Hà Giang: Trang bị kỹ năng sống cho học sinh

Trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, thái độ và kỹ năng sống (KNS) tốt, phù hợp để các em chủ động ứng xử các tình huống trong cuộc sống là thành quả nổi bật sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án giáo dục KNS và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 (Đề án).

ky nang song

Rèn kỹ năng sinh hoạt bán trú

Cụ thể hóa các mục tiêu của Đề án, ngành Giáo dục biên tập và triển khai bộ tài liệu giáo dục KNS cho học sinh phổ thông; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp phổ thông về phương pháp, hình thức tổ chức tích hợp giáo dục KNS vào chương trình giáo dục và các hoạt động của nhà trường. Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các ngành, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về: An toàn giao thông; kĩ năng phòng, chống cháy nổ, đuối nước; bảo vệ rừng, phòng chống thiên tai; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; phòng, chống ma túy, bạo lực học đường; xây dựng cổng trường an toàn giao thông; kỹ năng giao tiếp với khách du lịch. Nhiều huyện hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án như: Huyện Yên Minh hỗ trợ mỗi xã 5 triệu đồng/năm; Quản Bạ hỗ trợ mỗi trường 11 triệu đồng; Bắc Quang hỗ trợ các xã, thị trấn 30 triệu đồng thành lập Quỹ Bảo tồn văn hóa, giáo dục KNS.

Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giảng dạy KNS với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện nhà trường, đối tượng học sinh: Lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục KNS vào các môn học, bài học trong chương trình như: môn Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, Lịch sử - Địa lý ở cấp tiểu học và Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Thể dục ở cấp trung học; các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa; tổ chức Thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, xử lý các tình huống khi tham gia giao thông; Luật Phòng, chống mua, bán người, các tình huống phòng, chống mua, bán người; thực hành các tình huống cấp cứu người bị tai nạn thương tích, đuối nước…Tại các buổi chào cờ thứ Hai đầu tuần, các nhà trường giáo dục KNS qua hình thức sân khấu hóa; lồng ghép nội dung KNS trong các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn, đội, câu lạc bộ; tổ chức các sự kiện theo chủ điểm và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm… Giai đoạn 2016 – 2020, các nhà trường tổ chức được trên 5.100 chuyên đề giáo dục KNS; xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả trên 2.400 câu lạc bộ sở thích. Đặc biệt, đối với dịch Covid - 19, các trường học tập trung tuyên truyền, trang bị cho học sinh kỹ năng về phòng tránh dịch bệnh ở nhà và khi đến trường học theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Trong quá trình thực hiện, nhiều cơ sở giáo dục có mô hình, cách làm hay, sáng tạo được nhân rộng: Vận động làm đồ chơi cho học sinh bằng các vật liệu sẵn có của địa phương; xây dựng cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện; xây dựng thư viện xanh, tủ sách KNS; thành lập các câu lạc bộ: Phát thanh, tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên, chống tảo hôn; giáo dục bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực học đường; bổ trợ kiến thức và tổ chức các hội thi về tri thức, văn hóa. Các trường nội trú, bán trú mời cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện đến tập huấn, hướng dẫn cán bộ, giáo viên và học sinh về công tác nội vụ; tổ chức tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn, đồng thời giáo dục học sinh về tinh thần lao động…

Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân (Vị Xuyên) hiện có gần 300 em học sinh ở bán trú. Để công tác giảng dạy, học tập và quản lý học sinh hiệu quả, nhà trường thường xuyên rèn luyện, hướng dẫn kỹ năng nội vụ cho học sinh; chăm sóc vườn rau xanh cải thiện bữa ăn; thành lập các câu lạc bộ KNS; lồng ghép nhiều nội dung giáo dục KNS vào các môn học, buổi học ngoại khóa, sinh hoạt chi đội. Thầy Vũ Khắc Lân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Thông qua các hoạt động giáo dục KNS, các em học sinh, đặc biệt là học sinh bán trú có được tinh thần, khả năng tự lập, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và học tập tốt hơn”.

Về hiệu quả thực hiện Đề án, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Bình cho biết: “Việc triển khai các nội dung giáo dục KNS và văn hóa truyền thống cho học sinh phổ thông được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai quyết liệt, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các em hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, thể chất và các KNS cơ bản. Từ đó, các em có khả năng ứng phó hiệu quả với những thách thức, khó khăn trong cuộc sống, có khả năng tự bảo vệ chính mình và những người khác trong cộng đồng”.