Hội thảo khoa học "Chính sách phát triển du lịch bền vững từ thực tiễn vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc"

Chiều 15/12/2020 vừa qua, tại phòng họp D402, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội đã tổ chức chương trình Hội thảo Khoa học “Chính sách phát triển du lịch bền vững - Từ thực tiễn vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc”. TS.Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS.Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Nhà trường và TS.Lê Thị Vân Anh, Trưởng khoa Khoa học Chính trị đồng chủ trì Hội thảo. Đến tham dự còn có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, giảng viên và các nhà hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Hội thảo nhằm mục đích các giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi mới trong công tác đào tạo, chuẩn bị đội ngũ đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch hiện nay.

TS.Lê Thanh Huyền, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu và TS.Lê Thị Vân Anh điều hành Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: TS.Phùng Thế Đông, Học viện Chính sách và Phát triển; PGS.TS.Nguyễn Thanh Bình, Đại học Sư phạm Hà Nội; TS.Trịnh Lê Anh, Khoa Du lịch học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; TS.Nguyễn Quang Vinh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; TS.Hoàng Vũ Linh Chi, Viện Xã hội học, Học viện Khoa học Xã hội; ThS. Phạm Diễm Hảo, Sở Du lịch Hà Nội; cùng với nhiều đại biểu khác đến tham dự.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, thay mặt cho Ban giám hiệu Nhà trường TS.Lê Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nhấn mạnh: “Du lịch có vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với quốc gia có tiềm năng phát triển du lịch như Việt Nam. Do đó việc nghiên cứu chính sách phát triển du lịch bền vững từ thực tiễn Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc là rất cần thiết”. Đồng thời Phó Hiệu trưởng Nhà trường TS.Lê Thanh Huyền gửi lời cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực đã tâm huyết viết bài và dành thời gian quý báu đến tham dự, phát biểu và đóng góp cho sự thành công của Hội thảo.

Các đại biểu đến tham dự Hội thảo Khoa học đóng góp ý kiến

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, làm rõ các vấn đề mà các doanh nghiệp, các nhà quản lý, các trường đại học cùng quan tâm như: Chính sách phát triển kinh tế dựa vào tiềm năng và lợi thế vùng ở Việt Nam; Nâng cao công tác tuyên truyền trong tổ chức thực thi chính sách phát triển du lịch bền vững - Từ thực tiễn vùng Đồng bằng Bắc bộ; Chính sách phát triển du lịch bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc từ góc nhìn thực tiễn của doanh nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh; Ứng dụng công nghệ để thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững tại đồng bằng bắc bộ;…

Các đại biểu đến tham dự và đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Từ góc nhìn của TS.Tô Trọng Mạnh, khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trong việc đề ra giải pháp nhằm kích thích tiềm năng du lịch Việt Nam thì cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu tới người dân trong việc phát triển bền vững du lịch, đồng thời mỗi người đi tuyên truyền phải nắm vững yêu cầu nội dung cần tuyên truyền, tạo ra sự đồng thuận của người dân.

Các đại biểu đến tham dự Hội thảo Khoa học đóng góp ý kiến

Đối với TS.Trịnh Lê Anh, Khoa Du lịch học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, BTV Đài truyền hình Việt Nam thì cần phải có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp du lịch, nguồn nhân lực để họ cống hiến đến xã hội, phải cân nhắc đến việc phát triển du lịch đi đôi với ứng phó biến đổi khí hậu, kết hợp giữa “du lịch bền vững” và “du lịch sáng tạo”.

Hội thảo đã tiếp nhận được 14 quan điểm, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý với nhiều điều cần lưu ý và đẩy mạnh trong công tác xây dựng chính sách phát triển du lịch thì cần phải tăng cường, liên kết hợp tác, nâng cao nguồn nhân lực; Tiềm năng du lịch của tỉnh nào mạnh thì phải đẩy mạnh hơn nữa; Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo sự an toàn cho khách du lịch và địa điểm du lịch; Hay để phát triển ngành du lịch hơn nữa cần phải có “Dân trí, an trí và báo chí”,…

Các quan điểm, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, các doanh nghiệp đã giúp cho buổi Hội thảo nhận diện rõ những cơ hội, khó khăn, thách thức và triển vọng từ đó đưa ra các hướng giải pháp phát triển kinh tế du lịch trong đó có vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc. Qua hội thảo, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, kiến thức lý luận và thực tiễn cho học viên, sinh viên trường Đại học Nội vụ Hà Nội các góc nhìn về chính sách, pháp luật, văn hóa du lịch,…
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm