Không bao giờ thỏa hiệp với chính mình

Trước một ngày show nhạc “Khúc hát phiêu ly” diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi vào viện thăm Nhạc sĩ Phó Đức Phương đang nằm điều trị tại Vinmec, có ý xem ông có thể xuất hiện trên sân khấu vào hôm sau không.

Ông nằm trên giường nhìn ra, biết tôi vào, ông vui, bảo: “Hôm nay nắng thật, đường từ nhà cậu đến đây chắc đông lắm?”. Tôi nghẹn ngào, không trả lời được. Hai cô con gái, Phó Vũ Thư và Phó Khánh Chi lúc này cũng đang ở bên bố, kéo ghế cho tôi. Ông hiểu cảm xúc của tôi, bảo: “Cậu đừng thế... làm tớ lại...”.

Tôi vội vui lên, nói theo: “Không, là em thấy anh sút cân nhanh quá thôi, chứ giọng vẫn sang sảng này thì khí vẫn tốt. Hôm qua còn thấy hát thị phạm cho Mỹ Linh cơ mà”. “Cậu cũng biết à, tớ vẫn còn... mà nói chung, có nhiều dấu hiệu cho tớ thấy sẽ qua thôi, nhưng sẽ phải là vất vả, nhưng cái số tớ nó thế rồi. Tóm lại, tụy xong rồi, lan sang gan, phổi, giai đoạn 4 rồi, nhưng mà tớ đã xong việc đâu.Tớ còn phải viết nốt...”.

Không “chấp” bệnh tật

Tôi theo cái đà ấy, không nói đến bệnh tật nữa, nghe ông nói về show diễn ngày mai: Tại sao làm, làm như thế nào, bài nào, ai hát, hát thế nào, hòa âm phối khí ra sao, ông tỏ ra hoàn toàn tin cậy vào ekip thực hiện chương trình: Tùng Dương không chỉ là ca sĩ hát những bài mới và “xương xẩu” nhất của ông mà còn trong vai trò biên tập âm nhạc chương trình. Rồi các ca sĩ: Thanh Lam, Mỹ Linh, Phương Anh, Thu Huyền, Minh Thu, M4U... hát bài gì, Trần Đức Minh hòa âm phối khí ra sao... Nghe ông nói, tôi biết ông dõi theo từng chi tiết của chương trình với một sự quan tâm ráo riết (rất quá sức của ông lúc này)... Để ông nói xong, sự hài lòng hiện ra rõ ràng, tôi mới nói với ông một vài việc, người ta nhờ nói với ông muốn dựng một chương trình khác miễn phí hoàn toàn, để có thêm tiền cho ông điều trị. Nhưng chỉ nghe đến tên Tổng đạo diễn, ông từ chối phắt. Kể từ khi biết và quen tính cách của ông, tôi chắc chắn: nếu có chết thì ông cũng sẽ không bao giờ thỏa hiệp với những người/những việc làm xuề xòa dễ dãi, tầm phào cho dù mục đích có thể tốt/ có lợi cho ông. Tính ông là khó, cực khó. Ông thừa nhận, đời ông mà dễ đi một chút thì đã khác. Khốn nỗi không bao giờ dễ, không bao giờ thỏa hiệp với ai đã đành, càng không thỏa hiệp với chính mình.

Viết theo đơn đặt hàng

Nếu ai đã từng cười cợt rằng, nghệ thuật làm theo đơn đặt hàng là một loại vô giá trị thì hãy nghe trường hợp Phó Đức Phương:

Hầu hết các bài hát của ông đều viết theo đơn đặt hàng, nhưng đặt hàng chỉ là cái cớ để ông bắt đầu nghĩ một tác phẩm. “Chảy đi sông ơi” là một thí dụ, người ta đặt viết cho một vở kịch. Nhưng vở kịch thì xong từ lâu rồi, và có lẽ không mấy ai còn nhớ gì nữa, nhưng “Chảy đi sông ơi” thì còn mãi, càng hát người nghe càng say. Khi tác giả là người có bề dày văn hóa, có bản lĩnh, giàu cảm xúc và cá tính mạnh, thì bất kể trong trường hợp nào, cái người ta sáng tạo ra sẽ là cái có giá trị: “Ơi con sông hiền hòa/ Chở đầy nước ngọt phù sa/ Ơi con sông thiết tha/ Ấp ôm bến bờ xứ sở... Ơi con sông tiếng hát muôn đời/ Hãy cho ta nói lời cay đắng/ Nhắn về ai ở nơi góc biển/ Rằng nơi đầu nguồn ta ngày đêm trăn trở.../ Sông hiến mình tất cả/ Đời sông không hề tiếc vơi đầy...”.

Nghe Thanh Lam hát đến đây trong chương trình “Khúc hát phiêu ly”, một mình ngồi dưới hàng ghế khán giả hôm 10-7, tôi thật không cầm được nước mắt, nước mắt lẽ ra đã rơi khi nhìn thấy ông chỉ còn da bọc xương trong bệnh viện hôm trước. Đúng là “đời sông không hề tiếc vơi đầy...”.

Phó Đức Phương không phải con nhà nòi âm nhạc, quê Hưng Yên, sống ở Hà Nội từ bé, ban đầu học khoa toán Đại học Tổng hợp, chỉ học nhạc lý thời phổ thông nhưng 18 tuổi đã viết nên “Những cô gái quan họ”, “một làn nắng cũng mang điệu dân ca” khiến các bậc đàn anh và giới chuyên môn trong âm nhạc sửng sốt. Đỗ vào Nhạc viện, chưa học được bao lâu, nhưng cũng như rất nhiều sinh viên trí thức Hà Nội ngày đó đều phải đi lao động thực tế, Phó Đức Phương đi lao động thực thụ tại nông trường Hòa Bình. Có thể trời đã sinh một Phó Đức Phương với thái độ lạc quan từ trong trứng nước, ông chả bao giờ quan tâm đến nỗi cực khổ ấy, coi nó chỉ là bề ngoài, ông luôn chỉ nhìn vào nội tâm. Ngay cả bây giờ, khi bệnh nặng, thấy ai lo lắng ông còn gạt đi, vẫn bảo với mọi người “đời nó lập trình thế rồi, cái gì với tớ chả khó, nghe bác sĩ bảo bệnh như thế, với tớ, thực nghĩ, lại vất vả rồi, thế thôi...”.

“Phương gàn”...

Ai đã làm việc cùng Phó Đức Phương đều biết cái khó tính của ông cực khó. Lời bài hát tự viết lấy, kỹ đến từng từ, nhạc thì vừa khó về nhịp, về nốt, lại còn quá tinh tế. Muốn hát nhạc của ông không phải chỉ cảm xúc tốt, kỹ thuật giỏi, mà phải trường hơi dài sức, phải diễn tả được cái chất Việt tinh tế mà ông đã viết. Ông từng bảo với ca sĩ mà ông quý mến, thà chặt một ngón chân của ông đi đổi lấy việc hát đúng như ông muốn, ông cũng đồng ý. Các nhạc sĩ khác đưa bản nhạc cho ca sĩ hàng đầu, họ hát một lần thấy ổn tương đối là đồng ý, đằng này không, phải nghe đi nghe lại, rồi hát thị phạm và không chịu dừng cho đến khi hoàn hảo (Điều đó, ai trong nghề hẳn thấy khiếp đảm đến thế nào).

Không chỉ kỹ tính trong sáng tác. Đang sáng tác tốt, nhưng khi nhận ra sự vô lý là nhạc sĩ giỏi đến mấy cũng vẫn nghèo vì chỉ sau tiếng vỗ tay là không còn gì nữa, thế là ông tự đọc, tự tìm hiểu Luật Sở hữu trí tuệ và lao vào việc bảo vệ quyền tác giả (khi ấy nước ta còn chưa gia nhập Công ước Berne). Như lao đầu vào núi đá, vì quá nhiều khái niệm mới lạ công chúng không hiểu, ông gặp chuyện thị phi. Người anh ruột, nhạc sĩ Phó Đức Vạn, thương em quá, nói mấy câu ngăn em đừng hoài công phí sức, ông em quắc mắt “May mà anh nói riêng với em, chứ nói với những người đang hết tâm sức cùng em thì em chém đầu anh...”. Không chỉ ông Vạn, tôi là người được ông coi là bạn, là đứa em thân thiết, là một trợ lý tin cậy (trong một giai đoạn), khi xót xa thấy tên tuổi và hình ảnh của ông bị làm méo tôi cũng bàn lùi, buông xuôi, bị ông đập bàn, đuổi. Nhưng tôi biết chỉ sau lúc ấy, ông sẽ nghĩ thêm vì sao tôi nói, nhưng ông bảo tôi: Nếu chịu thỏa hiệp với cái dễ thì có khi làm (sáng tác) ra cả ngàn cái đời nó cũng chả nhớ đến cái nào đâu...

Phó Đức Phương là thế. “Ơi con sông hiền hòa, dịu dàng an ủi lòng ta/ Ơi con sông thiết tha, chứa chan chung tình sâu nặng...”. Nghe Thanh Lam hát thế, rồi Thu Huyền hát câu “Nước qua cầu thời gian trôi mau/ Nơi bền lâu là nơi lắng sâu” thì tôi càng hiểu, Phó Đức Phương là thế nào và vì sao tên ông trụ lại được giữa muôn vàn thử thách.

Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ hay những bạn bè thân quen của ông gọi ông biệt hiệu “Phương gàn”. Những lúc thấy ông vui vẻ, tôi cũng đùa, “nhà anh đâu phải ở ngõ Văn Chương, nhà anh ở ngõ Hàng Hành đấy...”. Lúc đầu ông không hiểu, khi tôi giải thích, ông bảo: “Vậy là cậu hiểu sai, tớ có hành ai bao giờ đâu, tớ chỉ muốn đã làm thì phải làm đúng. Chỉ đơn giản thế thôi”. Tôi bảo, anh tự hành anh là chính. Một cái báo cáo, một trợ lý loại cao thủ soạn xong rồi đưa lên, ký xoẹt là xong, nhưng ông đọc đi đọc lại từng chữ, sửa dăm bảy lần, mới ký, rồi cứ lo người đọc không hiểu. Gàn còn thể hiện ở việc ông học tiếng Anh ở tuổi 70, nhiều người bảo, học làm gì nữa, nhưng lại nói: “Tớ rất xấu hổ khi đi họp ở nước ngoài, phải nhờ người khác nói hộ, đọc báo cáo hộ”. Thế rồi cứ kẽo kẹt học, khi đi họp (với các nước tham gia Hiệp hội Quyền tác giả thế giới) ông tự đọc báo cáo, tự trao đổi bàn bạc công việc cho dù có thư ký đi cùng... Cũng không phải ông có ý xây dựng hình ảnh trước công chúng, mà ông xây dựng tư cách của chính ông. Ông cực kỳ ghét thói giả dối...

Trong kho tàng tác phẩm của mình, bài nào cũng như thể ông dứt máu thịt của mình ra mà viết: Chảy đi sông ơi, Cánh đồng tình yêu, Con sông tuổi thơ, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ núi Cốc, Không thể và có thể, Mặt trời biển cát và em, Một thoáng Tây Hồ, Mộng mị Sapa, Nha Trang thu, Nơi áo Chàm hồ xanh Ba Bể, Thành phố biển xanh và cát trắng, Trên đỉnh Phù Vân, Về quê, Vũ khúc con cò, Lội dòng sông quê...

Bài nào người nghe cũng thích, cũng nhớ, nhưng trong thời gian này, tôi thấy nhớ hơn cả bài “Không thể và có thể”: “Dòng sông đã ra đi, làm sao về chốn cũ?/ Áng mây trên đầu, không thể ngừng trôi.../ Có thể một ngày mai, chúng ta sẽ...”.

Và tôi mong, việc rời xa chốn này của bất cứ ai thì cũng chỉ là cuộc nghỉ ngơi, cuộc rời cõi tạm. Còn với Phó Đức Phương thì ông nhắn bảo khi kết thúc chương trình “Khúc hát phiêu ly” rằng, “các bạn ơi, yên tâm nhé, tớ sẽ chiến thắng bệnh tật, trở về và viết tiếp...”.