Tuyên Quang: Những chuyển biến trong nghiên cứu văn nghệ dân gian

Tỉnh ta có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống với nền văn nghệ dân gian vô cùng phong phú, đặc sắc. Cùng với dòng chảy của thời gian, sự hội nhập, giao thoa làm văn nghệ dân gian cũng đứng trước nhiều thách thức. Nguy cơ mai một, thất truyền, lụi tàn hay lai căng vẫn đang âm thầm xảy ra.

Ở Tuyên Quang có một số nhà nghiên cứu tâm huyết đang ngày đêm trăn trở sưu tầm, nghiên cứu về văn nghệ dân gian của cha ông. Đó chính là các thành viên trong Chi hội Văn nghệ dân gian thuộc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Những công trình nghiên cứu của các hội viên đã góp phần vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn nghệ dân gian, bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh.

img_20200228164913
Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang vừa tổ chức Đại hội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Tống Đại Hồng, Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang cho biết, cuối năm 2019 vừa qua Chi hội tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Hiện nay, Chi hội có 11 hội viên, đa phần đều cao tuổi như: Nhà văn Phù Ninh, Trịnh Thanh Phong, nhà nghiên cứu Tống Đại Hồng, Ma Văn Đức, Nguyễn Vũ Phan, Bàn Công Hiến, Nguyễn Phi Khanh, Bàn Xuân Triều, Lê Mạnh Cường, Nguyễn Hữu Bình, Đặng Thúy Quang... Nhìn lại nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chi hội đã làm nhiều việc, góp phần chuyển biến tích cực trong nghiên cứu văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh cả ở bề rộng và chiều sâu.

Cụ thể trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thực hiện sự chỉ đạo của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang đã thực hiện được một loạt đề tài: Đề tài tập thể của Chi hội “Tranh thờ của người Dao Tuyên Quang”, thời gian thực hiện 1 năm rưỡi, sản phẩm 400 trang khổ A4. Người chủ trì đề tài là ông Ma Văn Đức, các thành viên tham gia trực tiếp là ông Tống Đại Hồng và ông Bàn Xuân Triều. Tháng 3-2018 đề tài được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nghiệm thu, đánh giá cao về tiến độ và chất lượng đề tài, cấp kinh phí thực hiện 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, có các đề tài của cá nhân như: “Phong tục lấy rể kế thế của người Tày Tuyên Quang” của ông Tống Đại Hồng; “Hát Soọng cô của người Sán Dìu Tuyên Quang” của ông Nguyễn Phi Khanh; “Then quạt Tuyên Quang” của ông Ma Văn Đức; “Cấp sắc ba đèn của người Dao đỏ Yên Nguyên, Chiêm Hóa, Tuyên Quang” của ông Bàn Công Hiến. Ngoài ra, ông Nguyễn Phi Khanh, bà Đặng Thúy Quang tham gia cùng với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện đề tài “Phát triển du lịch tâm linh tỉnh Tuyên Quang”, tiến hành khảo sát 3 ngôi đền tại Hàm Yên: Thác Cái, Bắc Mục, Minh Lương và 3 ngôi đền tại thành phố Tuyên Quang: Mẫu Thượng, Mẫu Hạ, Mẫu Ỷ La...

3(3)

Các hội viên của Chị hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang tích cực sưu tầm,dịch sách cổ.

Để hoàn thành đề tài “Hát Soọng cô của người Sán Dìu Tuyên Quang”, tác giả Nguyễn Phi Khanh đã trực tiếp nhiều lần đến các xã hạ huyện Sơn Dương như Ninh Lai, Thiện Kế, Sơn Nam để sưu tầm, phỏng vấn, nghe các cụ cao tuổi kể lại. Khối lượng tài liệu sưu tầm khá đồ sộ, sau 1 năm chắp bút viết, tác giả đã hoàn thành 100 trang bản thảo khổ A4. Trước kia khi đang làm Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lich, tác giả Nguyễn Phi Khanh đã có những nghiên cứu bước đầu về văn hóa truyền thống một số dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có Soọng cô. Và lần này, tác giả tiếp tục đi sâu nghiên cứu về hát Soọng cô của người Sán Dìu Tuyên Quang. Qua tác phẩm, người đọc mới thấy hết sự tâm huyết, sự dày công, cũng như vốn hiểu biết của tác giả về đề tài này.

Cùng với việc đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian, Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang còn giới thiệu, xét chọn những nghệ nhân dân gian đạt yêu cầu để Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thẩm định, công nhận nghệ nhân dân gian cho các ông: Lương Long Vân, Hà Ngọc Cao, Thàm Ngọc Kiến, Phàm Văn Phú, Lê Hải Thanh, Triệu Thanh Hùng. Trong nhiệm kỳ Chi hội cũng kết nạp thêm được 1 hội viên mới là ông Bàn Xuân Triều.

Ông Nguyễn Phi Khanh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang nói, trăn trở lớn nhất của Chi hội hiện nay là làm sao để kết nạp được thêm những hội viên có chất lượng. Bởi, để trở thành hội viên của chi hội, ngoài tâm huyết thì người đó phải có trình độ nghiên cứu về văn nghệ dân gian. Chi hội đã có các chuyên gia nghiên cứu về văn nghệ dân gian dân tộc Tày, Dao, Kinh, nhưng rất thiếu chuyên gia sâu về dân tộc khác như: Cao Lan, Sán Dìu, Mông, Nùng, Pà Thẻn. Hơn nữa, nghiên cứu văn nghệ dân gian rất cần người biết chữ Hán, chữ Hán Nôm. 

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động, Chi hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang sẽ tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích hội viên nghiên cứu, sưu tầm để cho ra đời nhiều tác phẩm có chiều sâu, đạt chất lượng, được công chúng đón nhận. Từ đó góp phần đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.