Kỷ niệm 30 năm thành lập Trường THPT Cao Bá Quát, Quốc Oai: Nhớ về tuổi học trò

Gần đến ngày kỷ niệm 30 năm (1990 - 2020) xây dựng và trưởng thành của Trường THPT Cao Bá Quát, Quốc Oai (ngôi trường cấp 3 anh từng gắn bó), trong anh lại sống lại bao suy tư sâu kín về mái trường quê hương gắn với tuổi thơ của mình.

Anh sinh ra trong một gia đình thuần nông ở ngoại thành Hà Nội. Gia đình có 4 anh chị em thì ba người phải nghỉ học trước anh khi họ mới học hết cấp 2 để phụ giúp bố mẹ vì cuộc sống mưu sinh. Học hết cấp 2, gia đình cũng đã tính cho anh nghỉ học như các anh chị em của mình.

Gần đến ngày nộp hồ sơ thi vào Trường THPT Cao Bá Quát vào mùa hè năm 1996, anh thủ thỉ tâm sự với ông nội của mình: "Ông cho cháu theo học hết cấp 3 cùng mấy đứa bạn trong xóm, cháu cam kết vẫn làm bằng công việc như các anh chị ở nhà. Sáng cháu đi học, chiều về làm bù đến tận khuya. Cháu sẽ không ăn chơi đua đòi hay mua sách vở tốn kém đâu...".

Anh chưa nói hết lời thì ông nội quát to: "Nhà này chưa có mả phát quan. Biết đọc biết viết tập trung lao động như các anh các chị trong gia đình cho công bằng. Cháu học dốt nhất trong mấy đứa, chân tay thì rùi đục, viết chữ thì xấu, nói năng thì vụng về...Có học cũng chẳng để làm gì đâu...".

Ký ức về tuổi thơ luôn sâu lắng trong anh

Bị ông nội nạt cho một trận, gần như dập tắt hoàn toàn ý tưởng đi học tiếp trong anh. Trong khi những bạn bè cùng xóm đi học thêm lớp tạo nguồn để củng cố kiến thức thi vào cấp 3 thì anh đi học dệt quần áo len gia công ở một nhà bà cô họ. Sau hai ngày, anh đã làm được những công đoạn tỉ mỉ nhất của nghề này như sửa máy dệt, vá quần lỗi. Từ ngày thứ 3 trở đi, anh đã dệt được 68 - 70 chiếc quần mỗi ngày. Cá biệt có ngày anh đứng máy liền 17 giờ đồng hồ và dệt được 128 chiếc quần.

Trong những đêm thanh vắng, tiếng máy dệt cọc cạch suốt đêm, anh mải miết làm cho đến khi nào buồn ngủ quá thì tranh thủ chợp mắt nằm ngay dưới chân máy, không chăn không chiếu, muỗi đốt cũng không hay biết. Ngày qua ngày anh cũng đã quên việc đòi đi học cấp 3 mà say sưa làm lụng, không một chút phàn nàn hay so bì với chúng bạn.

Rồi một bữa cơm tối, ông nội nói với cả nhà: "Hay cho thằng Hai Trâu (biệt danh của anh ở nhà) đi học cấp 3 nếu nó vẫn đảm bảo công việc như mọi người...".

Biết tính ông nội thường hay dò thử mọi người trong nhà như vậy mỗi khi có phương án riêng đã được ông chuẩn bị từ trước, nên trong nhà chẳng ai dám có ý kiến đồng ý hay phản đối gì hết. Anh nhanh nhảu đáp luôn: "Thôi cháu nghỉ học ở nhà dệt phụ giúp gia đình ạ. Đúng học cũng chẳng để làm gì. Mỗi ngày cháu dệt trung bình cũng được 100 chiếc quần len, giá kém thì cũng phải được 1,5 triệu đồng một ngày. Tính ra bằng cả tấn thóc đấy chứ...".

Ngồi bên cạnh, mẹ anh đặt bát cơm xuống và chậm rãi nói: "Nếu cháu nó vẫn làm được công việc ngoài giờ học đảm bảo như các anh chị ở nhà, con mong thầy cho cháu học thêm một thời gian cùng bạn bè trong xóm thử xem sao...Hôm qua, con đi chợ gặp mấy người cũng động viên cho cháu đi học tiếp để bằng bạn bằng bè. Ngày trước mấy anh chị nó nghỉ cũng một phần khi đó chưa có phong trào đi học cấp 3 như bây giờ. Con chỉ có ý kiến vậy thôi, còn mọi việc do thầy quyết định ạ...".

Sau bữa cơm tối hôm đó, anh được cả nhà đồng ý cho đi học tiếp cấp 3 tại Trường THPT Cao Bá Quát quê nhà. Từ đó, anh luôn tự nhủ, ở trường sẽ học tập hết mình để không thua bạn bè, về nhà thì chịu khó làm lụng để phụ giúp gia đình bớt khó khăn.

Rồi ba năm học ở trường Cao cũng thấm thoắt trôi qua, nhưng anh không để lại nhiều ấn tượng về thành tích học tập hay hoạt động phong trào. Khác với lần trước, lần này không để gia đình phải bàn tán, anh chủ động quyết định không đi học tiếp sẽ ở nhà phụ giúp gia đình và chờ đợi việc đi nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên, anh vẫn muốn nộp hồ sơ để thử sức với kỳ thi vào Đại học năm 1999. Cũng vì thế với anh kỳ thi này không có bất kỳ áp lực nào hay lo lắng gì về kết quả. Trước ngày thi, anh vẫn bình thản đi cày ruộng ngoài đồng như không có việc thi cử. Kết thúc kỳ thi anh cũng không háo hức chờ đợi kết quả như bạn bè cùng lớp.

Một buổi chiều đi làm đồng về muộn, khi đi ngang qua phiên chợ quê nghe người dân xôn xao bàn tán anh mới biết mình trúng tuyển vào trường Sư phạm Hà Tây và Học viện Ngân hàng. Nhưng kết quả đó, cũng chỉ kịp làm cho anh và gia đình vui vẻn vẹn hết buổi tối hôm đó. Từ hôm sau, không ai bàn đến việc đó nữa không chỉ vì tiền học phí mà còn lo sau khi ra trường không xin được việc.

Sợ con trai buồn, gần đến ngày nhập học, mẹ anh động viên: "Thú thực mẹ và gia đình không nói ra thôi, nhưng rất vui về kết quả thi đậu của con. Nhưng thực tế gia cảnh nhà mình con biết, mẹ ốm quanh năm, bố thì mới bị tai nạn, ông nội đã cao tuổi, anh trai con rồi cũng phải xây dựng gia đình riêng. Vậy nên, hãy cất giấy nhập học làm kỷ niệm và đừng suy nghĩ gì. Nếu đưa ra bàn thì mọi người sẽ rất khó xử. Mẹ biết, anh con thì muốn con đi học tiếp. Suy cho cùng mọi người sinh ra đều đã có số phận an bài rồi...!". 

Anh và cô giáo chủ nhiệm lưu niệm tại trường sau 21 năm ra trường

Nghe được thông tin vậy, cô giáo chủ nhiệm lớp 12 của anh đã vào tận nhà gặp ông nội anh để phân tích, nếu cho anh học Trường Sư phạm Hà Tây thì không phải lo học phí hàng tháng. Nếu cho anh học Học Viện Ngân Hàng thì mất học phí nhưng có thể kiếm được tiền từ việc đi gia sư ở Thành phố. Còn về chỗ ở tạm thời có thể qua nhà cô ở giai đoạn đầu. Sau đó, gia đình đã bàn bạc và đi đến thống nhất cho anh học Học Viện Ngân Hàng.

Cứ thế, anh học xong Đại học, Thạc sỹ rồi làm Nghiên cứu sinh, đến việc lựa chọn Nghề báo, việc được giúp việc nhiều vị lão thành tiền bối cách mạng, nhà báo, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhân sĩ trí thức lớn trong thời đại Hồ Chí Minh cũng rất tình cờ như vậy.

Nhìn lại chặng đường gần một phần tư thế kỷ với đủ vị cay, đắng, ngọt, bùi, dẫu chưa thành công, thành danh nhưng chưa lúc nào anh ngơi tự hào về những năm tháng học tập và trưởng thành dưới mái trường cấp 3 mang tên danh sĩ Bắc Hà - Cao Bá Quát ở Phủ Quốc quê nhà./.