EuroCham: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 tham vọng nhưng khả thi

TGVN. Theo Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 của Chính phủ có thể thực hiện được.

EuroCham: Mục tiêu tăng trưởng <a href=kinh tế Việt Nam năm 2021 tham vọng nhưng cũng khả thi" style="max-width:100%; padding:0px; margin:0px;" title="EuroCham: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 tham vọng nhưng cũng khả thi">
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nguyễn Hải Minh. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ trong buổi phỏng vấn riêng với TG&VN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nguyễn Hải Minh nhận thấy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2021 của Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện được.

Ông Minh cũng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu rất lạc quan về tương lai môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 trình Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra mục tiêu GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%. Năm 2021, mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ là 6,5%, ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?

Có thể nói, mục tiêu tăng trưởng GDP 6% của Chính phủ Việt Nam cho năm 2021 vừa tham vọng nhưng cũng khả thi.

Tham vọng vì thế giới vẫn đang phải tiếp tục chiến đấu với tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19; tuy nhiên, mục tiêu này cũng có thể thực hiện được bởi Việt Nam đã từng đối phó thành công với đại dịch này.

Các doanh nghiệp châu Âu nhận định như thế nào về cơ hội và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, thưa ông?

Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu rất lạc quan về tương lai môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Kết quả Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index - BCI) mới nhất của chúng tôi - một cuộc khảo sát hàng quý các doanh nghiệp thành viên EuroCham về nhận thức của họ đối với môi trường thương mại và đầu tư - cho thấy, sự lạc quan tiếp tục được ghi nhận vào cuối năm 2020. BCI đạt 63,6 điểm phần trăm trong quý vừa qua, mức điểm cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát.

Trong khi đó, 57% thành viên của chúng tôi dự đoán rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định và cải thiện trong 3 tháng đầu năm 2021. Con số này đã tăng 18 điểm so với chỉ 39 điểm phần trăm trong quý III/2020.

Về triển vọng kinh doanh, 33% lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán số lượng nhân viên của họ sẽ tăng lên trong quý tới, trong khi 57% kỳ vọng sẽ duy trì số lượng nhân viên như hiện tại.

Ngoài ra, 30% số người tham gia khảo sát dự đoán đầu tư sẽ tăng, 43% dự đoán đơn đặt hàng và doanh thu sẽ tăng trong thời gian tới.

Theo ông, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong năm tới là gì?

Tất nhiên, năm 2021 cũng mang đến những thách thức không nhỏ. Đại dich Covid-19 tiếp tục tạo ra một “đám mây” che phủ thương mại và đầu tư toàn cầu, ngay cả khi Việt Nam có kiểm soát tốt.

Thêm vào đó, đại dịch cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy tự do của hàng hóa và con người, vì những hạn chế di chuyển quốc tế - mặc dù đây là điều cần thiết - sẽ gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp trong việc đi lại và kinh doanh.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn kể trên, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nếu duy trì được thành công gần đây như tinh giản thủ tục hành chính, hiện đại hóa khung pháp lý.

Doanh nghiệp châu Âu lạc quan và tích cực về triển vọng tương lai của Việt Nam, đặc biệt là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực. Hiệp định quan trọng này sẽ mở ra các lĩnh vực mới cho đầu tư và đổi mới sáng tạo của châu Âu, đồng thời sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng cả đầu tư và chuyển giao tri ​thức.

Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia “sân chơi” lớn hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt do các doanh nghiệp châu Âu dẫn dắt.

Trong bối cảnh đại dịch covid-19, sự dịch chuyển cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng được đẩy lên nhanh hơn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt lấy cơ hội này.

Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ và chưa đủ tầm vóc để kết nối với các tập đoàn lớn. Nhưng nếu biết chủ động đổi mới sáng tạo và tăng tốc trong đầu tư chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến hiện đại thân thiện môi trường thì chắc chắn khả năng tham gia các chuỗi cung ứng lớn là hiện hữu.

Khi EVFTA đi vào hiệu lực, bản thân các doanh nghiệp châu Âu cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, kết nối thương mại cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, động lực chính cho quá trình chuyển đổi này sẽ vẫn phải đến từ doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là các chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Bằng cách đó, EVFTA sẽ giúp hỗ trợ giai đoạn tiếp theo của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Chuyên gia nhận định thế nào về mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2021 của Chính phủ?

Mục tiêu thận trọng

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Mục tiêu đặt ra là thận trọng. Năm 2021, tôi kỳ vọng Việt Nam có thể đạt được 7-7,5%, cao hơn so với những gì Chính phủ đã đặt ra. Tuy nhiên, những gì Chính phủ đặt ra cũng là điều hợp lý vì tình hình bên ngoài vẫn diễn biến phức tạp".

Mục tiêu đầy tham vọng nhưng có cơ sở đạt được

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói: "Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 là đầy tham vọng khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng xét trên bình diện những gì chúng ta làm được trong năm 2020 thì hoàn toàn có cơ sở để đạt được. Việc ngành nông nghiệp thích ứng tốt với đại dịch và thiên tai sẽ là cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, góp phần đưa GDP tăng trưởng mạnh mẽ.

Thêm vào đó, về mặt quan hệ quốc tế, chúng ta có những chính sách sáng suốt, tạo ra các nguồn lực để tăng tốc phát triển trong năm 2021, đó là việc ký hàng loạt Hiệp định thương mại quan trọng như EVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)…".

Việt Nam đang và sẽ làm tốt

Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam nhận định: "Triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực, dự báo tăng trưởng ở mức 6,8%. Việt Nam đang và sẽ làm rất tốt. Việt Nam có khả năng cao trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới nhờ những thành tựu đất nước đã đạt được trong thời gian qua.

Mặc dù tình hình hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố bất định nhưng tôi tin rằng, năm 2021, Việt Nam sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn. World Bank kỳ vọng, với nhiều tín hiệu tích cực như việc nghiên cứu vaccine đã có bước tiến triển rõ rệt, các hoạt động thương mại đang dần trở lại, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng tốt vào năm 2021”.