Khẩn cấp chống lũ quét và sạt lở đất

(Chinhphu.vn) – Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT vừa thông tin tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh miền núi khẩn trương triển khai một số nội dung để phòng chống lũ quét và sạt lở đất.

Sạt lở đất sẽ diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh miền núi thời gian tới
Trong thời gian vừa qua trước diễn biến mưa lớn nên khu vực miền núi phía bắc và miền Trung-Tây Nguyên đã chịu thiệt hại lớn, đặc biệt là sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng tại nhiều địa phương, như: Mường La, Sơn La làm 23 người chết; Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bái làm 53 người chết, riêng trong tháng 9-10 đã có 138 người chết và mất tích, trong đó một số trận gây thiệt hại nặng như: Thủy điện Rào Trăng 3, trạm bảo vệ rừng tiểu khu 67, Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 làm 52 người dân và cán bộ chiến sĩ hy sinh; đặc biệt, ngay sau đợt mưa bão số 9, (tính đến thời điểm 5h00 ngày 30/10/2020) sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra vùi lấp 45 người tại tỉnh Quảng Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1500/CĐ-TTg ngày 28/10/2020 và Công điện số 1503/CĐ-TTg ngày 29/10/2020. Để ứng phó với sạt lở đất, lũ quét trong thời gian tới. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh khẩn trương triển khai một số nội dung trọng tâm sau:

Rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao.

Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện, xã và các phương tiện thông tin của địa phương tăng cường thông tin về mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và các biện pháp phòng tránh (tài liệu hướng dẫn về lũ quét, sạt lở đất tại đến người dân đặc biệt là tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Triển khai khẩn cấp các phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất và chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, nhất là lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi rộng; bảo đảm an toàn hồ đập và xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực Nghệ An đang có mưa rất lớn, mực nước lũ trên các sông ở Nghệ An lên rất nhanh.

"Đến chiều tối nay (30/10, mực nước trên các sông tiếp tục lên nhanh và đến chiều tối nay vùng hạ lưu sông Cả ở Nghệ An có thể lên trên mức báo động 2 và còn tiếp tục lên. Bây giờ, rất nhiều khu vực ở vùng hạ lưu đã bị ngập và tiếp tục sẽ lại ngập sâu trên diện rộng trong chiều vào tối nay như: Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên…", ông Long nhận định.

Theo ông Long, từ 2013 đến nay, khu vực hạ lưu sông Cả (Nghệ An) mới đạt mức lũ trên báo động 2. "Trong ngày hôm nay khu vực nguy hiểm có lũ, ngập lụt cũng như nguy cơ lũ quét, sạt lở sẽ tập trung ở khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An. Đặc biệt, ngập lụt ở vùng hạ lưu sông Cả như huyện Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên…", ông Long lưu ý.

Đỗ Hương