Bắc Kạn: Xây dựng trường chuẩn quốc gia - Nền móng để nâng cao chất lượng giáo dục

Xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia là định hướng phát triển của mỗi cơ sở giáo dục, là phương hướng, nhiệm vụ trong lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền trên địa phương. Xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia là xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, phát huy tối đa năng lực và phẩm chất của người học theo định hướng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo mà Đảng đã đề ra.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Đảng bộ các cấp đều đã đưa chỉ tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia vào nghị quyết của Đại hội cũng như đưa vào Chương trình hành động để triển khai thực hiện nghị quyết. Xác định được vai trò và tầm quan trọng đó Đảng bộ, Chính quyền và Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Bạch Thông đã chủ động tham mưu cho huyện kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia trên cơ sở rà soát, đánh giá các tiêu chí của từng trường; chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch phát triển trường lớp theo hướng chuẩn; phối hợp với các xã, thị trấn quy hoạch quỹ đất dành cho các cơ sở giáo dục đảm bảo đủ diện tích theo tiêu chí trường chuẩn; phối hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án, các nguồn tài trợ hợp pháp khác dành cho địa phương đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các trường; tham mưu cho UBND huyện bố trí đủ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cho các trường nằm trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia để đội ngũ này thấy được mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và những quy định của trường chuẩn để qua đó tích cực trau dồi, rèn luyện về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn. Chỉ đạo các trường hàng năm có kế hoạch đầu tư cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm nâng cao năng lực quản lý và tay nghề của giáo viên; ngoài kiến thức văn hóa các trường cần chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, giáo dục lịch sử, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh; làm tốt công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ theo quy định của ngành; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nhà trường. Đối với các trường đã được cộng nhận đạt chuẩn thì phòng cũng đã chủ động tham mưu cho huyện để có những chỉ đạo kịp thời nhằm duy trì chất lượng giáo dục, bổ sung cơ sở vật chất để nâng dần các chuẩn hướng tới nâng mức độ chuẩn.

Lễ đón nhận bằng công nhân trường tiểu học Đôn Phong đạt chuẩn quốc gia năm 2020 

Đến thời điểm này trên địa bàn huyện đã có 16 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỉ lệ 45,7%, có 1 trường đạt chuẩn Quốc gia Mức độ 2 (Trường Mầm non Quân Bình). Trong đó công nhận mới trong nhiệm kỳ 2015-2020 là 8 trường (dự kiến hết năm 2020 có thêm 2- 3 trường). Theo thầy giáo Đặng Hữu Dương, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Nhiệm vụ xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia trong nhiệm kỳ đã thu được những kết quả tốt và đạt chỉ tiêu theo nghị quyết đã đề ra.Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi thì công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia còn gặp một số khó khăn như: Việc quy hoạch các cơ sở giáo dục trên địa bàn còn chưa đồng bộ, chưa quan tâm đến diện tích chung của trường với quy mô phát triển trường lớp, nhất là đối với khu vực thị trấn và các xã tập trung đông dân cư; cơ sở vật chất của các trường còn thiếu và đã xuống cấp nhiều; số lượng giáo viên, nhân viên chưa đáp ứng đủ; chất lượng giáo dục một số địa bàn còn thấp.

Từ thực tế trên trong thời gian tới để thực hiện tốt công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện tốt một số giải pháp sau: 

Một là, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, đưa chỉ tiêu này vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hằng năm của mỗi cấp ủy đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong công đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa cũng như tác động của môi trường giáo dục đến kết quả phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Hai là, Rà soát đánh giá lại thực trạng của các trường, tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai theo từng năm; giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị để phối hợp tham mưu thực hiện; hàng tháng đều phải tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Tiếp tục rà soát lại về quy hoạch mạng lưới trường lớp học cho phù hợp vừa đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh vừa đảm bảo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa. 

Ba là, Đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất cho các trường học bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực như: Sử dụng Ngân sách của tỉnh, của huyện dành cho giáo dục; lồng ghép với các chương trình, dự án hỗ trợ của địa phương; các nguồn tại trợ, viện trợ cũng như sự đóng góp của cộng đồng.

Bốn là, Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác, thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Năm là, Tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của ngươi học; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy nhằm từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy; tổ chức tốt các hội thi, hội thao, các phong trào thi đua các nhà trường; kịp thời biểu dương khen thuỏng những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho công tác giáo dục và đào tạo nói chung và công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia nói riêng; thực hiện tốt việc kiểm định chất lượng và công khai chất lượng trong các cơ sở giáo dục.

Những năm qua, huyện Ba Bể đã tập trung các nguồn lực để xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời hoàn thành tiêu chí về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Bể, việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia không chỉ là xây dựng các trường đạt chuẩn mới mà còn phải duy trì các trường học đã đạt chuẩn trước đó. Trong khi nhiều trường học đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước, cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị cũ, hỏng, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Ngoài ra, việc xây dựng trường chuẩn ở bậc THCS còn phải xây dựng các phòng học bộ môn, đủ trang thiết bị, có phòng máy tính nên khá nhiều địa phương gặp khó khăn, nhiều trường học dù đã đáp ứng được yêu cầu có phòng học bộ môn nhưng trang thiết bị lại chưa đủ. Những năm qua huyện luôn thực hiện khá toàn diện và đồng bộ các mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, thông qua việc tập trung thực hiện các hoạt động như: nâng cao chất lượng đội ngũ thầy, cô giáo; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trường lớp học; phát triển mạng lưới các trường học rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người theo hướng đa dạng hóa, kiên cố hóa, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục; vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia xã hội hóa giáo dục; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục toàn diện học sinh. Đến nay, tất cả các trường học trong huyện đều được nối mạng internet trong quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy… Đến nay huyện Ba Bể có tổng số 14 trường được công nhận trường đạt Chuẩn quốc gia, duy nhất có trường mầm non Bành Trạch, kiểm định chất lượng năm 2019. 

Có thể nói công tác xây dựng Trường đạt chuẩn Quốc gia trên đại bàn tỉnh Bắc Kạn trong nhiệm kỳ vừa qua được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn lực. Từ ngân sách nhà nước đến các đơn vị tài trợ như; các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là sự chung tay ủng hộ của người dân trong công tác xã hội hóa giáo dục đã góp lên sự thành công của tỉnh trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Mong rằng trong nhiệm kỳ tới phát huy những kết quả đã đạt được tỉnh Bắc Kạn sẽ công nhận thêm nhiều trường chuẩn, đây cũng là nền móng để đưa chất lượng giáo dục ngày một được nâng cao.

Đình Thơm