Lập Trung tâm điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID 19

(Chinhphu.vn) – Ngày 5/3, tại Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, Tiểu ban Điều trị-Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 đã ra mắt Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19.

Ảnh: VGP/Thúy Hà

Tại Lễ ra mắt, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự phối hợp đồng bộ của các Bộ ngành, địa phương, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam ghi nhận 16 ca mắc nhưng tất cả các ca đều đã được chữa khỏi. Sau 28 ngày không ghi nhận thêm bệnh nhân mắc mới, chúng ta có thể công bố hết dịch.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, trước bối cảnh tình hình dịch đang gia tăng tại các quốc gia trên thế giới, số tử vong cũng đang tăng lên hàng ngày, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 sẽ tiếp tục phải ứng phó với dịch quyết liệt hơn, toàn diện hơn, tổng thể hơn.

Trong đó, Ban chỉ đạo cũng đã đưa ra phương án trong tình huống xấu, đó là xuất hiện nhiều bệnh nhân nặng thì sẽ ứng phó như thế nào. Từ yêu cầu đó, Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 ra đời với sự kỳ vọng và quyết tâm đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình huống xấu – ghi nhận nhiều ca bệnh.

Cụ thể, Trung tâm sẽ hỗ trợ về chuyên môn, đặc biệt là hồi sức cấp cứu. Hiện nay, đã có 22 bệnh viện chủ chốt giao ban phòng chống dịch thông qua Trung tâm này. Tại đây, các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành có thể trực tiếp nhìn thấy bệnh nhân, nắm rõ được diễn biến ca bệnh và sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là diễn biến về hô hấp, tim mạch và các vấn đề khác để hỗ trợ và chỉ định kịp thời cho các cơ sở y tế khi số lượng bác sĩ hồi sức không đủ nếu dịch bệnh gia tăng.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê giới thiệu bộ tư liệu Bộ tài liệu phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Một vấn đề nữa là bài học nhìn từ Trung Quốc – ghi nhận hơn 3.000 bác sĩ bị lây nhiễm chéo COVID-19, vì thời gian người chăm sóc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh càng nhiều thì tỷ lệ lây bệnh càng cao. Do đó, Trung tâm này ra đời cũng giải quyết được việc giúp các nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh.

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội hồi sức, cấp cứu, với hệ thống này, sau khi kết thúc dịch COVID-19, chúng ta vẫn có thể sử dụng như trong các tình huống khẩn cấp (như cấp cứu thảm họa, tai nạn) và hàng ngày (như các bác sĩ có thể trao đổi kinh nghiệm điều trị trực tuyến...).

“Với chi phí thấp, hiệu quả cao, phù hợp nhu cầu tại chỗ, tôi tin rằng, hy vọng hệ thống sẽ tồn tại lâu dài và sẽ là phần tất yếu trong các vấn đề giải quyết thảm họa, tai nạn không may xảy ra”, GS.TS Nguyễn Gia Bình chia sẻ.

Cũng trong dịp này, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã công bố bộ tài liệu phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19 bao gồm: Sổ thông tin y tế đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch COVID-19; hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh COVID-19; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh COVID-19. Đây là những tài liệu quan trọng giúp các cơ sở khám, chữa bệnh và nhân viên y tế toàn hệ thống phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh COVID-19 và phòng ngừa nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, bộ tài liệu này có sự tham gia của đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành các chuyên khoa Truyền nhiễm, Hồi sức tích cực, Nhi khoa, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Cận lâm sàng… nhằm xây dựng một hệ thống tài liệu chuyên môn và trực tiếp hỗ trợ tuyến dưới.

Với 4 phương châm "4 tại chỗ" là “cách ly tại chỗ”, “điều trị tại chỗ”, “nguồn lực tại chỗ” và “chỉ huy tại chỗ” cùng với việc kết nối giữa chuyên gia, bệnh viện tuyến cuối với các bệnh viện tuyến dưới giúp chuyển tải nhanh chóng các chỉ đạo điều hành, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn tới những bác sỹ ở tuyến đầu đang trực tiếp điều trị người bệnh. Việc áp dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong tư vấn điều trị từ xa giúp nâng cao năng lực xử lý dịch bệnh của hệ thống khám, chữa bệnh, kịp thời đối phó với các cấp độ kịch bản bệnh dịch.

Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID– 19 có chức năng quản lý và điều hành các nguồn lực, hoạt động chuyên môn nhằm hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh trong thu dung, cách ly chẩn đoán và điều trị người bệnh COVID-19 trực tiếp hoặc trực tuyến từ xa thông qua công nghệ thông tin và viễn thông; tổ chức đào tạo, tập huấn tại chỗ hoặc từ xa nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn nâng cao năng lực cho các cán bộ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh liên quan về chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19…

Thúy Hà