Giá trị của những tiếng hát ru

Hát ru là một nét văn hóa truyền thống từ xa xưa của người Việt Nam, là loại hình nghệ thuật dân gian, một thể loại dân ca cổ truyền, một hiện tượng âm nhạc đặc sắc trong văn hóa dân gian Việt Nam.

Hát ru có giá trị văn hóa tinh thần cao quý mà ông cha ta để lại trong kho tàng dân ca Việt Nam, tồn tại đã hàng ngàn năm theo chiều dài lịch sử, gắn bó với sự hình thành, phát triển văn hóa gia đình, làng xóm, quê hương. Những lời ru êm dịu, tha thiết, những ca từ gần gũi, thân thương đã gieo vào tâm thức và đọng lại trong ký ức trẻ thơ những hạt giống tốt lành và hình ảnh đẹp đẽ về lòng nhân ái, đạo lý làm người, tình yêu quê hương, đất nước gắn với vai trò, hình ảnh, tình cảm thân thương của người bà, người mẹ, người chị cùng với cuộc sống sinh hoạt đầu đời của con trẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Khi tuổi thơ được tắm đẫm trong những lời hát ru ngọt ngào, êm dịu, đứa trẻ sẽ được lớn lên trong sự hồn nhiên. Nhân cách của đứa trẻ được hình thành một cách tự nhiên trong sự gắn bó yêu thương không chỉ giữa người với người mà còn với cả thiên nhiên, sông núi, ruộng đồng, những hình ảnh con đò, bến nước, gốc đa, sân đình, lũy tre, ánh trăng, cánh cò bay lượn... Từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, thai nhi đã cảm thụ về thế giới xung quanh. Giọng hát ru của mẹ trong 9 tháng thai kỳ góp phần hình thành nhân cách, suy nghĩ, năng khiếu của đứa trẻ sau này. Khi trẻ chào đời, lời ru của mẹ giúp trẻ ngủ ngon và gắn kết tình mẫu tử.

Theo cố Giáo sư Trần Văn Khê thì: "Bài hát ru là bài âm nhạc đầu tiên mà người mẹ truyền sang đứa con của họ -  sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn - cùng lúc với dòng sữa nóng nuôi thân thể trẻ, điệu thi ca dân gian sẽ được rót vào tâm thức giúp hình thành tình yêu thương, tự hào về quê hương, đất nước. Những đứa trẻ được mẹ hát ru chính là đứa trẻ giàu tâm hồn và hạnh phúc nhất". Normal Weinberger, Giáo sư khoa Sinh học thần kinh và hành vi Đại học California, Irvine (Hoa Kỳ) cũng cho biết: "Ở mọi miền văn minh trên thế giới, các bà mẹ đều hát ru con vì em bé sơ sinh hoàn toàn có thể cảm thụ được những giai điệu đó như thể âm nhạc vốn dĩ đã luôn là một phần của chúng ta vậy".

Như thế, lời ru ngọt ngào thực sự là "dưỡng chất" bằng tinh thần giúp trẻ phát triển trí tuệ và tâm hồn. Những khúc hát ru có vai trò như một hành trang để trẻ lớn lên trong sự bao bọc, chở che bởi những tình cảm rất tự nhiên và sâu nặng về gia đình, quê hương, xã hội.

Có thể nói, những người được sinh ra từ khoảng giữa thế kỷ XX trở về trước, nhất là ở các làng quê có mấy ai không lớn lên từ lời ru của mẹ, của bà, của chị trong những giấc ngủ buổi trưa hè có tiếng đệm kẽo kẹt nhẹ nhàng của hai đầu giây võng, giây nôi hòa trong tiếng à ơi sâu lắng, yêu thương.

Rất tiếc, trong nhịp sống hiện đại, hối hả ngày nay, những lời hát ru ngọt ngào, thương mến ấy đã và đang dần xa vắng! Nhiều chị em đến tuổi trưởng thành và trước khi kết hôn vẫn chưa có ý niệm gì về việc hát ru, nên khi lấy chồng, có con thì không biết hát ru, không thuộc một bài hát ru nào. Có người thì mãi bươn chải với cuộc sống mưu sinh hàng ngày mà không thể dành được một khoảng thời gian ít ỏi cho việc ru con ngủ.

Dù ở thời đại nào, lời ru vẫn rất quan trọng đối với thế giới tâm hồn tuổi thơ, nhất là trong nhịp sống hiện đại, hối hả ngày nay. Những lời ru ngọt ngào với giai điệu mượt mà, êm ái là cách tốt nhất để đưa bé vào giấc ngủ yên bình, để nuôi dưỡng tâm hồn bé trong quá trình trưởng thành, lớn lên và gắn kết các thành viên trong gia đình được bền chặt hơn.

Nhớ mãi lần đầu được về thăm làng Sen, quê Bác Hồ, nhìn thấy cái võng mắc trong gian nhà cổ, nơi Bác từng sống lúc tuổi ấu thơ mà cứ tưởng như trong không gian nơi đây còn văng vẳng lời hát ru của người bà, người mẹ. Cùng với tiếng à ơi là tiếng kẽo cà kẽo kẹt nhẹ nhàng phát ra từ 2 đầu dây của võng đã ru Bác lớn lên, để rồi ra đi tìm đường cứu nước và trở thành vị lãnh đạo tối cao, kiệt xuất, kính yêu của Đảng, của đất nước, của toàn dân ta.