Tuyên Quang: Tết Đắp Nọi của người Tày huyện Lâm Bình

Vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm, bà con dân tộc Tày tổ chức Tết Đắp Nọi (“Đắp nọi” nghĩa là ăn Tết lại). Nghi lễ này được tổ chức là dịp gặp gỡ giao lưu của các gia đình, dòng họ. Đồng thời để đánh dấu hết tháng Giêng, cầu cho một năm lao động thuận lợi, mùa màng bội thu.

tep dap loi

Người Tày xã Khuôn Hà (huyện Lâm Bình) gói bánh chưng gù chuẩn bị Tết Đắp Nọi

Đa số người Tày ở huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Na Hang, Hàm Yên đều tổ chức ăn Tết Đắp Nọi. Cách ăn Tết Đắp Nọi cũng giống như Tết Nguyên đán nhưng với quy mô nhỏ hơn. Cụ Trịnh Thị Len, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, trong dịp này người Tày chuẩn bị đầy đủ mâm cỗ cúng tổ tiên. Đặc biệt không thể thiếu các loại bánh ngon như: Bánh chưng gù, bánh dày ngải cứu, bánh khảo… Đối với người Tày, đây là dịp các chị em trổ tài nội trợ thực hiện các loại bánh. Bởi người Tày rất coi trọng chuyện nấu nướng, bếp núc nên ngay từ khi còn nhỏ các cô con gái đã được bà và mẹ dạy cách làm bánh.

Tại thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), Tết Đắp Nọi được tổ chức hằng năm. Em Trương Thị Hồng nói, Tết Đắp Nọi năm nào em cũng chuẩn bị làm các loại bánh. Trong đó không thể thiếu món bánh dày lá ngải cứu. Đây là loại bánh đặc biệt đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ, bởi có khá nhiều công đoạn. Bánh là sự hòa quyện của vị béo ngậy, bùi bùi của nếp chín và hạt vừng, vị ngọt đường phèn, vị đắng nhẹ của ngải cứu. Đây không chỉ là món bánh ngon, bổ dưỡng mà chứa đựng nhiều ý nghĩa. Bánh có đủ vị ngọt, đắng, bùi… biểu tượng cho những trải nghiệm trong cuộc đời con người. Người Tày hy vọng khi ăn loại bánh này con người sẽ dễ dàng vượt qua được những khó khăn, gian nan trong cuộc sống.

Đối với gia đình anh Nông Văn Vương, thôn Bằng Cốc (Hàm Yên), Tết Đắp Nọi có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Anh lý giải, đây là cái Tết đón những người thân không kịp về đoàn tụ với gia đình đón Tết Nguyên đán. Bởi nhiều người đi làm ăn xa, không phải ai cũng về nhà đúng dịp Tết Nguyên đán để hội ngộ với gia đình, dòng họ. 

Tại Bằng Cốc, ngoài bánh chưng gù, bánh dày ngải cứu, bánh khảo thì nhiều gia đình thường làm món bỏng từ gạo nếp. Đây được coi là thứ quà vặt người lớn dành cho trẻ nhỏ trong dịp này bởi bỏng có vị ngọt, rất dễ ăn.Vì thế trẻ con nơi đây rất háo hức mỗi dịp nhà mình ăn Tết Đắp Nọi.

Rộn ràng với không khí Tết là vậy nhưng bà con dân tộc Tày ở các địa phương trong tỉnh vẫn không quên nhiệm vụ sản xuất vụ xuân. Trên các cánh đồng, nương đồi bà con vẫn đang hăng say làm cỏ, chăm sóc cây... Tết Đắp Nọi là nét văn hóa độc đáo của người Tày, đánh dấu kết thúc tháng Giêng, cầu cho mùa màng bội thu. Đây là dịp để anh em, hàng xóm láng giềng gặp gỡ, nhắc nhở nhau thi đua lao động sản xuất trong năm mới. Từ đó, tạo động lực để các thành viên trong gia đình luôn đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình.