Hà Minh Đức cảm nghĩ về văn chương và thời cuộc

Nhà xuất bản Văn học vừa cho ra mắt bạn đọc một tập tiểu luận của Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức. Tập tiểu luận có nhan đề “Hà Minh Đức - cảm nghĩ về văn chương và thời cuộc”

Phần cuối tập sách là những trang viết của ông nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh trong năm 2019 và 2020 của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại, gồm Huy Cận, Bùi Hiển, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Tô Hoài và Giáo sư Viện sĩ Hoàng Trinh. Là người nghiên cứu và là bạn tâm giao của những nhà văn nhà thơ, những trang viết về các ông vừa có những chi tiết đáng quý về cuộc đời của các vị chỉ riêng Giáo sư Hà Minh Đức có, lại có những luận bàn về văn thơ, về bút pháp, về khuynh hướng sáng tác của một người, của một thời.

Ảnh minh họa nguồn internet

Năm 2020 cũng là kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giáo sư Hà Minh Đức cũng có những trang viết dâng Người trong tập sách này như các tiểu luận: Tác phẩm Hồ Chí Minh - thiên cẩm nang của cách mạng Việt Nam; Hồ Chủ tịch với văn hoá văn nghệ; và đặc biệt là bài nghiên cứu Đối thoại Hồ Chí Minh (với nhân dân, ngoại giao và báo chí) đã được phát triển thành một chuyên luận dày 255 trang (không kể bìa), được nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản tháng 10/2020.

Nhưng có vẻ những cảm nghĩ của Giáo sư Hà Minh Đức, một nhà nghiên cứu văn học - một nhà giáo về "văn chương" và "thời cuộc" tập trung vào các tiểu luận như "Một vài cảm nghĩ trong đổi mới trong văn nghệ"; "Cần loại bỏ những tàn dư phong kiến trong cuộc sống hôm nay"; "Đề tài 'gia đình' trong văn nghệ thời đổi mới"; "Phê bình văn học - đôi điều ký ức ghi nhận"; "Nghĩ về hình thái tư duy siêu 'tĩnh tại' và 'định kiến' một thời"; "Động lực nào cho sự phát triển văn nghệ thời đổi mới"…


Cứ xem những ghi chú ở từng bài, có thể thấy đây là những bài Giáo sư Hà Minh Đức viết trong hai ba năm trở lại đây. Có bài đã đăng báo, có bài tác giả chưa đăng báo nhưng đã được sửa nhiều lần. Và qua nội dung, thì thấy những vấn đề mang tính thời sự, hoặc nổi cộm trong sinh hoạt văn hoá văn nghệ thời gian qua, đều được tác giả đề cập và trao đổi thẳng thắn.

“Một vài cảm nghĩ về đổi mới trong văn nghệ” là một tiểu luận như vậy. Giáo sư Hà Minh Đức quan niệm về “đổi mới” như sau: “Lịch sử phát triển của các dân tộc thường có những bước ngoặt, những phút thăng hoa khi xã hội có những chuyển biến lớn tốt đẹp. Đó là những thời kỳ đổi mới, gạt bỏ cái cũ, xây dựng, sáng tạo cái mới thành công. Đổi mới thường không diễn ra nhẹ nhàng mà phải thông qua đấu tranh để khẳng định sự thắng thế của cái mới”. Soi chiếu vào tình hình Việt Nam hiện tại, Giáo sư Hà Minh Đức nhận xét: Ở vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, Đảng ta phát động những đổi mới trên tất cả những lĩnh vực, trong đó có văn hoá văn nghệ.

Từ đó, tác giả đặt vấn đề về đổi mới trong văn nghệ gắn liền với hai đối tượng quan trọng, một là bản thân người nghệ sĩ, hai là công chúng tiếp nhận. Trước hết phải làm sao để nội dung, quan điểm đổi mới của đường lối văn nghệ hoà hợp với cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ, chọn lọc miêu tả được những hình ảnh tiêu biểu, cảm xúc tốt đẹp thể hiện trong tác phẩm. Trong trường hợp người nghệ sĩ còn có ý vướng mắc hoặc trái chiều thì phải thay đổi tư duy, ý thức về cuộc sống. 

Luận bàn về cái mới, theo Giáo sư Hà Minh Đức, thông thường tâm lý thưởng thức thường ưa chuộng cái mới lạ khác với cái đã tồn tại. Ý kiến trên có căn cứ nhưng phải chú ý giới hạn, phần cốt cách, cái lõi của tác phẩm, cái hồn của nhạc phẩm không thể thay đổi…Tôn trọng giá trị và cốt cách ổn định của tác phẩm. Khi bàn về giá trị bền vững của một tác phẩm văn chương, cái mới cái lạ cũng phải theo quy luật sáng tạo, không ngoại lệ, không ngược dòng. Chuẩn mực được chấp nhận qua các thời đại là Chân - Thiện - Mỹ…Giáo sư Hà Minh Đức khẳng định: Cái mới dù trong hoàn cảnh nào cũng là động lực của sáng tạo.

Tiếp tục mạch tư duy này, tác giả Hà Minh Đức có thêm tiểu luận “Động lực nào cho sự phát triển văn nghệ thời đổi mới”. Theo ông, "động lực lớn nhất là sự đổi mới cho văn nghệ sĩ". "Phải phát hiện, tìm ra, tạo ra những động lực cho văn nghệ chống lại xu hướng cản trở sự phát triển của văn nghệ". "Gần đây những việc làm của Uỷ ban kiểm tra Trung ương với một số cán bộ đã chứng tỏ sức mạnh của công lý là dũng khí của sự phê phán…Đó là một động lực hỗ trợ cho văn nghệ tiến hành phê phán những tiêu cực trong cuộc sống. Hai nhiệm vụ kiến tạo và phê phán trong văn nghệ thời kỳ đổi mới rất quan trọng, nặng nề và hỗ trợ cho nhau”.

Trong cảm nghĩ về văn chương và thời cuộc, Giáo sư Hà Minh Đức đã có những nhận xét rất xác đáng về “phê bình văn học” trong giai đoạn hiện nay. Theo ông, “Phiên hiệu thì vẫn to lớn nhưng quân số thì vắng vẻ…Nhận thức trách nhiệm thì đầy đủ, nhưng hứng thú thì hạn chế…Cần củng cố đội ngũ, đặc biệt là bồi dưỡng những nhà phê bình trẻ hoà nhập không khí sáng tác, không khí thời đại để phát triển tài năng”. Theo tác giả Hà Minh Đức, nói tới phê bình cũng là nói tới lý luận. Phê bình không có lý luận thường không có điểm tựa vững chắc trong lập luận, luận bàn. Thiếu lý luận, phê bình không có chiều sâu. Và lý luận thuần tuý cũng khó làm phê bình khi thiếu thực tiễn.

Hơn nửa thế kỷ làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học, những tiểu luận trong “Hà Minh Đức - Cảm nghĩ về văn chương và thời cuộc” được viết với văn phong giản dị, mạch lạc, có trước có sau, có lý luận và thực tiễn, là kết tinh những quan tâm của ông đối với tình hình văn hoá văn nghệ nước ta hiện nay, cũng như thực tiễn sôi động với các trang mạng xã hội. 

Tuy tuổi cao, mắt kém, nhưng Giáo sư Hà Minh Đức vẫn cố gắng nắm bắt hiện thực cuộc sống, điều gì chưa rõ thì hỏi qua bạn bè, qua đồng nghiệp để những trang viết của ông vẫn tươi mới như cuộc sống phong phú đang diễn ra. Cái tâm của ông với đồng nghiệp, với bạn bè và đối với sự phát triển của văn hoá – văn nghệ nước nhà thật đáng trân trọng