Hoà Bình: Sức sống trên dòng Đà Giang (bài 2)

Ven hồ Hòa Bình hiện tại thực chất không có những bãi bồi. Bởi, trước khi đắp đập, ngăn sông Đà, hàng nghìn hộ dân sống ở ven sông đã phải di dời đi nơi khác, hoặc vén lên ở vùng đất cao hơn. "Bãi bồi” mà tôi nhắc đến là những ngôi làng nhỏ, người dân đang dựa vào nguồn lợi từ vùng hồ để kiếm kế sinh nhai.

Bài 2- Thấp thoáng những "bãi bồi" trù phú

bai boi

Người dân xóm Mực, xã Tiền Phong (Đà Bắc) khai thác nguồn lợi thủy sản trên hồ Hòa Bình để phát triển kinh tế gia đình.

Bằng đường bộ, tôi đã từng ghé chân tới bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc); xóm Sưng - xã Cao Sơn, xóm Ké - xã Hiền Lương, xóm Đá Bia, Mó Hém (nay là xóm Đức Phong) - xã Tiền Phong (Đà Bắc)… là những bản làng ven hồ Hòa Bình đã và đang phát triển du lịch cộng đồng. Trong mắt tôi đó là những "bãi bồi” trù phú. Ví như ở Đá Bia và Mó Hém (xã Tiền Phong) trước kia, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào trồng cây ngô, cây luồng, đánh bắt cá trên sông. Nhưng từ khi được tổ chức AOP (Action on Poverty) tại Việt Nam - một tổ chức phi chính phủ mang sứ mệnh hỗ trợ các cộng đồng nghèo, dễ tổn thương ở một số quốc gia tại châu Phi, châu Á và chính quyền huyện Đà Bắc quan tâm định hướng, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi. Tập trung xây dựng Đá Bia thành điểm du lịch cộng đồng, từ năm 2014 đến nay, xã Tiền Phong đã thu hút được trên 5.500 lượt khách, trong đó gần 80% là du khách quốc tế. Trò chuyện với đồng chí Bùi Văn Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong được biết: Tháng 1/2019, Đảng ủy xã Tiền Phong đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch xã Tiền Phong giai đoạn 2019-2020, và đã huy động các nguồn lực khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Ở những xóm không có tiềm năng phát triển du lịch, xã định hướng, vận động người dân phát triển kinh tế bằng nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng trên sông.
Trong chuyến ngược sông Đà bằng đường thủy, tôi có dịp ghé thăm gia đình chị Đinh Thị Linh ở xóm Mực, xã Tiền Phong. Trao đổi về cuộc sống hiện tại, chị Linh chia sẻ: "Tôi thấy hài lòng, chiều tối cùng chồng đi thả lưới, thả hom "bát quái”, sáng sớm thức dậy vớt cá, tôm trên sông, trưa đi chợ mua bán hàng hóa, hoặc lên nương, chiều chuẩn bị thức ăn cho mấy lồng cá nuôi, cuộc sống cứ bình yên như vậy. Mấy năm gần đây, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nâng cấp đường giao thông đến từng xóm, việc đi lại, giao thương thuận tiện hơn, các cháu nhỏ đi học đỡ khổ. Nhắc đến chuyện học, tôi dò hỏi: Vậy trước đây, chị có được đi học? Có chứ! Tôi cũng học đến lớp 6 rồi ở nhà đi đánh cá, lên nương, 18 tuổi xây dựng gia đình. Tôi không được học nhiều thấy thiệt thòi, nên giờ cố lo cho các con ăn học đầy đủ. Giờ cháu lớn đã tốt nghiệp lớp 12, cháu nhỏ đang học lớp 9.
Được biết, 100% cư dân của xóm Mực là người Mường Ao tá, nhưng nhìn quanh quất không đếm nổi chục nóc nhà sàn, tôi hỏi: Người dân ở đây hình như chuộng làm nhà xây mái bằng? Chị Linh xởi lởi: Là người Mường, ở nhà sàn vẫn thích hơn chứ, công làm nhà cũng đỡ hơn, chứ gạch, xi măng, sắt, thép để vận chuyển được đến đây rất vất vả và đắt đỏ. Có điều, vì ở ngay triền sông nên bắt buộc phải làm nhà bê tông, mái bằng để tránh gió. Tìm hiểu kỹ hơn được biết, xóm Mực có 46 hộ dân, đến nay, khoảng 70% số hộ đã có nhà xây để ở, hầu hết là những ngôi nhà mới xây khang trang, vững trãi thách thức gió mưa.
Tàu ghé bến Hạt (Trạm quản lý đường thủy nội địa bến Hạt), thuộc xã Yên Hòa (Đà Bắc), tôi nhanh chân xuống tìm hiểu cuộc sống của người dân. Ngỡ ngàng trước cơ ngơi khá khang trang của gia đình ông Đinh Công Mỵ, tôi hỏi chuyện về đường đi, lối lại, tiềm lực phát triển kinh tế của địa phương, được biết: Nếu tính đường bộ, xóm Hạt cách trung tâm huyện Đà Bắc khoảng 60 km, đường đi lại khá khó khăn. Nguồn sống của cư dân nơi đây chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện qua các chương trình, dự án, đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Ngay như gia đình ông Mỵ, từ chỗ trông chờ vào các nguồn lợi từ rừng, từ sông, 10 năm trở lại đây, ông đã chủ động thiết kế lộ trình phát triển kinh tế gia đình phù hợp. Có lợi thế ở gần sông, gia đình ông duy trì nuôi 4 - 5 lồng cá gối vụ. Sẵn máy xay xát, ông duy trì nuôi 30 - 40 con lợn (gồm cả lợn thịt và lợn nái sinh sản). Tận dụng khoảng đất trống trước nhà, ông xây kè, đổ đất để cấy lúa, trồng màu. Mùa nước nổi đây là ruộng lúa, mùa nước cạn ông trồng màu, đem lại nguồn thu đáng kể.  
Chưa đi hết được các bản làng ven hồ, cũng chưa tường tận về cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi người dân. Nhưng, những gì được nghe, được biết, được thấy đã toát lên một điều: Khi dòng sông Đà được ngăn lại để xây dựng thủy điện Hòa Bình, đã tạo nên những "bãi bồi” trù phú, đó là những xóm làng ven hồ Hòa Bình. Trong tâm thức của mỗi người dân ven hồ Hòa Bình: Sông Đà vẫn chảy, cuộc sống mới vẫn sinh sôi.