Kinh tế Mỹ với những rủi ro từ gói kích thích 1.900 tỷ USD

TGVN. Sự bùng nổ kinh tế do nhu cầu dẫn dắt sẽ bắt đầu, nhưng đi kèm là sức ép lạm phát chưa từng có với tầm ảnh hưởng lan ra ngoài biên giới nước Mỹ... Việc đổ nhiều tiền hơn vào túi người dân Mỹ trong gói kích thích kinh tế của Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ làm gia tăng những rủi ro.

Kinh tế Mỹ với những rủi ro từ gói kích thích 1.900 tỷ USD
Kinh tế Mỹ với những rủi ro từ gói kích thích 1.900 tỷ USD? (Nguồn: Getty Images)

“Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” trị giá 1.900 tỷ USD được Tổng thống Joe Biden ký thành luật ngày 11/3, cùng gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD được phê chuẩn hồi tháng 3/2020 và 900 tỷ USD được phê chuẩn vào tháng 12/2020 và những gói chi tiêu quy mô nhỏ hơn khác, Mỹ sẽ phải chi hơn 5.000 tỷ USD, để cứu trợ, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. Tương đương hơn 27% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đây được coi là một trong những chi tiêu tài chính lớn nhất trên thế giới.

Sự bùng nổ kinh tế sẽ bắt đầu

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, thu nhập của 20% người Mỹ nghèo nhất sẽ tăng 20%, tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em sẽ được cắt giảm một nửa và sự bùng nổ kinh tế do nhu cầu dẫn dắt sẽ bắt đầu.

Các dự báo về tăng trưởng kinh tế của Mỹ đang được điều chỉnh lại. Nhiều chuyên gia dự báo, đây sẽ là mức tăng cao nhất kể từ năm 1984, đỉnh điểm của sự bùng nổ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Ronald Reagan. Một số nhà phân tích của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody thậm chí còn đi xa hơn với mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm nay đạt 8%.

Mục tiêu tiếp theo của Chính quyền ông Joe Biden là Dự luật cứu trợ cơ sở hạ tầng khổng lồ trị giá 2.000 tỷ USD và chi tiêu nhiều hơn cho chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu. Tiếp theo đó sẽ có thể là một đạo luật chống độc quyền cứng rắn hơn. Điều này được thể hiện qua việc Washington đã thu nạp những học giả hàng đầu về chống độc quyền như Tim Wu và Lina Khan của Đại học Columbia vào Hội đồng an ninh quốc gia và Ủy ban thương mại liên bang.

Trong khi đó, những nhân vật tiến bộ trong đảng Dân chủ cũng không từ bỏ cuộc chiến đòi tăng lương tối thiểu, vốn không nằm trong “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ”, song có thể là chủ đề của đạo luật mới. Bên cạnh đó, việc tăng thuế đối với người giàu cũng có thể được thực hiện.

Tất cả những kế hoạch này nhằm tiến tới một sự thay đổi mô hình trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế của Mỹ. Chính quyền ông Biden đã rút ra được bài học từ những "bước đi không chuẩn" của hai chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Obama và Trump.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính quyền ông Obama đã mắc sai lầm khi đưa ra gói kích thích kinh tế quá khiêm tốn trị giá 787 tỷ USD vì lo sợ thâm hụt tài khóa quá mức. Điều này đã dẫn đến tình trạng suy thoái kéo dài ở Mỹ. Ở chiều ngược lại, Chính quyền của ông Trump lại cho thấy họ có thể thông qua gói cắt giảm thuế trị giá 1.900 tỷ USD, vốn chủ yếu đem lại lợi ích cho người giàu, mà không cần đến sự ủng hộ của hai đảng hay có bất kỳ mối lo ngại nào về sự gia tăng thâm hụt do hậu quả của nó.

Trong khi đó, “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” của ông Biden là dự án của hai đảng. Không nghị sỹ nào của đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho kế hoạch này, nhưng họ không công khai phản đối vì dự án đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân. Rút ra bài học từ Chính quyền ông Trump, Chính quyền Tổng thống Biden dường như đã quyết định sử dụng đa số trong Quốc hội để chuyên tâm thúc đẩy chương trình nghị sự tiến bộ của họ, dù có hay không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.

Có một sự thật là giờ đây thâm hụt tài khóa và nợ quốc gia tăng (vượt quá 130% GDP, ngang với mức thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai) không làm Chính quyền ông Biden bận tâm nhiều. Bản chất của cuộc tranh cãi về thâm hụt đã thay đổi. Những câu hỏi như “Làm thế nào để chúng ta có thể chi trả cho khoản tiền này?” hay “Liệu chúng ta có hết tiền không?” hầu như đã biến mất và những lời chỉ trích về thâm hụt cũng không còn tác dụng.

Sức ép lạm phát chưa từng có

Tuy nhiên, một số nhân vật có ảnh hưởng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về gói kích thích kinh tế của ông Biden. Một trong số họ là cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers - dưới thời Chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton, người đã cảnh báo rằng, gói kích thích lớn hơn khoảng ba lần so với cái được biện minh bởi “khoảng cách sản lượng” - tức là, khoảng cách giữa sản lượng hiện tại và sản lượng tiềm năng của nền kinh tế. Điều này có nghĩa là khi nền kinh tế đạt tới sản lượng tiềm năng và đang hoạt động hết công suất, việc chi tiêu bổ sung sẽ gây lạm phát.

Ông Lawrence Summers cảnh báo việc chi tiêu quá mức trong gói kích thích kinh tế của Chính quyền ông Biden “có thể gây ra sức ép lạm phát dưới hình thức mà chúng ta chưa từng chứng kiến trong một thế hệ, với những hậu quả lớn đối với giá trị đồng USD và sự ổn định tài chính”.

Bên cạnh đó, gói kích thích không nhằm mục tiêu vào đầu tư công hay thúc đẩy tăng trưởng bền vững, mà vào hỗ trợ thu nhập. Trong khi đó, người tiêu dùng đã tiết kiệm khoảng 1.500 tỷ mà họ không thể chi tiêu do dịch bệnh. Nếu họ ra ngoài và chi tiêu khoản tiền đó khi nền kinh tế mở cửa, sẽ xuất hiện rủi ro lạm phát. Theo ông Summers, bằng việc đổ nhiều tiền hơn vào túi người dân, gói kích thích kinh tế của ông Biden làm gia tăng những rủi ro đó.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, những lo sợ này đang bị thổi phồng quá mức. Họ nói rằng “sản lượng tiềm năng” chỉ mang tính lý thuyết và đã bị đánh giá thấp trong quá khứ. Trong khi đó các gói kích thích tài khóa lớn như dưới thời Chính quyền ông Trump, cũng như các đợt mở rộng tiền tệ trong nhiều năm, đã không dẫn đến lạm phát.

Ngoài ra, hiện kinh tế Mỹ cũng có những yếu tố chống chịu lạm phát như tỷ lệ thất nghiệp cao so với mức trước dịch bệnh và việc áp dụng công nghệ ngày càng tăng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chỉ ra rằng, ưu tiên hiện nay là giúp đỡ những lao động mất việc làm.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng hầu như không lo ngại về vấn đề lạm phát, thậm chí ngay khi có bằng chứng cho thấy một số hàng hóa đang tăng giá. Ông vẫn cho rằng, có sự khác biệt giữa việc tăng giá một lần và tình trạng lạm phát đang diễn ra.

Bên cạnh đó, khuôn khổ chính sách tiền tệ của Fed đặt mục tiêu tỷ lệ lạm phát trung bình 2% và cho phép tốc độ lạm phát nhanh hơn mức mục tiêu trong một khoảng thời gian nào đó, mặc dù mức độ nhanh hơn bao nhiêu và kéo dài trong bao lâu vẫn chưa được nêu rõ.

Thêm tác dụng phụ

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng các thị trường tài chính đã cho thấy có những dấu hiệu biến động. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng gần 70 điểm cơ bản lên 1,6% kể từ đầu năm nay, phần nào phản ánh lo ngại về lạm phát.

Nếu lợi tức tiếp tục tăng, giá trái phiếu lẫn cổ phiếu có thể giảm. Lãi suất thế chấp của Mỹ, thường đi cùng với lợi tức trái phiếu dài hạn, cũng có thể tăng, đe dọa sự bùng nổ về nhà ở của Mỹ.

Trong khi đó, lợi tức trái phiếu – chi phí vay mượn – cũng đang tăng lên ở châu Âu (bất chấp gói kích thích kinh tế nhỏ hơn nhiều) và ở một số nền kinh tế thị trường mới nổi. Sự gia tăng liên tục của lợi tức trái phiếu Mỹ có thể khiến dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi, buộc họ phải tăng lãi suất. Điều này sẽ gây phương hại cho sự phục hồi kinh tế của các nền kinh tế này đúng lúc họ đang phục hồi nhanh chóng sau những tác động của đại dịch.

Vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn khi sự phục hồi kinh tế của Mỹ đạt được tốc độ hợp lý và Fed quyết định giảm lượng mua trái phiếu – như họ đã làm năm 2013. Điều này sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn ở các nền kinh tế mới nổi. Quyết định của Fed nhằm tăng lãi suất sớm hơn dự kiến – như từng xảy ra trước đó – có thể có tác động thậm chí còn tồi tệ hơn nữa.

Vì vậy, gói kích thích kinh tế của ông Biden có thể có ảnh hưởng đến các khu vực khác của thế giới theo hai cách. Một mặt, đó sẽ là một may mắn. Bằng việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và sau đó là thu hút nhập khẩu. Điều này đặc biệt có lợi cho các nước láng giềng Canada và Mexico, cũng như các nền kinh tế theo hướng xuất khẩu của châu Á. Và đây có thể là kịch bản xảy ra ngay lập tức.

Tuy nhiên, nếu tỷ lệ lạm phát cao hơn lại trở thành một trong những tác dụng phụ của gói kích thích kinh tế đó, thì phần còn lại của thế giới có thể sẽ gặp khó khăn.