Hải Phòng: Chăn nuôi nhỏ lẻ khó tái đàn1

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại Hải Phòng chiếm 50% tổng đàn lợn trước dịch nhưng việc tái đàn gặp rất nhiều khó khăn.

Con giống đắt, rủi ro cao

Trước dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của Hải Phòng có 344.000 con, trong đó các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (quy mô dưới 50 con) chiếm 50% tới tổng đàn. Dịch tả lợn châu Phi đã khiến 2.474/19.256 cơ sở có lợn bị tiêu hủy và trong đó, các cở sở chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tới 97%.

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó tiếp cận con giống để tái đàn lợn. Ảnh: Đinh Mười.

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó tiếp cận con giống để tái đàn lợn. Ảnh: Đinh Mười.

Hiện tại, tổng đàn lợn của Hải Phòng đang có 137 nghìn con, chiếm 42% so với tổng đàn trước dịch. Số hộ chuyển đổi chăn nuôi lợn sang vật nuôi khác, quy mô: 384.759 con gà, 217.884 con thủy cầm, 298 con trâu bò và 14.624 convật nuôi khác.

Thực hiện chủ trương tái đàn sau khi công bố hết dịch tả lợn châu Phi, hiện Hải Phòng đang có 1.998 cơ sở chăn nuôi lợn tái đàn với quy mô khoảng 66.331 con, trong đó, số cơ sở chăn nuôi có dịch tái đàn sau 30 ngày là 711 cơ sở với quy mô tái đàn 26.060 con. Tuy nhiên, việc tái đàn hiện tại phát triển mạnh chủ yếu ở các trang trại và gia trại, còn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ diễn ra chậm và gặp nhiều khó khăn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, vấn đề cốt lõi của tái đàn hiện tại chủ yếu là vấn đề con giống chưa đáp ứng được nhu cầu tái đàn và cơ sở vật chất tại các gia trại chưa đáp ứng được yêu cầu để tái đàn. Giá lợn giống hiện tại rất cao, từ 2 đến gần 3 triệu 1 con khiến người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận mặt khác các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đến 50% tổng đàn trước dịch hiện nay vấn đề đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học rất kém. Do đó việc tái đàn rất nan giải.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hải Phòng cho biết: “Giá lợn giống lại rất cao, điều kiện an toàn sinh học trong chăn nuôi theo hướng dẫn của Bộ thì không đảm bảo điều kiện tái đàn. Cụ thể, với gia trại chăn nuôi lớn thì không đáng lo. Các hộ dưới 50 con... việc kiểm soát người ra - vào chưa tốt, vệ sinh tiêu độc khử trùng chẳng đâu vào đâu. Không tâm huyết, không phải nghề, không chuyên nghiệp.

Mặt khác, kinh phí để tái đầu tư của người dân không đủ, dù đã được nhà nước hỗ trợ một phần nhưng vẫn tương đối khó khăn. Hơn nữa dịch kéo dài đến 9 tháng, nhiều hộ chăn nuôi hoặc là chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm hoặc là bỏ không chăn nuôi nữa. Do đó việc tái đàn diễn ra chậm".

Cơ quan chức năng kiểm tra công tác tái đàn lợn tại quận Đồ Sơn. Ảnh: Phòng Kinh tế Đồ Sơn.

Cơ quan chức năng kiểm tra công tác tái đàn lợn tại quận Đồ Sơn. Ảnh: Phòng Kinh tế Đồ Sơn.

Còn ở góc độ người chăn nuôi, ông Đặng Khắc Hảo ở xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên chia sẻ: "Dù đã công bố hết dịch nhưng tái đàn vẫn chưa thực sự yên tâm, nhưng giờ cũng đã vay nợ ngân hàng rồi, chuồng trại đã đầu tư rồi, gia đình tôi đã bắt đầu nuôi trở lại 1 thời gian nhưng vừa nuôi vừa thăm dò, chủ yếu nuôi cho ấm chuồng. Giờ con giống đắt quá, hơn nữa nếu như trước đây các đại lý cám có thể kết hợp thì nay việc này khó khăn hơn. Thứ nhất nợ cũ chưa trả xong, thứ hai là các đại lý cám họ cũng sợ rủi ro. Không nuôi thì tiếc của, đã bỏ ra hàng trăm triệu để xây chuồng trại, mà nuôi thì rủi ro cao, nợ chồng nợ".

Thiếu vốn và sợ thua lỗ

Tìm hiểu của PV cho thấy, với các trang trại và gia trại lớn, việc tái đàn cơ bản không vấn đề gì do các doanh nghiệp chăn nuôi như Dabaco, C.P – đều tiếp cận và sẵn sàng cung cấp con giống để hợp tác chăn nuôi. Việc tái đàn khó đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ngoài giá con giống cao và an toàn sinh học trong chăn nuôi chưa đảm bảo thì một phần do thiếu vốn và tâm lý lo sợ thua lỗ nếu sau khi tái đàn giá lợn đã bình ổn trở lại.

Nguồn giống tại Hải Phòng tại các doanh nghiệp chăn nuôi vẫn có, tuy nhiên doanh nghiệp đang phục vụ tái đàn nội bộ. Ảnh: Đinh Mười.

Nguồn giống tại Hải Phòng tại các doanh nghiệp chăn nuôi vẫn có, tuy nhiên doanh nghiệp đang phục vụ tái đàn nội bộ. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Lương Văn Sáng – Giám đốc Công ty TNHH Quang Sáng ở huyện Vĩnh Bảo cho hay:  Là doanh nghiệp chăn nuôi, tôi thấy lượng lợn đầu ra đầu vào không cân đối. Hiện nay việc tái đàn khó khăn là do giá cả rất cao, người dân khó tiếp cận. Tôi làm doanh nghiệp, quy mô cũng khá lớn, có sự đầu tư nên nhiều doanh nghiệp chăn nuôi như C.P, Dabaco… đều chủ động tiếp cận, tôi không lo về con giống. Nhưng với người dân để tiếp cận được con giống là cả một vấn đề.

“Giờ để chúng tôi bỏ tiền ra để mua cả mấy nghìn con giống là cả vấn đề lớn, ngay bản thân tôi từng nuôi cả mấy trăm con lợn nái cũng không dám tái đàn. Vì mua con lợn giống gần 3 triệu/1 con, nuôi con lợn 6 tháng mới được bán mà lúc đó nếu đã bình ổn giá thì chỉ bán được khoảng 5 triệu thì sau khi trừ chi phí, công cán… sẽ lỗ nặng, chắc chắn không ai dám tái đàn” – ông Sáng khẳng định.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho hay, tổng đàn lợn nái của Hải Phòng hiện chỉ có khoảng 12.000, trước dịch bị tiêu hủy 32.000 nái, chiếm đến 75% tổng đàn nái. Lượng đàn nái hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu tài đàn, thời gian tới, sẽ tiếp tục tuyên truyền sản xuất giống.

Mặt khác, tiếp tục thực hiện nghị quyết 13, hỗ trợ trang trại trên 300 con, phải chuyên nghiệp, sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 3 năm, tối đa 100 triệu. Đề xuất UBND TP Hải Phòng xây dựng một số mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, hỗ trợ mua lợn nái ngoại.

“Hải Phòng giờ cần khoảng 35.000 lợn nái thì mới đáp ứng được nhu cầu tái đàn. Hiện tại, một số hộ chăn nuôi có tận dụng lợn thịt để làm lợn nái, cơ quan chức năng không khuyến khích, nhưng tình thế khan hiếm nguồn giống họ vẫn làm và những con nái này không đảm bảo, sớm muộn cũng phải bán lợn thịt" - lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hải Phòng cho hay.

Ông Lê Quang Hiển – GĐ Công ty TNHH Lợn giống Dabaco Hải Phòng cho biết, mỗi tháng có 3,2-3,5 con giống, hiện nay do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, các trang trại của Công ty đang trống nên phục vụ tái đàn nội bộ.