Giá tiêu hôm nay 27/2: Thế giới tăng sốc, trong nước cao nhất 55.000/kg; nỗi buồn của người trồng tiêu Việt

TGVN. Giá tiêu thế giới hôm nay 27/2 tăng sốc 153.35 Rupee/tạ so với hôm qua, giao dịch ở 34.966.65 Rupee/tạ (thấp nhất) và 35.166.65 Rupee/tạ (cao nhất).

Giá tiêu hôm nay 27/2
Giá tiêu hôm nay 27/2: Thế giới tăng sốc, trong nước cao nhất 55.000/kg. (Nguồn: reNature)

Cập nhật giá tiêu thế giới

Giá tiêu thế giới hôm nay 27/2 tăng 153.35 Rupee/tạ so với một ngày trước đó, ghi nhận lúc 0h15 ngày 27/2 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giao dịch ở 34.966.65 Rupee/tạ (thấp nhất) và 35.166.65 Rupee/tạ (cao nhất).

Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) ngày 26/2 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 311,04 VND/INR.

Theo bài báo đăng trên The Hindu Husiness Line gần đây, một chuyên gia trong lĩnh vực hồ tiêu Ấn Độ cho biết, không giống như ngành hồ tiêu Việt Nam và Indonesia, tức là chủ yếu sản xuất để xuất khẩu, ngành hồ tiêu quốc gia Nam Á có thị trường nội địa rất lớn và nhu cầu về hồ tiêu ở trong nước luôn luôn không đổi.

Hiện do giá tiêu của Ấn Độ đang ở mức cao hơn so với các nước khác nên kim ngạch hồ tiêu xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa giảm. Điều này cũng là lý do để các sản phẩm hồ tiêu từ Nepal và Sri Lanka với giá rẻ hơn đang chảy nhiều hơn vào thị trường Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, tương lai của các loại gia vị Ấn Độ có vẻ tươi sáng hơn khi các mặt hàng có tỷ trọng lớn như hạt tiêu, gừng và nghệ được ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng và miễn dịch.

Giá tiêu trong nước

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tăng nhẹ tại các địa phương, ghi nhận ở mức từ 53.000-55.000/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 53.000đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (53.500đ/kg); Bình Phước (54.000đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn ở ngưỡng cao nhất là 55.000 đồng/kg.

Ngay từ những ngày sau Tết Nguyên đán, nhiều nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phải hối hả ra vườn hái tiêu bởi thời điểm này đang là vụ thu hoạch nhưng người trồng lại tiếp tục một năm rơi vào cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội”.

Mặc dù giá tiêu nhích hơn niên vụ 2019-2020 nhưng vẫn ở mức rất thấp. Việc tìm kiếm nhân công hái tiêu cũng gặp nhiều khó khăn, tiền công cao khiến nhiều nhà vườn trong cảnh tiêu chín đỏ trên cây, rụng đen đầy gốc và thua lỗ nặng.

Vụ tiêu năm nay tại Bà Rịa-Vũng Tàu hầu hết các vườn đều thất thu, trái chỉ lác đác trên cây; trong khi đó, giá lại rớt xuống thấp, nhân công khó kiếm nên nhiều nông dân muốn bỏ vườn.

Theo các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh, vụ này họ chỉ lấy công làm lãi. Ngay cả hộ trồng tiêu nào đạt chất lượng tốt cũng khó hòa vốn. Mặc dù vậy, nông dân vẫn bắt buộc phải thu hoạch, bởi nếu không sẽ khiến chất lượng cây bị cạn kiệt, năm sau không thể ra trái.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện diện tích trồng hồ tiêu đang khoảng 11.000 ha, giảm gần 2.000 ha so với năm 2019. Vụ tiêu năm nay, năng suất hầu hết các vườn đều giảm trên 50% so với năm 2020. Một phần, do vài năm trở lại đây, các vườn tiêu không được chăm sóc tốt, cộng với thời tiết không thuận lợi khiến năng suất tiêu không cao.

Từ khi tiêu rớt giá, các hộ không chăm sóc, đầu tư cũng dẫn đến tăng số lượng cây tiêu bị chết. Cùng đó, người trồng còn phá bỏ và thay thế loại cây khác như mít, sầu riêng, bơ...

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt chuyển qua loại cây trồng khác để tránh tình trạng được mùa mất giá, hoặc hết thời hoàng kim lại rơi vào cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội” như cây tiêu hiện nay.