Gia Lai quyết liệt xử lý vi phạm về mua bán, sử dụng pháo nổ

Gia Lai là một trong 15 địa phương trọng điểm của cả nước về tình trạng vi phạm mua bán và sử dụng pháo nổ.

Đặc biệt, theo quy luật, những ngày giáp Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, vận chuyển pháo trái phép trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Theo đó, các đối tượng sử dụng ô tô tải, ô tô khách chuyên chở hàng hóa thông thường để che giấu pháo nổ rồi vận chuyển qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, các đường mòn, lối mở giáp biên giới vào nội địa.

Chú thích ảnhĐối tượng Đỗ Văn Trung và số pháo lậu bị Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ. 

Để giảm thiểu tình trạng này, Công an tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các đơn vị, Công an các địa phương chủ động triển khai sớm, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu, sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo gắn với đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội XIII của Đảng và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Cụ thể, những ngày trung tuần tháng 12/2020, các lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai đã bắt và xử lý nhiều vụ vi phạm với số lượng lớn pháo bị tịch thu. Trong đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh phối hợp với Công an huyện biên giới Đức Cơ bắt giữ 3 đối tượng vận chuyển trái phép 150 kg pháo vào ngày 7/12. Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh bắt hai đối tượng vận chuyển 15 hộp pháo (trọng lượng 25 kg) vào ngày 8/12. Công an phường Hội Phú, thành phố Pleiku bắt quả tang một đối tượng đang có hành vi buôn bán pháo, thu giữ 30 hộp pháo (trọng lượng 52kg) vào ngày 11/12…Từ ngày 14 đến ngày 21/12, Công an huyện Đức Cơ còn bắt thêm 5 vụ vận chuyển trái phép hơn 550 kg pháo nổ.

Theo Thượng tá Chu Kiến Trúc, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai, để thực hiện có hiệu quả Nghị định 137 của Chính phủ, Công an cơ sở cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp và đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo; tổ chức ký cam kết với từng xã, phường, thị trấn, thôn bản, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân không thực hiện các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép; huy động tối đa các lực lượng xuống địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp đốt pháo theo quy định của pháp luật...

Cũng theo Thượng tá Trúc, các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng pháo chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 40 triệu đồng. Trường hợp đốt pháo tại nơi công cộng mà ảnh hưởng đến an ninh trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội "gây rối trật tự công cộng" theo Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015. Hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ có trọng lượng từ 6 kg trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 40, Điều 41 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015.