25% số côn trùng biến mất sau 30 năm

(Chinhphu.vn) - Đó là kết quả từ nghiên cứu đánh giá lớn nhất và đầy đủ nhất từ trước đến nay về sự đa dạng của côn trùng trên toàn cầu.

Nghiên cứu kết hợp 166 cuộc khảo sát dài hạn từ gần 1.700 địa điểm trên Trái đất của Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tích hợp Đức vừa được công bố trên tạp chí Science.

Đây là tốc độ suy giảm nghiêm trọng bởi côn trùng là lớp đa dạng và phong phú nhất trong giới động vật. Ước tính mỗi năm, các loài như châu chấu, kiến, bướm giảm hơn 0,9% và tỉ lệ này có dấu hiệu tăng theo thời gian.

Côn trùng rất cần thiết cho hệ sinh thái. Chúng thụ phấn cho thực vật, là thức ăn cho các sinh vật khác và tái chế các chất thải tự nhiên.

Đã có các nghiên cứu cảnh báo về hậu quả thảm khốc đối với sự sống còn của loài người nếu côn trùng không ngừng suy giảm. Các phân tích gần đây nhận thấy sự suy giảm nghiêm trọng số lượng côn trùng ở một số địa điểm, chẳng hạn như 75% ở Đức và 98% ở Puerto Rico.

“Tỉ lệ suy giảm nếu quá 24% là đã đáng lo ngại. Cần nhớ sản xuất lương thực của con người dựa phần nhiều vào côn trùng”, TS. Roel Van Klink, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tích hợp của Đức, nói.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của sự suy giảm này là do môi trường sống bị phá hủy vì quá trình đô thị hóa. Những vùng có tỉ lệ côn trùng biến mất nhiều nhất thường chính là những khu đô thị lớn. Ô nhiễm ánh sáng ở đây cũng góp phần hạn chế côn trùng.

Ở vùng nông thôn, lạm dụng thuốc trừ sâu cũng làm côn trùng mất đi đáng kể. Đồng thời, TS. Roel Van Klink nhấn mạnh, mức độ CO2 tăng lên đang làm giảm chất dinh dưỡng trong thực vật và làm giảm đáng kể số lượng châu chấu trên thảo nguyên ở Kansas, Mỹ. “Điều này có thể xảy ra trên toàn thế giới”, ông nói.

Điểm sáng trong nghiên cứu này là số côn trùng nước ngọt lại tăng, trung bình hằng năm hơn 1%, đặc biệt tại Bắc Âu, Nga...

Tuy nhiên, côn trùng nước ngọt chỉ chiếm 10% trong tổng số côn trùng và thường không giúp thực vật thụ phấn.

BT