Kinh tế Toàn cầu và khu vực Đông Á Thái Bình Dương: Xu thế tăng trưởng và những  thách thức chính sách

Thông báo đầu năm từ Washinton, ngân hàng Thế giới (W.B) nhận định, trong bối cảnh nợ gia tăng và tăng trưởng năng suất chậm lại; nhờ đầu tư và thương mại khôi phục sau một năm ảm đạm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ gia tăng 2,5% trong năm 2020,  song rủi ro suy giảm vẫn còn dai dẳng. Tại những nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng có thể đạt 4,1% cùng thời gian, nhưng quá trình phục hồi lại diễn ra không đồng đều; Đông Á Thái Bình Dương đang đà suy giảm do nhu cầu giảm và những căng thẳng thương mại gia tăng trong quan hệ Mỹ - Trung. Dưới góc nhìn của Ngân hàng Thế giới, bài viết đề cập đến xu thế tăng trưởng toàn cầu và của khu vực ĐA-TBD trong thời gian tới.

 

Xu hướng tăng trưởngkinh tế toàn cầu và trong khu vực

Phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thế giới, báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu của W.B công bố đầu năm 2020, đã nhấn mạnh đến nợ nần ở những nền kinh tế đang phát triển; năng suất là nguồn tăng thu nhập và giảm nghèo; sử dụng phổ biến các biện pháp kiểm soát giá và kiềm chế lạm phát ở các nước thu nhập thấp.

Trong 50 nămgần đây, nợ nần đã tăng cao những nền kinh tế đang phát triển. Theo nhiều phân tích, có bốn làn sóng lớn và làn sóng gần đây nhất, bắt đầu từ năm 2010, được coi là  lớn, mạnh và đồng loạt nhất. Mặc dù lãi suất thấp làm giảm nhẹ một số rủi ro liên quan, song tăng nợ nần dẫn đến khủng hoảng tài chính lan rộng. Các phương án chính sách nhằm giảm khả năng và giảm nhẹ tác động khủng hoảng diễn ra đều tập trung vào xây dựng khung chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm đảm bảo khả năng chống chịu, tạo cơ chế giám sát , quản lý nhà nước chặt chẽ và tuân thủ các thông lệ về quản lý nợ minh bạch.

Tăng trưởng năng suất, được coi là nguồn tăng trưởng thu nhập và là động lực chính để giảm đói nghèo, theo chiều hướng ngày càng phổ biến hơn kể từ khủng hoảng tài chính vào nửa cuối thập niên 2010. Tại những nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, năng suất giảm do những yếu kém về đầu tư, giảm hiệu suất và phân bổ nguồn lực giữa các ngành bị chững lại. Đáng quan ngại là nhịp độ cải thiện nhiều động lực chính để tăng năng suất lao động (bao gồm cả giáo dục và thể chế ) đã chậm lại hoặc bị đình trệ.

Xu hướng tăng trưởngkinh tế toàn cầu và trong khu vực

Nhiều biện pháp kiểm soát giá áp dụng trong những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi mang lại kết quả không như kỳ vọng. Mặc dù được sử dụng làm công cụ chính sách xã hội, nhưng kiểm soát giá lại có thể dẫn đến suy giảm đầu tư và tăng trưởng, làm xấu đi kết quả giảm nghèo. Không ít quốc gia đã phát sinh gánh nặng tài khóa và làm phức tạp thêm tác động của chính sách tiền tệ. Theo các nhà phân tích, việc thay thế các biện pháp kiểm soát giá bằng hệ thống an sinh xã hội mở rộng và kết hợp với những cải cách nhằm khuyến khích cạnh tranh và tạo môi trường quản lý nhà nước lành mạnh, có thể mang lại tác dụng giảm nghèo đồng thời với thúc đẩy tăng trưởng.

Trong vòng ¼ thế kỷ qua, mức lạm phát trung bình ở các quốc gia thu nhập thấp đã từ 25% (năm 1994) giảm xuống còn 3% vào giữa năm 2019 . Mức giảm này có được là nhờ áp dụng cơ chế tỷ giá linh hoạt, nâng cao tính độc lập của ngân hàng trung ương, giảm nợ chính phủ và tạo môi trường bên ngoài an lành hơn. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng, để duy trì lạm phát thấp và ổn định trong điều kiện áp lực tài khóa gia tăng cùng với  rủi ro trước những cú sốc tỷ giá, các nhà hoạch định chính sách cần tăng cường chính sách tiền tệ và năng lực của ngân hàng trung ương, cùng với thay thế kiểm soát giá bằng các chính sách hiệu quả hơn.

Nhìn nhận về xu thế toàn cầu, trong báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Thế giới năm 2020, Ngân hàng Thế giới nhận định, do sản xuất chế tạo và chế biến tiếp tục chững lại, mức tăng trưởng của những nền kinh tế hiện đại trong năm sẽ giảm xuống còn 1,4%; tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi cao hơn, được dự báo tăng khoảng 4,1%. Tuy nhiên, quá trình phục hồi lại diễn ra không đồng đều, có khả năng cải thiện ở nhóm nhỏ những nền kinh tế lớn, nhờ sự hồi phục của một số nước sau giai đoạn suy yếu đáng kể. Do đầu tư và xuất khẩu có chiều hướng thấp hơn dự kiến, đà tăng trưởng có thể giảm ở 1/3 số nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi trong năm.

Những rủi ro suy giảm toàn cầu xuất hiện do căng thẳng thương mại tái leo thang, khiến tăng trưởng sẽ thấp hơn đáng kể. Cùng với bất định trong chính sách thương mại, suy giảm tăng trưởng sẽ diễn ra mạnh hơn ở những nền kinh tế lớn cùng với biến động tài chính tại nhiều nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Trung Quốc đang trải qua giai đoạn suy giảm nhu cầu trong nước, kết hợp cùng những trở ngại từ bên ngoài, bao gồm sức cầu yếu đi, bất định chính sách gia tăng do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Ngoài ra, căng thẳng thương mại Nhật- Hàn và những đột biến do dịch chuyển mạnh về tiêu chuẩn phát thải và công nghệ đang tạo sức ép cho công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại.

Nghiên cứu thực trạng kinh tế khu vực, giới phân tích cho rằng, tăng trưởng của Trung Quốc còn tiếp tục suy giảm do điều kiện tài chính bị thắt chặt đối với khu vực phi ngân hàng và những bất định chính sách thương mại gia tăng. Các cú sốc tiêu cực lên xuất khẩu và sản lượng do thách thức bên ngoài phần nào được xử lý bằng các biện pháp chính sách tài khóa, giảm giá đồng tiền, điều chỉnh giá cả, hồi hương một phần các hoạt động sản xuất và chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia khác. Tuy nhiên, ở phần đông các nước trong khu vực, nhất là những nước nhập khẩu thương phẩm thô vận hành ở mức ngang hoặc vượt năng lực của mình phải trải qua giai đoạn chững lại theo chu kỳ. Mặt khác, tăng trưởng xuất khẩu yếu hơn cũng góp phần vào làm suy giảm tăng trưởng, nhất là ở những nền kinh tế đã hội nhập sâu vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực

Triển vọng toàn cầu bị chi phối bởi rủi ro suy giảm. Những vấn đề nảy sinh do căng thẳng thương mại leo thang cùng với bất định về chính sách thương mại, khiến suy giảm sẽ mạnh hơn dự kiến ở các nền kinh tế lớn, cùng với biến động về tài chính ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Điều này cũng sẽ diễn ra ngay cả khi tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển được hồi phục theo dự kiến, nhưng tăng trưởng theo đầu người còn thấp hơn mức bình quân dài hạn và thấp hơn so với mức cần thiết để hoàn thành các mục tiêu xóa đói, giảm  nghèo.

Do tác động tiêu cực của động thái tăng thuế quan và tình trạng bất định gia tăng, tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ chững lại ở mức1,8% trong năm nay. Dưới ảnh hưởng của các hoạt động công nghiệp yếu đi, tăng trưởng ở khu vực đồng Euro theo dự báo sẽ trượt dốc, xuống mức thấp hơn 1% trong năm 2020. Tăng trưởng trong khu vực ĐA-TBD được dự báo sẽ chững lại ở mức tăng 5,7% trong cùng thời gian. Do tăng trưởng tạiTrung Quốc tiếp tục suy giảm với những khó khăn, bao gồm cả tác động kéo dài của căng thẳng thương mại trong nước và bên ngoài, tăng trưởng của khu vực (ngoại trừ Trung Quốc), được dự báo sẽ khôi phục ở mức tăng 4,9%.  Nhờ lạm phát duy trì được ở mức thấp và dòng vốn đầu tư mạnh đổ vào một số quốc gia như Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam…, nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn được đưa vào sử dụng, các nhà phân tích  cho rằng, tăng trưởng của khu vực sẽ được hưởng lợi nhờ giảm bất định chính sách thương mại toàn cầu; thương mại toàn cầu sẽ hồi phục nhẹ, cho dù mức độ chưa cao.

Trong xu thế chung, tăng trưởng khu vực ĐA-TBD sẽ được hưởng lợi nhờ giảm bất định về chính sách thương mại và sự hồi phục của thương mại toàn cầu. Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu có chiều suy giảm nhưng được bù đắp bởi sức cầu trong nước gia tăng trên cơ sở huy động tài chính thuận lợi, đầu tư được khôi phục, thị trường lao động ổn định và lạm phát thấp; mức tăng trưởng của Ma-lay-xia được dự báo tăng khoảng 4,5%. Tăng trưởng ở In-đô-nê-xia, ít phụ thuộc vào xuất khẩu hơn so với các nền kinh tế khác trong khu vực, được dự báo sẽ tăng lên 5,1%, do tiếp tục được trợ lực bởi tiêu dùng tư nhân, đầu tư tăng nhẹ, tăng dân số trong độ tuổi lao động và cải thiện ở thị trường lao động.

Về tổng thể, rủi ro tăng trưởng khu vực có triển vọng giảm bớt, nhưng vẫn nghiêng theo hướng tạo ảnh hưởng suy giảm. Rủi ro suy giảm có thể do thương mại toàn cầu giảm mạnh, căng thẳng thương mại tái leo thang, những nền kinh tế lớn suy giảm mạnh hơn dự kiến; dòng vốn đầu tư có thể đảo chiều do những thay đổi về điều kiện tài chính, cảm nhận của nhà đầu tư hoặc quan hệ địa chính trị.

Mặc dù nhiều nước lớn trong khu vực có năng suất lao động cao, mạng lưới người tiêu dùng lớn, nền kinh tế được đa dạng hóa, khung chính sách lành mạnh và dư địa chính sách dồi dào; song ĐA-TBD vẫn dễ bị tổn thương trước những rủi ro liên quan đến những thay đổi đột biến về tình hình tài chính toàn cầu. Phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia, trong viễn cảnh kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới đã dự báo mức tăng trưởng của các  nước khu vực Đông Á –Thái Bình Dương trong giai đoạn 2017-2022 theo bảng tông hợp dưới đây

Dự báo tăng trưởng của các quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương giai đoạn 2017-2022

Đơn vị %

Quốc gia

2017

2018

Ươc2019

DB 2020

DB2021

DB2022

Cam-pu-chia

7.0

7.5

7.0

6.8

6.8

6.8

Trung Quốc

6.8

6.6

6.1

5.9

5.8

5.7

Fi-ji

5.2

4.2

1.0

1.7

2.9

3.0

In-đô-nê-xia

5.1

5.2

5.0

5.1

5.2

5.2

CHDCND Lào

6.9

6.3

5.2

5.8

5.7

5.6

Ma-lay-xia

5.7

4.7

4.6

4.5

4.5

4.5

Mông Cổ

5.3

7.2

5.7

5.5

5.2

5.5

Miến Điện

6.8

6.5

6.6

6.7

6.8

6.8

Pa-puaNiuGhi-nê

3.5

-0.8

5.6

2.9

2.9

3.0

Phi-líp-pin

6.7

6.2

5.8

6.1

6.2

6.2

Quốc đảo Sô-lô-mông

3.0

3.5

2.9

2.8

2.8

2.7

Thái Lan

4.0

4.1

2.5

2.7

2.8

2..9

Đông Ti-mo

-3.5

-1.1

4.2

4.6

4.9

5.0

Việt Nam

6.8

7.1

6.8

6.5

6.5

6.4

Nguồn W.B 2020

Thay cho lời kết

Trong diễn biến của tình hình khu vực, Việt Nam là nước đạt được nhiều thành tựu từ công cuộc Đổi Mới cũng như cải cách thị trường. Đánh giá của W.B kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu ( nửa cuối thập niên 2010) đến nay cho thấy, nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng với nhịp độ năm sau cao hơn năm trươc. Sau năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm của Việt Nam đã vượt qua trung Quốc để nằm trong nhóm nước có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất toàn cầu.

Mặc dù có sự phát triển ấn tượng, song kinh tế việt Nam vẫn còn nhiều giới hạn do những hạn chế về cơ sở hạ tầng, nợ công và những chính sách ổn định vĩ mô. Trong bối cảnh Đông Á thái Bình Dương giảm đà tăng trưởng, căng thẳng thương mại và bất đinh toàn cầu gia tăng, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý kinh tế toàn cầu do mở cửa thương mại mạnh mẽ và dư địa chính sách hạn chế. Cho dù xuất khẩu duy trì tốt, nhưng Việt Nam cũng không thể tránh khỏi tác động căng thẳng toàn cầu leo thang.

Với tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP lên gần 200%, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ do độ bất định cao và khả năng các chuỗi giá trị toàn cầu bị gián đoạn, có thể trở thành đối tượng của các biện pháp thuế quan và bảo hộ thương mại.

Cho dù còn tiềm năng để duy trì thành công cho sự phát triển, song Việt Nam vẫn phải gánh chịu nhiều rủi ro, thách thức cả từ trong nước và phía bên ngoài, đòi hỏi phải có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt cơ hội trong tương lai.

Với tầm nhìn dài hạn và khát vọng vươn lên để trở thành nước thu nhập cao, giới nghiên cứu cho rằng, lĩnh vực cải cách quan trọng cần được quan tâm trong lộ trình phát triển đất nước đó là: Tìm cách giải quyết điểm yếu cơ bản trong mô hình tăng trưởng vốn quá phụ thuộc vào tích lũy các nhân tố với sự đóng góp hạn chế để tăng năng suất và những vấn đề liên quan đến thể chế thị trường. Mặt khác, cần ưu tiên phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nhằm giảm nhẹ rủi ro theo hướng cải thiện môi trường kinh doanh và huy động tài chính dài hạn.

Từ tầm nhìn toàn cầu,Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giớiCeylaPazarbasioglucho rằng“…Tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi dự kiến vẫn thấp, các nhà hoạch định chính sách cần nắm bắt cơ hội để cải cách cơ cấu nhằm đẩy mạnh tăng trưởng toàn diện,đó là vấn đề thiết yếu để giảm nghèo,” Theo đó,“Các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thượng tôn pháp luật, quản lý nợ, nâng cao năng suất có thể giúp đảm bảo tăng trưởng bền vững.”

Hy vọng vấn đề đặt ta trong báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu năm 2020 của Ngân hàng Thế giới sẽ là những nội dung tham khảo có ích đối với các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách nước nhà./.