Giữ màu xanh trên đại ngàn Chư Mom Ray

Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray là một trong số 30 VQG thuộc hệ thống rừng đặc dụng của cả nước, có diện tích gần 56.300 ha, trải dài trên các xã biên giới của tỉnh Kon Tum.

Hàng chục cán bộ, nhân viên QLBVR thuộc VQG Chư Mom Ray không quản ngại khó khăn, ngày đêm “bám” rừng sâu để đi tuần tra, kiểm soát.

Vượt qua khó khăn, nhân viên, cán bộ của VQG luôn nỗ lực để giữ màu xanh của đại ngàn gắn với bảo tồn những nguồn gen động, thực vật quý hiếm.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray (VQG) là một trong số 30 VQG, thuộc hệ thống rừng đặc dụng của cả nước, có tổng diện tích gần 56.300 ha, thuộc các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo Ray, Thị trấn Sa Thầy của huyện Sa Thầy và xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan của huyện Ngọc Hồi (thuộc tỉnh Kon Tum).

VQG là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại 7 hệ sinh thái rừng chính là rừng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới và 5 hệ sinh thái rừng phụ là loại rừng trảng cỏ cây bụi, các kiểu rừng này là nơi tập trung của các loài thú móng guốc, thú ăn thịt,...

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có giá trị về bảo vệ môi trường, điều hoà khí hậu, nguồn nước và phòng hộ đầu nguồn cho thuỷ điện Pleikrong, Ya Ly, Sê San 3 và phát triển du lịch sinh thái.

VQG Chư Mom Ray đang bảo tồn nhiều động, thực vật quý hiếm.

Theo đó, lâm phần Vườn quốc gia Chư Mom Ray quản lý khá phức tạp, địa bàn rộng, trải dài dọc tuyến biên giới tỉnh Kon Tum đã gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát. Hiện nay, VQG có 14 trạm với 20 chốt cố định nằm ở những vị trí trọng yếu, lối độc đạo dẫn vào rừng. Bên cạnh đó, các nhân viên, cán bộ của vườn luôn nỗ lực bám trụ 24/24 trong rừng sâu. Lực lượng bảo vệ rừng tại VQG còn thiếu nhiều so với quy định của Chính phủ. Mặt khác, do diện tích quản lý rộng, xung quanh ranh giới VQG đa số liền kề với khu dân cư, khu sản xuất nương rẫy của nhân dân đã gây áp lực rất lớn, khó kiểm soát.

Bằng nhiều giải pháp, các nhân viên, cán bộ của VQG luôn đề cao ý thức bảo vệ rừng, thực hiện song song các nhiệm vụ. Đầu tiên là tổ chức tuyên truyền cấp thôn, làng giúp người dân hiểu và tham gia cùng chung tay bảo vệ rừng. Ngoài ra, các trạm QLBVR còn phối hợp với UBND các xã để tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của thôn, xã và tuyên truyền trực tiếp người dân trên nương rẫy. Nội dung tuyên truyền tập trung nâng cao nhận thức cho cộng đồng hiểu biết về giá trị của rừng, lợi ích của rừng mang lại cho cuộc sống của người dân. Đồng thời, quán triệt để người dân hiểu rõ về những hành vi trái pháp luật và những hậu quả nghiêm trọng khi người dân phá rừng, tuyên truyền về giáo dục môi trường, giáo dục pháp luật, tích cực vận động người dân tham gia hưởng ứng “phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng”, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, VGQ Chư Mom Ray luôn tuyên truyền phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và nhân dân để cùng đi tuần tra.

Triển khai ký quy chế phối hợp giữa VQG với UBND các xã vùng đệm, các Đồn biên phòng trong công tác QLBVR. Hàng tháng, các Trạm địa bàn xây dựng kế hoạch thường xuyên phối hợp với UBND các xã, các Đồn biên phòng, Kiểm lâm địa bàn thực hiện việc kiểm tra, ngăn chặn vi phạm. Thực hiện theo phương án PCCCR mùa khô, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất PCCCR nhằm đáp ứng yêu cầu khi xảy ra cháy rừng. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm.

Bên cạnh đó, VQG luôn nỗ lực sưu tầm bảo tồn gen 132 loài hoa lan với 1.984 giò. Xuất vườn 6.515 cây giống (Sao đen, sao cát, gõ, cẩm lai, trắc) hỗ trợ các xã trên huyện Sa Thầy và các đơn vị liên quan trồng cảnh quan và bảo tồn gen. Chăm sóc 6 ha rừng trồng bảo tồn gen năm thứ 3, 4; Chăm sóc 10,6 ha rừng trồng trên đất nương rẫy cũ. Trồng mới 50 ha rừng thay thế. Tiếp nhận cứu hộ 08 cá thể ĐVHD, bao gồm: 4 cá thể kỳ đà, 2 cá thể mèo rừng, 2 cá thể khỉ mặt đỏ. Sẽ tái thả về môi trường tự nhiên khi các cá thể đủ điều kiện theo quy định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý VQG Chư Mom Ray cho biết: “Nhằm tăng cường công tác, bảo vệ rừng, đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các vùng trọng điểm cháy rừng, chú trọng tại các khu vực tập trung nhiều tre nứa, lau lách. Vào mùa khô, vườn bố trí canh phòng ở những vùng trọng điểm; không để phát sinh nguồn lửa; phát hiện sớm điểm cháy và chỉ đạo quyết liệt huy động các lực lượng tại chỗ xử lý kịp thời.”.