Cần có quy định cụ thể hơn nữa các chính sách cho thanh niên

(Chinhphu.vn) – Tại phiên họp thứ 44 diễn ra vào sáng 20/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình báo cáo tại phiên họp

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ Nội vụ - cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Dự án Luật hiện được xây dựng với bố cục gồm 7 chương với 44 điều, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; trách nhiệm của Nhà nước, nhà trường, gia đình, tổ chức thanh niên, cá nhân và các tổ chức khác có liên quan đến thanh niên; quản lý Nhà nước về thanh niên.

Dự án Luật nêu rõ nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên gồm: Quyền và nghĩa vụ của thanh niên được tôn trọng, công nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên. Nhà nước, nhà trường, gia đình, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên phải bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; được xây dựng hoặc lồng ghép trong các chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương...

Về quan điểm về định hướng xây dựng Luật, Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Ủy ban) do Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình trình bày cho biết, đa số ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa thể chế được quan điểm, đường lối của Đảng, chưa cụ thể hóa được nội dung và tinh thần của Hiến pháp; chưa tạo hành lang hành pháp lý thuận lợi cho thanh niên phát huy và cống hiến; chưa thể hiện được vai trò, sứ mệnh của thanh niên - một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc.

Một số ý kiến cho rằng Luật Thanh niên (sửa đổi) là luật đối tượng nên các quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong dự thảo Luật trùng lặp và không có gì mới so với các quy định về quyền và nghĩa vụ công dân trong luật khác. Vì vậy, dự thảo Luật nên được xây dựng theo hướng là luật khung, quy định nguyên tắc chung nhất về những vấn đề liên quan tới quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban đã làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan chỉnh lý lại cơ bản dự thảo Luật theo hướng: Thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp 2013 về thanh niên; không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành 01 điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Đồng thời, để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo Luật bổ sung 1 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên.

Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình, dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.

Với cách tiếp cận này, Dự thảo đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật; đây là trách nhiệm pháp lý của mỗi cá nhân thanh niên, giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Về bố cục dự thảo Luật, một số ý kiến cho rằng thứ tự một số chương, điều chưa hợp lý; bố cục giữa các chương còn chưa cân đối, đề nghị sắp xếp, bố cục lại các chương, điều để bảo đảm tính logic của dự thảo Luật.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban thống nhất với các cơ quan liên quan xin tiếp thu ý kiến đại biểu, tách Chương quy định về chính sách Nhà nước thành một chương riêng để bảo đảm sự cân đối về bố cục giữa các chương, điều.

Về quyền, nghĩa vụ của thanh niên, một số ý kiến cho rằng, thanh niên là công dân Việt Nam nên Luật Thanh niên cần khẳng định thanh niên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; một số ý kiến đề nghị không nên quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của thanh niên vì các quyền và nghĩa vụ này đã được quy định tại luật chuyên ngành điều chỉnh từng lĩnh vực (giáo dục, lao động, việc làm…), thay vào đó nên quy định về trách nhiệm của thanh niên; có ý kiến cho rằng việc quy định quá nhiều quyền, ít nghĩa vụ sẽ dẫn đến việc coi thanh niên là đối tượng yếu thế cần bảo vệ chứ không phải là tạo điều kiện, môi trường để thanh niên phát huy và cống hiến.

Báo cáo của Ủy ban cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật Thanh niên đã được chỉnh lý theo hướng: Không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực mà chỉ dành 01 điều tại phần “Những quy định chung” quy định thanh niên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Thay bằng việc quy định thanh niên có những quyền và nghĩa vụ cụ thể, Dự thảo quy định trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, cũng như trách nhiệm của các chủ thể khác trong việc tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm. Dự thảo luật dành cả Chương II quy định cụ thể trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, với gia đình, xã hội và đối với chính bản thân thanh niên.

Về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, một số ý kiến cho rằng, các chính sách quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, thiếu tính đặc thù, chưa sát với thực tế, không mang tính quy phạm, chưa tạo động lực cho thanh niên. Một số ý kiến khác nhận định, các quy định về chính sách đối với thanh niên trong Dự thảo trùng lắp với các chính sách đã được các luật chuyên ngành quy định. Do vậy, cần nhóm các chính sách tương ứng với mục tiêu của Nhà nước đối với thanh niên như nhóm chính sách phát triển thanh niên, nhóm chính sách bảo vệ thanh niên, nhóm chính sách phúc lợi xã hội cho thanh niên hoặc nhóm chính sách khơi dậy tinh thần tình nguyện, cống hiến của thanh niên.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban đã làm việc với với các cơ quan có liên quan thống nhất chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật theo hướng: Không quy định các chính sách cụ thể để tránh trùng lắp, chồng chéo với các luật chuyên ngành; dành hẳn một chương gồm 14 điều với nội dung quy định về các định hướng chính sách cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong các lĩnh vực như: Học tập và nghiên cứu khoa học; lao động và việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc. Những quy định này thể hiện cam kết pháp lý của Nhà nước trong việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách đối với thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Tại phiên họp, ý kiến của các thành viên UBTVQH đã tập trung phân tích, đóng góp vào những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến bố cục của dự thảo luật; quan điểm, định hướng xây dựng luật; quyền và nghĩa vụ của thanh niên; việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; công tác quản lý Nhà nước về thanh niên…

Nhiều ý kiến cho rằng, dự án Luật đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp, tuy nhiên các chính sách cần thể hiện rõ và cụ thể hơn.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, các chính sách được thể hiện trong dự thảo còn chung chung, mang tính khẩu hiệu, định hướng và cam kết như “ưu tiên”, “khuyến khích”, “tạo điều kiện bảo đảm”…

Băn khoăn về việc sau khi Luật lần này được thông qua và có hiệu lực thi hành, thì những chính sách còn chung chung như vậy sẽ được thực hiện như thế nào, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, từ việc rút kinh nghiệm thi hành Luật Thanh niên hiện hành, cần bổ sung và quy định cụ thể hơn nữa các chính sách cho thanh niên, bảo đảm khi Luật có hiệu lực các chính sách sẽ đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho thanh niên phát huy tối đa vai trò của mình. 

Đồng quan điểm nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, dự luật lần này đã sửa đổi bổ sung rất nhiều. Tuy nhiên vẫn còn một số quy định còn chung chung như quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của thanh niên không rõ; đề nghị chính sách cho thanh niên cũng phải cụ thể, cái nào làm được thì quy định, cái nào chưa chắc thì cân nhắc.

Nguyễn Hoàng