Một số giải pháp khôi phục thị trường hoa lan phát triển sôi động trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội

Sáng ngày 10/5, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn một số giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ hoa lan hàng hóa sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đi đối với việc tiếp tục phòng chống COVID19 hiệu quả.

Đến dự Hội nghị có PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; đại diện Viện Nghiên cứu Hợp tác KHKT Châu Á Thái Bình Dương, Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội và đại diện giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn, người sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ hoa lan của Hà Nội và nhiều tỉnh thành về dự.

PGS. TS Đào Thế Anh (đứng giữa) cùng một số đại biểu chiêm ngưỡng hoa lan đột biến đang được bảo tồn

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, nghề nuôi trồng hoa lan ở Việt Nam đã trải qua một quá trình quá phát triển tự lâu đời và đi ăn vào tiềm thức của nhân dân là một thú chơi nhân văn tao nhã gắn với câu thành ngữ "Vua chơi Lan. Quan chơi trà". Những năm gần đây, ngành sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh nói chung, phân ngành hoa lan nói riêng đã có bước phát triển mới với tư cách một ngành hàng trong cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nước ta. Cụ thể tại Nghị định số 52/2018/NĐ - CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ đã công nhận ngành sản xuất kinh doanh Sinh Vật Cảnh là một trong 7 nhóm ngành phát triển Nông thôn.

Việt Nam được biết tới là cái nôi của nhiều loại hoa lan bản địa quý hiếm

Việt Nam được biết đến là một trong những nước đa dạng sinh học hàng đầu trên thế giới và được biết đến là cái nôi của nhiều loài hoa lan quý hiếm. Theo một số tài liệu khoa học đã công bố thì Việt Nam có khoảng 137-140 chi gồm trên 800 loài lan được phân bố đều trên các vùng miền.

Ngày nay, cùng với các loài lan bản địa thì hàng trăm giống lan nước ngoài đã được nhập nội, thuần dưỡng và nôi trồng quy mô công nghiệp. Ở nhiều địa phương, hoa lan đã trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh xác định là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, tăng giá trị và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2018 diện tích hoa lan trên địa bàn thành phố đạt 375 ha (tăng 21% so với năm 2015).

Tương tự kết quả rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, diện tích sản xuất hoa trên địa bàn thành phố là hơn 5.470ha. Cơ cấu giống hoa: Hoa hồng chiếm 33,33%; hoa cúc chiếm 17%; hoa đào chiếm 8,15%. Đặc biệt, diện tích trồng hoa lan, lily tăng nhanh, chiếm 5,14% diện tích. Hà Nội cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hoa lan thương phẩm. Trên địa bàn Thủ đô đã hình thành nhiều mô hình trồng hoa lan công nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp tại huyện Đan Phượng với quy mô trên 3 ha; Mô hình trồng hoa lan công nghiệp của Viện Nghiên cứu Rau quả tại Gia Lâm; Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ tiến tới công nhận làng nghề truyền thống trông hoa lan đầu tiên ở xã Đông La, Hoài Đức và phối hợp với các cơ quan có liên quan xem xét công nhận sản phẩm hoa lan là sản phẩm OCOP đặc thù của Thủ đô...

Đại biểu dự Hội nghị lưu niệm

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ sự phát triển của phân ngành hoa lan hiện nay còn mang tính tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng, sự đa dạng sinh học của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng hoa lan Việt Nam hàng năm đạt khoảng 4 triệu USD, chủ yếu sang các thị trường Nhật Bản (72,5%) và Mỹ (11,3%). Nếu so với thị phần của các quốc gia khác, thì mặt hàng hoa lan xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỉ trọng rất nhỏ.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Đào Thế Anh, Phó chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã nhấn mạnh một số giải pháp thúc đẩy ngành hoa lan trong thời gian tới như: Xây dựng thương hiệu hoa lan Việt Nam; Tăng cường quảng bá xúc tiến thương mại chuyên sâu về ngành hoa lan; Thúc đẩy liên kết giữa "5 Nhà" (Nhà nước - Nhà Khoa học - Nhà Nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà truyền thông) trong nỗ lực phát triển phân ngành hoa lan với tư cách một phân ngành kinh tế Nông nghiệp; Xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển chuyên ngành hoa lan...

PGS. TS Đào Thế Anh, Phó chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn phát biểu tại Hội nghị

"Vừa qua, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã trình Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan hữu quan cho phép thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam. Theo đó, Trung tâm cho các chức năng như: Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa lan, vật tư, giá thể, thuốc trừ sâu, phân bón phục vụ ngành lan; Nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ, chọn tạo và phát triển các nguồn gen hoa lan quý hiếm của Việt Nam và tuyển chọn nhập nội, di thực những dòng lan quý hiếm của các nước trên thế giới; Nghiên cứu tác động của các chính sách đến các chuyên ngành Sinh Vật Cảnh; Nghiên cứu thị trường và cải tiến tổ chức quản lý ngành hàng hoa lan...Đồng thời, Trung tâm cũng cung ứng các dịch vụ: Điều tra, khảo sát, giám định tên khoa học, nguồn gốc xuất sứ các loại hoa lan; Xây dựng các quy trình kỹ thuật, mô hình trình diễn, thuần dưỡng, chăm sóc các loại hoa lan; Tư vấn, chuyển giao công nghệ và đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu trên", PGS. TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.

Ra mắt BCH lâm thời CLB Hoa lan đột biến Thủ đô

Thay mặt, các nghệ nhân tham dự Hội nghị, Nghệ nhân Nguyễn Huy Tấn, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thúc đẩy ngành hoa lan phát triển nhanh mạnh và bền vững.

Một là, các nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn, người sản xuất, kinh doanh làm dịch vụ và các CLB chuyên ngành hoa lan trong cả nước cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, chủ động giao lưu hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp cách làm hay, mô hình tốt để cũng hỗ trợ nhau làm tốt các công tác chuyên môn.

Hai là, đề nghị Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Sinh Vật Cảnh TP. Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam với vai trò của mình sẽ hỗ trợ người sản xuất hoa lan kết nối thị trường, xúc tiến thương mại và có kiến nghị một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành lan với các cơ quan chức năng để tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

Ba là, thành lập các CLB, HTX hoạt động chuyên sâu về ngành hoa lan như: HTX sản xuất kinh doanh lan công nghiệp; CLB Nuôi trồng bảo tồn hoa lan đột biến..

Bốn là, tăng cường hoạt động truyền thông quảng bá chuyên ngành hoa lan. Cũng như tạo các diễn đàn chia sẻ rộng rãi kiến thức, kinh nghiệm và thông tin về sản phẩm, dịch vụ phục vụ ngành hoa lan.

Năm là, tăng cường các hoạt động giao lưu, hội thảo, hội thi trao đổi kinh nghiệm để kịp thời nắm bắt xu hướng thị trường, điều chỉnh hoạt động sản xuất nuôi trồng phù hợp.

Một số thành viên Hội đồng khoa học giám định tên cây

Một số hoạt động giao lưu chia sẻ tại Hội nghị

Cũng nhân dịp này, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam đã tổ chức một số hoạt động như: Ra mắt Trang thông tin điện tử Việt Nam Hương Sắc - https://vietnamhuongsac.vn/; Ra mắt Hội đồng Khoa học giám định tên cây do GS. TSKH Trần Duy Quý làm chủ tịch; Ra mắt BCH Lâm thời CLB Hoa lan đột biến Thủ đô do Nghệ nhân Nguyễn Huy Tấn làm Chủ nhiệm và tổ chức giao dịch một số tác phẩm hoa lan với giá trị gần 1 tỷ đồng.