Chuyện về những người mẹ Kinh Bắc

Đây là thông tin bài viết trên vanhien.vn, xin chia sẻ tới cộng đồng https://vanhoavadoisong.vn/Nói đến quê hương, phải bắt đầu bằng người Mẹ. Mẹ là hiện thân trọn vẹn nhất, sinh động nhất của quê hương. Hãy cùng bước lên con thuyền lịch sử với cuộc tuần du ngược về những sự tích, huyền sử, dã sử, những chuyện tình huyền thoại đến những chuyện thực diễn ra hôm qua và hôm nay về những người mẹ yêu dấu vĩ đại đất Kinh Bắc-Bắc Ninh đã sinh nở và dưỡng dục những người con ưu tú cho quê hương, xứ sở.

Hình tượng Mẹ Ngà (giữa) trên sân khấu vở kịch “Huyền thoại Gò Rồng ấp” 

Mẹ Ngà sinh Thiên tử
Vùng đất hương Cổ Pháp xưa, thị xã Từ Sơn nay còn truyền rất nhiều giai thoại về Mẹ Ngà và sự ra đời của vua Lý. Một giai thoại kể rằng, Thánh Mẫu-Hoàng Thái Hậu nhà Lý là người làng Dương Lôi, xuất thân là thủ hộ chùa Tiêu Sơn, nhờ giao cảm với thần linh mà có thai. Đến gần kì sinh nở có thần tiên đến báo mộng cho sư Lý Khánh Văn lúc ấy đang tu hành ở chùa Cổ Pháp rằng phải quét dọn chùa cho sạch để đêm sẽ có hoàng tử tới. Sư Khánh Văn làm theo. Tối đến thấy một người đàn bà chửa đi đến trước chùa mà đẻ. Đẻ xong, bà bế đứa bé đó đi trong ầm ầm mưa bão, đến một ngôi đền giữa rừng Cổ Pháp thì không thấy nữa.

Chuyện kể, khi lao chạy giữa rừng, trong mưa gào, bão tố, sấm sét vang rền nghĩa là Mẹ Ngà cùng thần Sấm, thần Mưa, thần Rừng, thần Cây sum họp lại trên một mảnh đất cụ thể vào một khoảnh khắc thần thiêng để Mẹ Ngà - nơi chứa sự sống đã sinh ra sự sống. Mẹ Ngà đã sinh ra Công Uẩn, sau này trở thành vua Lý Thái Tổ - một bậc minh quân của Quốc gia Đại Việt. Như vậy, với cách mô tả của dân gian thì Mẹ Ngà là thần thánh, ngang tầm với trời đất và để lại cho dân tộc một trang sử vừa hư vừa thực, vừa nhân vừa thần.
Ngàn năm qua, trong tâm thức con người hiện đại hôm nay, Mẹ Ngà ngày càng sáng lên, thăng hoa, hiện thân như một Thiên Thần. Hãy tưởng tượng lúc ấy Mẹ Ngà đã phải vượt qua bao rào cản, thành kiến đời thường với niềm vui, nỗi sợ, lòng tin hi vọng và cả tuyệt vọng đan xen... Giả sử lúc ấy Mẹ Ngà còn vướng mắc bất cứ điều gì, không thể vượt qua tất cả những thứ đeo đẳng ấy thì lịch sử Việt Nam chắc chắn không có mấy trăm năm nhà Lý. Phải chăng, chính Mẹ Ngà đã để lại cho Đại Việt những trang sử chói lọi, rực rỡ!
Thân mẫu của 5 vị Tiến sĩ
Từ một gia đình nghèo hiếu học, 5 anh em họ Nguyễn Nhân làng Kim Đôi  (thành phố Bắc Ninh) đã làm rạng danh công đức tổ tiên, đặt những viên gạch hồng đầu tiên xây nên thương hiệu “Làng Tiến sĩ” và mang về cho quê hương 8 chữ vàng: “Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều” (dòng họ Kim Đôi áo đỏ áo tía đầy triều) do vua Lê Thánh Tông ban tặng.
Sự thành công rực rỡ trên con đường khoa bảng của gia đình họ Nguyễn Nhân làng Kim Đôi thực là một điều rất hiếm có trong lịch sử. Những nguyên nhân nào đã làm nên thành công rực rỡ như vậy? Thực tế bây giờ, người dân Kim Đôi không còn được biết nhiều đến chuyện học hành và sự rèn luyện của các cụ ra sao và điều này vẫn còn là một bí ẩn.

kinh ba 1

Mẹ Ngà được Thần báo mộng sinh Thiên tử - Một phân cảnh trên sân khấu vở kịch “Huyền thoại Gò Rồng ấp”

Tuy nhiên, có một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thành công của 5 anh em Tiến sĩ nhà Nguyễn Nhân được cho rằng, bắt nguồn từ phong cách giáo dục, sự tận tâm nuôi dạy của mẹ là cụ Hoàng Thị Hay. Truyền rằng, vì gia đình nghèo khó nên các con trong nhà muốn đi làm thợ và làm ruộng để giúp cha mẹ nhưng bà nhất quyết không đồng ý. Bà làm mọi cách để các con yên tâm tu học. Khẳng định điều này, ông Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Công lao của cụ bà Hoàng Thị Hay đã được Trạng nguyên Lương Thế Vinh khắc ghi vào bia đá, gần đây được phát hiện đặt tại mộ của bà. Trong văn bia có đoạn: “Con đi học xa, áo chưa rách đã bảo người may sẵn cho, sợ bị cảm lạnh mà tổn hại đến việc học. Các con cảm động vì tình nghĩa giáo huấn của cha mẹ mà dốc lòng tu chí việc học mà thành danh”. Có lẽ, chính người mẹ mới đóng vai trò quyết định tới sự thành công của các con trên con đường khoa bảng sau này.
Như vậy, quá trình hình thành và phát huy bản sắc truyền thống hiếu học, thông minh, thành danh rực rỡ trên đường khoa cử của người Bắc Ninh có vai trò, công lao to lớn của những người không có tên trên bảng vàng bia đá Nho học và rất hiếm khi được sử sách nhắc đến. Đó là bà, là mẹ, là vợ, là chị... của các bậc đại khoa. Những người phụ nữ một nắng hai sương tần tảo sớm hôm, tạo điều kiện cho chồng, con, em ăn học thành đạt. Chính họ đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước và là một phần của truyền thống trọng đạo học - “Chẳng tham ruộng cả ao liền/Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ”. Như lời văn của Thượng thư Nguyễn Công Hãng đã viết tặng: “Các bà, các chị trong gia tộc, cần kiệm mang giỏ, đưa cơm, nuôi dạy con cháu. Các bà các chị ấy từ thiện, chữ nhân rộng, chữ đức sâu nên dòng ân trạch ngày càng chảy được xa vậy”...
Bà Huyện Quế Dương
Cách đây hơn 180 năm tại làng Cách Bi, tổng Bồng Lai, huyện Quế Dương (nay thuộc xã Cách Bi, huyện Quế Võ), một người con đã được sinh ra mà sau này tên tuổi của ông gắn liền với giai đoạn lịch sử chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc. Người con ưu tú ấy chính là danh nhân Nguyễn Cao - niềm tự hào của quê hương Bắc Ninh - một thủ lĩnh xuất sắc của phong trào Cần vương kháng Pháp cuối thế kỷ XIX.
Thân mẫu Nguyễn Cao là cụ Nguyễn Thị Điềm, dân gian thường gọi Bà Huyện Quế Dương thuộc dòng họ võ quan Nguyễn Đức ở Quế Ổ. Người ta kể rằng khi Nguyễn Cao lên ba tuổi thì cha qua đời, lúc ấy bà Nguyễn Thị Điềm mới ngoài 20 tuổi, sớm hôm tần tảo nuôi con ăn học. Bấy giờ, lý trưởng làng Cách Bi là một trong những kẻ háo sắc nhất làng. Một hôm, gặp bà trên đường vắng, ông này đã có hành vi hết sức khiếm nhã. Sau đó, nhân ngày giỗ của chồng, Bà Huyện Quế Dương mời họ hàng đến tham dự, có cả lý trưởng kể trên. Lễ giỗ xong, bà đĩnh đạc đến trước bàn thờ chồng, nhìn về phía lý trưởng rồi nói: “Trước kia lý trưởng làng ta đã nhân tôi góa bụa, thế cô mà giở trò bỉ ổi. Hắn đã xúc phạm đến danh tiết của tôi, nhưng tôi phải cắn răng chịu nhục vì lúc đó con tôi hãy còn thơ dại... Nay tiện đông đủ mọi người, tôi xin vứt trả lý trưởng cái vết nhơ ấy. Dứt lời, bà rút ngay con dao bén giấu sẵn trong mình tự vẫn”. Nguyễn Cao sau đó được bà ngoại chăm nom nuôi dưỡng, trưởng thành là một anh hùng khí tiết lẫm liệt.
Có những người mẹ như thế, thì những đứa con làm sao không vĩ đại được! Vẫn nghĩ, những bậc vĩ nhân, những con người ưu tú, ngoài tố chất bẩm sinh luôn được dẫn dắt, dưỡng dục bởi những người bà, người mẹ vừa nhân từ vừa mạnh mẽ, đã đoan chính, đức độ lại giàu trí lực và kiên cường.
Vốn dĩ cổ nhân giáo dục con cái trở thành bậc hiền tài lưu danh sử sách, thơm tiếng nghìn thu là bởi họ luôn biết lấy cái đức làm đầu. Dùng đức để dạy con, dùng đức làm gốc rễ để phát triển cuộc đời...
Trong xã hội hiện đại, mong con thành tài cũng là ước muốn tột cùng của nhiều bậc làm cha làm mẹ. Họ cũng nỗ lực không ngừng, tạo điều kiện hết mức chỉ mong sao con mình có chỗ đứng trong xã hội... Song nếu không xuất phát từ nhân tâm, từ đạo đức dưỡng dục gia đình và từ chính quá trình trui rèn, vượt khó, khổ luyện mà thành thì mọi cái được gọi là thành công, theo cách mà người xưa nói, chẳng khác nào “như hoa trong gương, trăng trong nước, chớp mắt thành hư không, được cái nhất thời mà mất đi cái mãi mãi”.

Ghi chép của Thanh Lâm