Đọc Trường thiên sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm phục tác giả Nguyễn Thế Kỷ

Lật mở từng trang Trường thiên thơ và lịch sử với tên gọi "Một người thơ tên gọi" dày 567 trang với 12.665 câu thơ lục bát viết về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và cuối cùng là sự cảm phục tác giả Nguyễn Thế Kỷ.

Xuyên suốt cuốn sách là một câu chuyện kể bằng thơ về cuộc đời của Bác Hồ, từ khi Người sinh ra ở làng Sen, thời niên thiếu của Bác, tuổi thanh niên với những trăn trở, suy tư khi đất nước bị xâm lược, nhân dân chịu cảnh bần hàn, cơ cực… đến hành trình Người ra đi tìm đường cứu nước… Trường thiên thơ lục bát này cũng kể lại từng giai đoạn lịch sử của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Trường thiên thơ và lịch sử "Một người - Thơ- Tên gọi" được tác giả viết trong 10 năm ròng, sau một đời tích lũy tư liệu để thể hiện tình yêu thầm lặng với một vĩ nhân của dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả vì tình yêu mãnh liệt với quê hương đất nước. Tác giả trân trọng chiều dài lịch sử 4.000 năm của ông cha dựng nước và giữ nước. Trong đó, nhân vật chính của trường ca đã đi vào dòng chính lưu của chủ nghĩa anh hùng và niềm tự hào dân tộc. Cho đến nay, tác phẩm "Một người - Thơ- Tên là một thiên trường thơ lục bát dài nhất trong lịch sử thi ca dân tộc. Trước đó, kỉ lục thuộc là một trường ca khuyết danh về vua Lê Đại Hành được lưu truyền ở Hà Nam, gồm khoảng 11.000 câu thơ.

Quả đúng như một bạn đọc đã nhận xét, "Một người - Thơ- Tên gọi" là một tác phẩm thơ nhưng hành trình như một “đoàn tàu” chạy qua rất nhiều ga lịch sử, có ga dừng lâu, có ga dừng chỉ vài phút, sau đó "đoàn tàu" lại nổi còi lên đường. Lịch sử chạy xuyên suốt 4 nghìn năm như thế, nhưng vẫn có nhiều điểm nhấn, và “không một ai bị lãng quên, không một cái gì bị quên lãng”. Bởi không có quá khứ thì không có hiện tại. Thơ trong trường thiên này luôn gắn với lịch sử như một dòng chảy liên tục.

Trường thiên thơ và lịch sử "Một người - Thơ- Tên gọi" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ

Đến với trường thiên thơ và lịch sử "Một người - Thơ- Tên gọi", bạn đọc có chung cảm nhận, ở tuổi 90, nhà viết kịch, nhà văn, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đã dồn tâm huyết, trí lực cùng những kinh nghiệm chắt lọc từ đời sống hiện thực, lòng kính yêu với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm là món quà ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự ra đời của tập thơ được nhiều văn nghệ sỹ quan tâm, có ý nghĩa thiết thực khi toàn Đảng, toàn dân đang hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

"Người đọc có thể không đọc được hết toàn bộ tác phẩm nhưng chỉ cần một trích đoạn là có thể cảm nhận được tấm lòng thành kính của nhà thơ đối với Bác. Năm 2019, kỷ niệm 50 năm ngày Bác mất (1969 - 2019), tập thơ của Nguyễn Thế Kỷ như một bông Sen thành kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những độc giả của ngày hôm nay chỉ biết cúi đầu kính phục sức làm việc phi thường của một người cao tuổi, người đã có những bước đi đĩnh đạc, một gương mặt trầm tĩnh và một cách nhìn lịch sử Việt Nam thấu suốt được diễn tả bằng thơ lục bát - một thể thơ thuần Việt", Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam nhận xét.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1935 tại xã Nghĩa Trung (nay là thị trấn La Hà), huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi, Hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Trên lĩnh vực sáng tác văn học - nghệ thuật, tác giả Nguyễn Thế Kỷ là một người đa tài. Ông là tác giả lớn của nền sân khấu cách mạng Việt Nam. Ông đã có những vở diễn nổi tiếng vào những năm 60 của thế kỷ XX như: Đốm lửa núi Hồng, Núi rừng năm ấy, Người lão bộc của vua Quang Trung, Những đứa trẻ không cô đơn, Thánh Gióng, Sóng trào biển động, Hạt muối trắng trong, Tìm đường Đồng Lộc… Ngoài ra, ông còn bén duyên với nhiều loại hình nghệ thuật khác như sáng tác tiểu thuyết, ký sự và thơ.