Chuyện khai bút của họa sĩ

Xuân về, là lúc trăm hoa nở rộ, đào khoe sắc thắm, hồng tía khoe tươi. Các họa sĩ cũng mang cảm xúc về khí xuân để khai bút bằng những bức tranh Tết mang ước vọng một năm mới tốt lành.

Bức thư pháp khai bút đầu Xuân cuả họa sĩ Trần Đình Diệu vơi lôi vẽ thủy mặc.

Xuân này lại nhớ xuân qua, nhớ giai đoạn từ cuối năm 60 đến những năm 70 của thế kỷ trước, họa sĩ Trần Đình Diệu chơi quyền Anh và chuộng lối vẽ biểu hiện. Tết đến, ông thích chơi hoa đào, dơn và thược dược. Giờ khai bút, hình và hồn của những loài hoa ấy lại bừng lên trong tranh như chủ thể sống thể hiện tâm trạng và tư tưởng của ông. Với bút pháp mạnh mẽ, hiện đại, tạo hình khỏe mà tình cảm, xem tranh ông, nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét: “Đặc biệt xúc động, tính biểu hiện cao là những tranh tĩnh vật hoa. Mầu sắc mạnh mẽ đối chọi phát ra những âm thanh chát chúa hay thì thầm chứ không mơ màng, bảng lảng thơm ngát mời gọi như những công thức vẽ tĩnh vật hoa thường thấy”.

Với hoa đào, hình ảnh của sự đổi mới, sinh sôi, nảy nở, tươi đẹp, ấp áp nhưng màu sắc không mạnh như hoa dơn. Trong bức tranh “Mùa xuân”, họa sĩ Trần Đình Diệu lấy hình ảnh cây đào để tôn lên vẻ đẹp dịu nhẹ, kín đáo của thiếu nữ ngày xuân.

Cũng là hình ảnh cây đào, nhưng sang giai đoạn những năm thập niên 90 thế kỷ trước, bằng nét vẽ khái quát, khuếch đại, vận dụng quan niệm Nho giáo mà thổi hồn cho cành đào vươn lên như thế rồng bay đón chữ Phúc - Như Đông Hải trường lưu thủy (Phúc tựa biển đông với dòng nước chảy mãi không có điểm dừng). Nối tiếp bản sắc văn hóa của dân tộc - đầu năm cho chữ, cứ đầu Xuân, họa sĩ Trần Đình Diệu lại vẽ tranh để tặng bạn bè. Có tranh ông thay chữ “Phúc” bằng chữ “Nhẫn” – “Nhẫn như Đông Hải trường lưu thủy” (ông giải nghĩa: “Nước mềm nhưng mạnh, rắn như đá rồi cũng phải mòn. Chữ “Nhẫn” ở đây bắt nguồn từ chữ “Nhân” và “Trí”. Cần biết “Nhẫn” để tạo “Phúc”).

Từ ý tưởng này kết hợp với lối vẽ thủy mặc, Tết năm 1997 ông vẽ bức “Tuổi cao” trong khoảng một giờ, vẽ trực tiếp một hơi không nghỉ. Với khí chất của người chơi quyền Anh, họa sĩ Trần Đình Diệu tính toán kỹ lưỡng bố cục, tư tưởng, độ đậm nhạt của mảng, nét rồi mới hạ bút. Trọng tâm tranh là cụ già (mẹ ông) đang ngồi tụng kinh gõ mõ, trước sau là cây. Đường nét đậm nhạt, uyển chuyển, tinh tế kéo con người và thiên nhiên hòa quyện, lời cầu nguyện của cụ bà như được lan tỏa, linh ứng vào không gian và tụ lại chữ Phúc đậm chắc mà rung động phía trên. Nhưng chữ to hơn, đậm chắc hơn lại là chữ “Nhẫn” có “Đao” chặn ngang phía dưới như tự răn mình và răn người thận trọng, kỷ luật và nghiêm khắc. Tổng thể bức tranh là ba chữ: Phúc – Thọ - Nhẫn.

Điều hấp dẫn trong họa sĩ Trần Đình Diệu là ở bất cứ giai đoạn, đề tài hay cách thể hiện nào thì cách đặt vấn đề vẫn giàu chất triết lý. Với chất người nghệ sĩ Hải Phòng thời ấy, mạnh bạo và khỏe khoắn, họa sĩ Trần Đình Diệu thường khai bút đầu xuân theo lối của riêng mình.