Xe buýt dừng hoạt động. Taxi, xe hợp đồng thì thế nào?

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký văn bản yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động của xe buýt kể từ 0h ngày 28/3 đến ngày 15/4.

Đối với các loại xe taxi và xe hợp đồng, yêu cầu không dùng điều hòa, hạ kính; bắt buộc đeo khẩu trang đối với lái xe và hành khách; khử khuẩn trước và sau khi đón, trả khách.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ngay trong tối cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Thanh Nam đã có thông báo dừng hoạt động tất cả 65 tuyến xe buýt của tổng công ty trong thời gian nói trên.

Đồng thời, Transerco giao các đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng phương án và triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt trong công tác phòng, chống cháy nổ tại đơn vị; phổ biến, quán triệt nội dung thông báo về tạm dừng hoạt động tới người lao động; thực hiện công tác duy trì chất lượng phương tiện, bảo đảm sẵn sàng phương tiện hoạt động tốt khi vận hành trở lại...

Cùng với đó, Transerco yêu cầu Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ tăng cường trực đường dây nóng trong những ngày đầu dừng hoạt động xe buýt để giải đáp các thắc mắc của người dân; thực hiện thông báo, giải đáp cho hành khách về việc dừng hoạt động trên website, phần mềm timbus.vn và qua đường dây nóng.

Được biết trước đó, ngày 27/3 là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện cắt giảm 80% số lượt chuyến xe buýt trên toàn mạng lưới nhằm ứng phó với dịch COVID-19, tương đương mỗi ngày cắt giảm khoảng 12.430 lượt xe. Tần suất mỗi chuyến xe cũng được giãn cách ở mức 45 - 60 - 90 phút/lượt (tùy theo từng tuyến) và thời gian hoạt động của xe buýt rút xuống từ 6h đến 20h hằng ngày.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hành khách, do xe buýt đột xuất cắt giảm một lượng lớn số chuyến nên hầu hết các chuyến xe tại các tuyến trọng điểm như tuyến 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa), tuyến 32 (Bến xe Giáp Bát - Nhổn), tuyến 26 (Mai Động - Sân vận động quốc gia Mỹ Đình)... đều ken đặc khách. Tại các nhà chờ, điểm dừng luôn có rất đông người chờ đợi. Không ít người vẫn bị lỡ chuyến do lượng khách trên xe đã quá đông khi xe đến điểm dừng.

Cũng trong ngày 27/3, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) đã có công văn đề nghị các đơn vị đang tham gia cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Y tế, Sở Giao thông vận tải Hà Nội; tổ chức vận chuyển hành khách bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 20 người và 50% sức chứa của xe tại cùng một thời điểm trên xe (bao gồm cả lái xe và nhân viên phục vụ trên xe), mỗi hàng ghế chỉ nên bố trí một người ngồi.

Trường hợp trong giờ cao điểm, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao, các đơn vị bố trí xe tăng cường để giải tỏa hành khách trên cơ sở cân đối biểu đồ chạy xe bảo đảm theo đúng tiêu chí dịch vụ đã được Sở Giao thông vận tải Hà Nội phê duyệt.

Đề cập việc những hành khách đã mua vé tháng nhưng không thể sử dụng dịch vụ do việc cắt giảm tần suất, lượt chuyến thì sẽ được giải quyết quyền lợi ra sao, đại diện một số đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt cho biết đã lường trước vấn đề này. Tuy nhiên, mọi việc vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo và phương án hướng dẫn từ các cơ quan chức năng của thành phố nhằm vừa bảo đảm nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách cũng như không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân./.