Lào Cai: Dạy chữ ở Nhìu Cồ San

Lưng chừng núi Nhìu Cồ San - nơi quanh năm mây phủ - có những giáo viên đang âm thầm hy sinh tuổi xuân, chấp nhận xa người thân, gia đình để đem con chữ đến với mảnh đất vùng cao còn nhiều khó khăn

Cô Hoàng Thị Hồng mang “con chữ” đến cho trẻ vùng cao

Từ trung tâm xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát) phải mất hơn một giờ đánh vật với con đường đầy bùn lầy, sỏi đá và dốc cao, chúng tôi mới tới được điểm Trường Tiểu học và điểm Trường Mầm non Nhìu Cồ San. Ngôi trường nhỏ với mái tôn màu xanh lá hòa vào màu xanh của sườn núi. Trong cái rét ngọt của buổi cuối thu, học sinh hồ hởi tới lớp với nụ cười thật tươi. Bọn trẻ vùng cao vốn hiền lành nhưng lại nhút nhát, nhiều điểm trường vùng cao nơi chúng tôi đến trước đây, cứ thấy khách là chúng trốn biệt, ở Nhìu Cồ San thay vì ánh nhìn len lén, bọn trẻ chào chúng tôi bằng tiếng đồng thanh vang cả sân trường.

Trong lớp ghép tiểu học gồm 2 lứa tuổi lớp 1 và lớp 2, cô giáo trẻ Hoàng Thị Hồng cho học sinh ngồi quay lưng lại với nhau rồi cùng lúc dạy 2 chương trình, chạy đi chạy lại như con thoi. Bên này làm bài tập toán, bên kia tập đánh vần, lớp này tập viết, bên kia học đặt câu… Bọn trẻ dường như cũng biết cô giáo của chúng vất vả nên tự giác học bài, ngoài tiếng giảng bài và tiếng đánh vần ê a, chẳng mấy khi có tiềng ồn trong lớp. Cô Hồng bảo, trẻ nhỏ vùng cao chăm ngoan lắm, dù không có điều kiện tốt như học sinh thành thị nhưng em nào cũng ham học, điều đó cũng giúp cô có thêm động lực để đứng trên bục giảng.

Điểm Trường Mầm non vừa được xây mới 2 phòng học và được đưa vào sử dụng từ đầu năm học này. Dãy nhà học cũ bằng gỗ giờ trở thành nhà công vụ giáo viên. Trông vững chãi là thế nhưng mỗi khi gió từ thung lũng ù ù thổi là mái tôn lại rung lên bần bật. Phụ trách nơi đây là hai cô giáo trẻ Nguyễn Thị Kiều Linh và Hoàng Thị Tâm. Cô Linh sinh năm 1998, nhà ở thành phố Lào Cai vừa mới nhận công tác ở Nhìu Cồ San từ đầu năm học mới. Linh kể, ngày còn học sư phạm, nghe mọi người nói đến Bạch Mộc Lương Tử, Nhìu Cồ San, thác Ong Chúa… em háo hức muốn lên một lần, rồi có người bạn bông đùa ít nữa xin lên đó công tác tha hồ đi chơi. Chẳng ngờ mình lên đây nhận công tác thật, cảnh đẹp lắm nhưng chưa có thời gian khám phá, bởi cả ngày chăm lo cho trẻ, đến khi phụ huynh đón trẻ về thì trời đã sẩm tối. Chuẩn bị sẵn tinh thần là lên vùng cao dạy học sẽ vất vả nên với Linh, mọi thứ thật nhẹ nhàng. Linh bảo, em còn trẻ nên đi chỗ khó khăn nhất là đương nhiên, em được biết nhiều bạn trẻ như em ở các điểm trường trong huyện, trong tỉnh còn khó khăn hơn. Cô giáo Tâm quê ở Văn Bàn, trước đây dạy tại một trường tư thục ở thành phố và năm học này, lần đầu tiên cô đặt chân lên dạy ở Nhìu Cồ San. Cung đường khó khiến cô giáo trẻ nhiều lần ngã xe dúi dụi nhưng chẳng gì ngăn được bước chân cô đến với học sinh nơi đây.

Ngoài nhiệm vụ lên lớp, các cô còn kiêm luôn việc nấu ăn cho học sinh, mỗi tuần 1 lần, hai cô giáo phải vật lộn với chặng đường từ Nhìu Cồ San qua Sin Cơ đến Khu Chu Phìn rồi ra điểm trường chính nhận thực phẩm cho học sinh. Để tạo niềm vui cho học sinh, ngoài giờ lên lớp, các cô tận dụng vật liệu sẵn có làm đồ chơi cho trẻ. Nhìn những chiếc đèn lồng, con côn trùng, những đồ chơi mô phỏng dụng cụ lao động do các cô tự tay tỉ mẩn gọt đẽo, cho chúng tôi cảm nhận được lòng mến trẻ của các cô.

day chu1

Thôn Nhìu Cồ San còn nhiều khó khăn

Ở Nhìu Cồ San mùa lúa chín hay mùa mây đều đẹp, chẳng thế mà nơi đây đã nổi tiếng khắp các diễn đàn mạng như là một thiên đường lý tưởng cho người yêu du lịch “bụi” khám phá. Các cô giáo cắm bản cũng tự hào khi nhắc đến nơi mình công tác thì ai cũng biết.

Cô Tâm khoe với chúng tôi những bức ảnh chụp triền ruộng bậc thang vàng óng và cầu vồng phía thác Ong những ngày nắng đẹp nhưng cũng thú thật mình toàn ngắm từ sân trường thôi, chứ chẳng có thời gian đi chơi vì hết giờ lên lớp, tranh thủ xuống thôn, thăm nhà học sinh trao đổi tình hình học tập các em với bố mẹ chúng khi trở về là tối mịt. Cô Tâm bảo, ở đây một thời gian nữa nhất định em sẽ sắp xếp thời gian đi thăm những điểm ấy, cũng là để biết và thêm yêu mảnh đất này hơn.

Điểm Trường Tiểu học và điểm Trường Mầm non Nhìu Cồ San là 2 điểm trường xa và khó khăn nhất Sảng Ma Sáo. Không chỉ đi lại vất vả, nơi đây còn chưa có điện lưới quốc gia. Vì thế buổi tối ở Nhìu Cồ San cũng đến sớm hơn, bóng tối bao trùm núi rừng, thỉnh thoảng đâu đó mới lấp ló một mái nhà, mà cũng chỉ nhận ra được ở đó có nhà bởi ánh sáng le lói từ những chiếc bếp củi hoặc bóng điện lờ mờ sáng được phát từ tua bin nước. Cô Hồng bảo, buổi tối ở đây buồn lắm nên nhiều lúc dạy học mà chỉ mong ngày kéo dài mãi để nghe tiếng cười đùa của lũ trẻ. Buổi tối đến cũng là lúc những nỗi buồn thoáng đến với các cô.

Cô Hồng quê ở Bảo Yên, ngày nhận công tác ở vùng cao Sảng Ma Sáo cũng là ngày cô phải tạm xa chồng, con. Tháng nào trời không mưa thì còn về thăm nhà được, chứ trời mưa đường trơn thì đành chịu. Hồng bảo, con em còn nhỏ, khi sinh ra không được khỏe mạnh nên thỉ thoảng gia đình lại phải gác công việc đưa cháu đi thăm khám. “Bọn trẻ nơi đây làm em cuốn vào công việc mà quên đi nỗi nhớ nhà nhưng đôi khi nhìn ánh mắt của chúng em lại nhớ con”. Nói đến đây đôi mắt cô chớm lệ. Còn cô Linh dù không nói ra nhưng chúng tôi hiểu đang giữa thành phố sôi động lên công tác ở nơi đỉnh trời này hẳn cũng có chút buồn bởi phải tạm xa những sở thích của tuổi trẻ.

Cuộc sống của người dân Nhìu Cồ San vẫn còn nhiều gian khó nhưng bao đời nay họ vẫn luôn kiên gan vượt lên thiên nhiên khắc nghiệt để bám trụ xây dựng mảnh đất này. Và hôm nay, khi tiếng đánh vần, đọc bài ê a từ ngôi trường vang lên vọng khắp cả núi đồi, họ tin rằng cuộc sống tươi mới đang đến. Trưởng thôn Nhìu Cồ San - Lý A Chứ bảo, trước đây bà con không biết chữ, phải chịu thiệt thòi nhiều lắm, nên bây giờ ai cũng quan tâm chăm lo cho con cái học hành. Các cô giáo lên cắm bản có khó khăn gì là bà con giúp đỡ ngay. Những cô giáo trẻ dù mới nhận công tác nhưng sau thời gian bám bản như thấy mình cần phải ở lại đây, phải có trách nhiệm hơn đối với các em học sinh, bởi lũ trẻ còn nhiều thiếu thốn, chúng cần được yêu thương và chăm sóc nhiều hơn. Cô Hồng bảo, trẻ nhỏ vùng cao ngoan và tự lập sớm lắm, mới lần đầu tiếp xúc em đã thấy thương vô cùng, vì vậy em sẽ cố gắng, quyết tâm mang đến điều gì đó để góp phần thay đổi tương lai cho các em.

Nguồn: baolaocai.vn