Khi nào người sử dụng đất cần thực hiện giải chấp sổ đỏ?

Giải chấp sổ đỏ là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi họ đã thế chấp quyền sử dụng đất của mình tại ngân hàng.

Giải chấp sổ đỏ là gì?

Giải chấp có nghĩa là xóa đăng ký thế chấp, hoặc giải trừ đăng ký thế chấp đối với tài sản đang được cầm cố tại ngân hàng.

Như vậy, giải chấp sổ đỏ (hay xóa thể chấp sổ đỏ) là việc giải trừ thế chấp đối với tài sản là quyền sử dụng nhà ở, đất ở cùng tài sản khác gắn liền với đất khi tài sản đã chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm cho khoản nợ. Khi kết thúc thế chấp sổ đỏ, trả hết nợ ngân hàng, người dân sẽ phải thực hiện thủ tục giải chấp sổ đỏ, xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất.

Ảnh: Hưng ThơGiải chấp sổ đỏ là hình thức ngân hàng tiến hành giải trừ tải sản thế chấp. Ảnh: Hưng Thơ

Thực hiện giải chấp sổ đỏ trong trường hợp nào?

Theo Khoản 1, Điều 21, Nghị định 102/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/09/2017 quy định về các trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:

- Theo thỏa thuận của các bên.

- Văn phòng thừa phát lại hoặc Cơ quan thi hành án dân sự đã kê biên, xử lý xong tài sản bảo đảm.

- Xóa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở trong trường hợp chuyển tiếp đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.

- Đơn phương chấm dứt biện pháp bảo đảm hoặc tuyên bố chấm dứt biện pháp bảo đảm trong những trường hợp khác theo luật định.

- Có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc hủy bỏ biện pháp bảo đảm, tuyên bố biện pháp bảo đảm vô hiệu.

- Tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ; tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm.

- Thay thế toàn bộ tài sản bảo đảm bằng tài sản khác.

- Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp bảo đảm đã đăng ký bằng biện pháp bảo đảm khác.

- Chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm.

Căn cứ theo quy định nêu trên, người sử dụng đất sẽ thực hiện thủ tục giải chấp sổ đỏ trong các trường hợp:

- Muốn rút sổ đỏ để chuyển nhượng, bán lại bất động sản.

- Muốn đổi tài sản thế chấp hiện tại (sổ đỏ nhà, đất) sang thế chấp bằng tài sản khác có giá trị tương đương.

- Muốn rút sổ đỏ để vay vốn ở ngân hàng khác hoặc trả nợ trước hạn.

- Muốn xóa thế chấp, trả hết nợ (cả gốc lẫn lãi) cho ngân hàng.

Kim Nhung (T/H) 05/02/2021 | 15:30
Sổ đỏ, Giải chấp, thế chấp sổ đỏ, Giải chấp sổ đỏ, Quyền sử dụng đất
Gửi bình luận