Huế của tôi “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”

Phan Quang

Xin chia sẻ tới bạn đọc https://doisongvaphattrien.vn/ những cảm xúc của tôi, một người con của xứ Huế mộng mơ, một xứ Huế đang gồng mình chống chọi với mưa lũ lịch sử năm nay và một xứ Huế những ngày vừa qua đã nhận được bao tình cảm yêu thương sẻ chia của đồng bào cả nước.

Khi tôi cầm bút viết những dòng này thì Huế của tôi lại đang oằn mình trong con bão số 13, khi những dư chấn của trận lũ lịch sử cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2020 còn in đậm trên mảnh đất miền Trung này…

Mấy ngày nay, lòng tôi như lửa đốt, thương vô cùng, xót xa vô cùng cho biết bao người dân quê tôi liên tục trong những ngày tháng 10 đang phải chống chọi với các đợt lũ chồng lũ, bão chồng bão càng lúc càng khốc liệt, bất thường và khó dự báo…

Người viết bài (bên phải) trao đổi với cụ Khởi 

Hai tuần giữa tháng 10 vừa qua là một hành trình thực sự có ý nghĩa với tôi và anh em báo chí, và với riêng tôi đó không chỉ là hành trình “Hướng về miền Trung” mà đó còn là hành trình tìm về với cội nguồn của một người con lập nghiệp xa Huế gần 20 năm, trở về…. Bởi thế, khi được phân công làm trưởng đoàn cho chuyến công tác thiện nguyện tại Thừa Thiên Huế, tôi xúc động rưng rưng.

Ngày 19/10, từ sớm tinh mơ, công tác chuẩn bị đã xong xuôi, chúng tôi xuất phát với chuyến xe chở đầy mì tôm, gạo, nước suối, bánh kẹo, dược phẩm và các nhu yếu phẩm mà anh em chúng tôi đã kêu gọi được từ sự ủng hộ cùng tấm lòng của bạn hữu gần xa và các Mạnh Thường Quân ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Thái Bình, Lâm Đồng…

Khác với các đoàn cứu trợ khác, đội hình đi của báo chúng tôi rất gọn nhẹ, không băng rôn, khẩu hiệu, đoàn quyết định chọn lựa các địa phương ở Huế là những vùng trung du, gò đồi, không bị nước ngập sâu, lâu ngày mà lại chịu tác động lớn do lũ lớn làm trôi hoa màu, nhà cửa.

Theo suy nghĩ của nhiều người, các địa điểm này dường như không chịu ảnh hưởng do thiên tai, nhưng thật ra, người dân ở đây bị chia cắt nhiều ngày do nước các khe suối dâng cao, chảy xiết, làm hư hỏng nhiều diện tích hoa màu, đặc biệt là các vườn cây ăn trái như bưởi da xanh, thanh trà, ổi hay các loại cây công nghiệp như cao su, keo tràm…

Những chuyến hàng chứa chan tình người trong lũ

Xe chạy không ngừng nghỉ, vừa đi chúng tôi vừa tranh luận về những lí do vì sao miền Trung thường hứng chịu thiên tai bão lũ và người dân miền Trung quen thuộc với cảnh "Tháng Bảy nước nhảy lên bờ".Bờ biển miền Trung dài 1.200km và gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, nên đồng bằng ở miền Trung rất hạn hẹp. Có nhiều sông tương đối khá lớn, như sông Gianh ở Quảng Bình, sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, sông Hương ở Huế - Thừa Thiên, sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi. Sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng.

Hàng năm những trận bão biển và gió mùa Đông Bắc đã gây nên những trận mưa lớn ở miền Trung. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến động thời tiết trên toàn thế giới như dòng nước El Nino và La Nina, những trận bão biển và mưa lớn xảy ra càng khốc liệt hơn.Ngoài nguyên nhân chính là các trận mưa bão ở miền thượng lưu cũng như ở đồng bằng, còn có nhiều lý do thường được nhắc đến như nạn phá rừng, việc khai thác cát sỏi và hệ thống đê đập...

Phá rừng đã gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn. Bên cạnh đó, còn vấn nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện…Tất cả đều đã trở thành "thủ phạm" gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Trung. Câu chuyện cứ thế kéo dài rôm rả, xe chúng tôi đi qua các trạm thu phí cầu đường nhưng được miễn phí hoàn toàn, ai cũng hiểu một điều, tất cả mọi người đều một lòng hướng về miền Trung.

Chiều ngày 20/10, chúng tôi đến địa phận của tỉnh Thừa Thiên Huế. Xe qua huyện Phú Lộc, trước mắt chúng tôi là một vùng nước trắng xoá, cây cối ngả gục, những ngôi nhà mái tranh có, mái tồn có, hầu hết đều bị tốc mái, cảnh tượng thật xót lòng. Cuộc sống nơi đây vốn khốn khó, cái nghèo cứ đeo đẳng trên mảnh đất thiên nhiên khắc nghiệt này, cái nghèo, cái cực thậm chí đã được lột tả thấm thía qua những câu tục ngữ, ca dao về đời sống của người dân miền Trung: “Đói lòng ăn quả khổ qua/ Nuốt vào thì đắng, nhả ra bạn cười” nay lại càng cơ cực, lam lũ hơn. Cả một đời chắt chiu, nhưng tất cả hoàn toàn tan biến khi những con bão lũ đi qua…

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là xã miền núi Phong Xuân (huyện Phong Điền), nơi cả nước đang hướng về thuỷ điện Rào Trăng 3. Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền), hai tiếng thiêng liêng đối với trái tim mỗi người Việt Nam. Nơi đã chứng kiến sự hy sinh quên mình giữa thời bình của những người lính, bất cứ ai trong số những con người đã hy sinh ấy đều có quyền từ chối đi cứu hộ, ai cũng có trăm vạn lý do để ở nhà trong sự an toàn. Thế nhưng, họ đã lựa chọn và hành động theo mệnh lệnh của trái tim người lính…

Tình người trong lũ

Những ngày nghe tin về vụ sạt lở ở Rào Trăng, tôi và cả gia đình luôn dõi theo hành trình tìm kiếm các thành viên trong Đoàn công tác cứu nạn, cứu hộ. Và rồi tim tôi đã quặn thắt khi thi thể các anh lần lượt được tìm thấy đưa về…

Chúng tôi tìm đến Phong Xuân khi toàn bộ các con đường dẫn về xã đều bị chia cắt bởi những đợt mưa to dồn dập. Nhiều khu vực trên đường 71 dẫn lên Rào Trăng 3 tiếp tục bị sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, sở chỉ huy tiền phương ở xã Phong Xuân đã lệnh dừng làm đường, tìm chỗ tránh trú hoặc rút người về để đảm bảo an toàn.

Ông trời cứ lặng lẽ tiếp tục trút mưa xuống làm tăng thêm nguy cơ xuất hiện điểm sạt lở mới do các đồi núi khu vực này đã ngậm no nước mưa từ đợt mưa lũ trước đó. Trong đó, nhiều điểm có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Đoàn chúng tôi chọn đến thăm và tặng quà 300 suất gạo cho hai thôn Cổ Xuân (Quang Lộc) và Hiền An (Bến Củi) bị chia cắt nhiều ngày. Chứng kiến niềm vui ánh lên trên những gương mặt khắc khổ, gần cả tháng trời thiếu ăn chỉ có đôi ba gói mì tôm cầm cự qua cơn đói, áo quần phong phanh không đủ ấm, chúng tôi thấy lòng mình ấm lại.

Tôi cứ nhớ câu nói của cụ Khởi khi chúng tôi đến thăm nhà, vừa nói cụ vừa chỉ vào anh Lành, chủ tịch UBND xã Phong Xuân: “Chú chủ tịch xã này tốt lắm, thương tụi tui lắm. Khi mô lụt bão chi chú cũng có mặt đầu tiên” giúp chúng tôi càng thêm tin tưởng vào sự đồng hành, chung tay chung sức của chính quyền nơi đây và người dân.

Tôi còn nhớ mãi cả tấm lưng còng, dáng đi lẩy bẩy chống gậy và cái nắm tay thật chặt của cụ, khi chúng tôi tạm biệt người dân nơi đây trong buổi chiều tối sẫm không đèn điện do bị cách ly cùng những cơn gió buốt lạnh tràn về kéo theo những cơn mưa xối xả “trắng trời Thừa Thiên”...