W + H. Những cái đó chúng ta không thể cạnh tranh được với mạng xã hội. Tôi nghĩ rằng thay vì phản ánh, báo chí phải sáng tạo. Những nhà báo chuyên nghiệp, những cây bút được đào tạo bài bản, có kỹ năng và tâm huyết phải tiếp cận, phản ánh thông tin hấp dẫn, bản sắc hơn, đưa ra những góc nhìn, quan điểm sáng tạo và thú vị hơn cư dân mạng - đa phần là những người cung cấp tin tức tự phát và nghiệp dư...", Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh nhấn mạnh.

Tinh thần chỉ đạo đổi mới tại báo Đời sống & Pháp luật nhiều năm quan và phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2019 và triển khai phương hướng 2020 của Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh đã nhận được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ của những người làm báo. Điều đó đã được thể hiện trên nhiều diễn đàn của báo giới.

"Chúng tôi, những người làm báo Đời sống & Pháp luật từ lâu đã thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Tổng Biên tập về chủ động đổi mới, nội dung và công nghệ làm báo để thay vì phản ánh cung cấp tin tức, báo chí phải sáng tạo góp phần nâng tầm tri thức cho bạn đọc nên luôn vững vàng tin tưởng vào định hướng Quy hoạch báo chí của Đảng và Nhà nước, cũng như sự lãnh đạo của Ban biên tập và tập thể những nhà báo tâm huyết của mình...", một phóng viên của báo Đời sống & Pháp luật chia sẻ.

Tới đây, dù chúng ta làm ở cơ quan báo chí nào (Báo hay Tạp chí, bản in hay điện tử) thì chúng ta đều phải thay đổi nội dung, phương thức làm báo truyền thống bấy lâu nay. Bởi trong bối cảnh công nghệ 4.0, tin tức tuôn ra từ internet và các thiết bị thông minh nhiều vô kể với tốc độ rất nhanh nhạy và hầu hết là miễn phí. Những người làm báo chuyên nghiệp không thể tiếp tục làm theo cách cũ, mà phải có trách nhiệm mang lại cho người đọc một hàm lượng tri thức mới, một tầm nhìn cao hơn và độc đáo hơn vượt qua những suy nghĩ và sự hình dung từ góc nhìn của họ. Vì rất có thể chính bạn đọc là người đã biết rõ những tin tức, những sự kiện đó trước cả người làm báo nhờ truyền thông mạng xã hội và công nghệ trí tuệ nhân tạo sản xuất tin tự động. Không thay đổi và đáp ứng tốt hơn trước những yêu cầu mới trong việc nâng cao chất lượng thông tin hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả xã hội thiết thực, báo chí sẽ trở nên lạc hậu!

Và điều đó, càng giúp chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về sự cần thiết, mục đích, yêu cầu của Đảng và Nhà nước trong quá trình Quy hoạch báo chí là để báo chí phát huy tốt hơn trách nhiệm xã hội và sứ mệnh cách mạng vẻ vang của mình hơn 90 năm qua luôn đồng hành cùng vận mệnh dân tộc.