NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG CỦA VIỆT NAM TRONG CẢI CÁCH VÀ HỘI NHẬP.

Huy Hoàng

Năng suất lao động là khái niệm then chốt của tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Đó là hiệu quả đo lường giữa nỗ lưc bỏ ra và nguyên vật liệu được sử dụng so với kết quả tạo ra trong sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ. Nền kinh tế có năng suất cao khi tạo được trị lớn với đầu vào nhỏ; ngược lại, năng suất đạt thấp, nếu tiêu tốn nhiều sức lực và nguyên liệu đầu vào mà chỉ tạo được ít giá trị.

Sau nhiều thập niên nỗ lực nâng cao năng suất, khung hoạch định và thực thi chính sách năng suất của Việt Nam đã được định hình, các tổ chức liên quan tích lũy được kinh nghiệm, tạo nền tảng để triển khai chính sách năng suất mới trong tương lai. Tuy nhiên, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại nhiều; mới chỉ tập trung vào khu vực doanh nghiệp, trong khi vấn đề lại liên quan đến cả việc làm của chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo và từng hộ gia đình. Có lẽ do những hạn chế và tồn tại, năm 2015 tổ chức Lao động thế giới (ILO) đã xếp hạng Việt Nam vào mức thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn nhiều nước ở Đông Nam Á.

Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đã quan tâm nghiêm túc đến vấn đề năng suất, nhưng nhiều chính sách chưa hiệu quả và đã bộc lộ những điểm yếu nghiêm trọng. Phong trào năng suất ở Viêt Nam đến nay đang còn nhỏ, phân tán, chưa làm thay đổi được tư duy quốc gia. Từ nhiều góc độ, chuyên gia năng suất quốc tế và ở trong nước,đã phối hợp cùng các nhà khoa học ở Đại học Auoocs Gia Hà Nội tiến hành những nghiên cứu về năng suất lao động trong giai đoạn từ 1990 đến 2020.

Description: Khu vực <a href=kinh tế ngoài nhà nước có năng suất lao động thấp nhất" height=447 src=/uploads/images/2-2.jpg width=770 />

  1. Thực trạng năng suất lao động ở Việt Nam

Trong thực tiễn, NSLĐ được đo bằng tổng giá trị sản phẩm trong nước (GDP thực) trên một lao động hoăc 1 giờ làm việc. Để đánh giá NSLĐ, các nhà phân tích đã vận dụng phương pháp phân rã, bao gồm hạch toán tăng trưởng và phân tích chuyển dịch cơ cấu. Theo đó, hạch toán tăng trưởng NSLĐ được phân thành tăng vốn và tăng trưởng TFP, còn phân tích dịch chuyển cơ cấu lại được chia thành 3 thành phần, đó là hiêu ứng nội ngành, hiệu ứng dịch chuyển và hiệu ứng tương tác.

1.1.NSLĐ trong giai đoạn 1990-2020

Những nỗ lực của Việt Nam trong nửa đầu thập niên 1990 đã tạo sự gia tăng đáng kể về NSLĐ, đạt mức tăng trưởng 7,13% trong năm 1995. Những chính sách nhằm thiết lập nền kinh tế thị trường nhiều thành phần trong thời gian này đã thúc đẩy sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và thu hút được nguồn vốn đầu trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, tăng trưởng NSLĐ đã bắt đầu chậm lại vào cuối thập niên 1990. Từ năm 2000 đến 2012, NSLĐ chỉ tăng trung bình 3%-4%,năm, thậm chí trong khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009) đã giảm xuông chỉ còn 2,6%. Đáng lưu ý là hàng loạt chính sách được vận dụng chỉ ảnh hưởng tích cực đối với việc làm và gia tăng số lượng doanh nghiệp, nhưng chưa tạo ra đươc kết quả rõ ràng về năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh kinh tế.

Nền kinh tế hồi phuc trở lại từ năm 2013 với đóng góp gia tăng của NSLĐ. Tăng số lượng hiệp định thương mại tự do (FTA), cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung  có tác động mạnh với Việt Nam và đặc biệt, chương trình năng suất quốc gia (CT 712) với mục tiêu nâng cao mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng chung, triển khai từ năm 2010 đã mang lại những ảnh hưởng tích cực để nâng cao NSLĐ.

1.2, NSLĐ trong các lĩnh vực kinh tế

Giai đoạn 1990-2020, NSLĐ trong nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ đều được cải thiện; ngành nông nghiệp có NSLĐ thấp nhất về giá trị; công nghiệp-xây dựng bao gồm cả hoạt động khai khoáng, chế biến, chế tạo có NSLĐ cao nhất. Vào năm 2019, NSLĐ bình quân của khu vực công nghiệp-xây dựng cao gấp 1,1 lần ngành dịch vụ và gấp 3,49 lần so với nông nghiệp. Tuy nhiên, NSLĐ của các ngành diễn ra không suôn sẻ.

Từ năm 2000, NSLĐ có chiều hướng chững lại trong khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Khu vực nông nghiệp có NSLĐ thấp nhất, nhưng lại có mức tăng trưởng cao nhất và tăng đều theo thời gian. Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực chủ yếu, giữ vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp nhưng NSLĐ lại biến động thất thường, gần như không tăng kể từ năm 2001.Tính bình quân cả thời kỳ 1990-2020 NSLĐ của công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng  2,01%/năm, thấp hơn 2 lần tăng năng suất của toàn bộ nền kinh tế là 4,65%/năm.

1.3.NSLĐ phân theo thành phần kinh tế

Phân tích thực trạng NSLĐ của các thành phần trong nền kinh tế, các nhà nghiên cứu nhận thấy, thời gian từ năm 1990 đến 2020, NSLĐ trong khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 1,19 lần, khu vực ngoài nhà nước tăng 3,34 lần và khu vực nhà nước tăng 4,24 lần. Mặc dù bước khởi đầu có khác biệt, songNSLĐ của các thành phần sở hữu đêù tăng. Vào thời gian khởi đầu, NSLĐ của khu vực FDI đạt cao nhất; từ năm 2003, NSLĐ của khu vực này bắt đầu giảm; đến 2016, khu vực nhà nước đã bắt kịp rồi vượt qua khu vực FDI về NSLĐ.

Mặc dù tăng trưởng đều, song NSLĐ thực của khu vực  kinh tế ngoài nhà nước vẫn thấp hơn nhiều 2 khu vực còn lại. Theo các nhà phân tích, khu vực này là sự pha trộn của doanh nghiệp truyền thống và hiện đại với doanh nghiệp truyền thống chiếm đa số. Tuy nhiên, đó vẫn là khu vực lớn nhất và giữ vai trò chính trong tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nguồn gốc tăng trưởng NSLĐ từ góc nhìn nghiên cứu

Thực hiện phân rã hạch toán tăng trưởng NSLĐ theo công thức Tăng trưởng NSLĐ = Tăng trưởng TFP +Tăng trưởng (Vốn/Lao động); các nhà nghiên cứu đã rút ra, những năm đầu của giai đoạn 1990-2020, đầu tư lớn đã thúc đẩy tăng NSLĐ, nhưng hiệu quả của TFP có xu hướng giảm. Nửa đầu thập niên 1990, NSLĐ tăng nhanh với động lực chính là gia tăng cường độ vốn. Đây cũng là thời kỳ hàng loạt chính sách được thực hiện nhằm tạo lập nền kinh tế nhiều thành phần, kích thích sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vào cuối thập niên 1990, tăng trưởng NSLĐ dần chậm lại, nhưng vẫn tiếp tục lệ thuộc vào vốn đầu tư, tăng trưởng TFP còn mang giá trị âm. Trong thế kỷ XXI, đặc biệt từ sau năm 2010, tăng trưởng TFP đã tăng lên, thay thế dần vốn đầu tư và trở thành động lực chính của tăng NSLĐ.

Dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, vào năm 2008-2009, tăng trưởng NSLĐ ở Việt Nam đã giảm xuống còn 2,57% và trong những năm từ năm 2000 đến 2012 chỉ dao động từ 3% đến 4%. Mặt khác, đóng góp của vốn vào tăng trưởng NSLĐ ngày càng nhỏ với cường độ giảm từ -1,2% (2008) đến -6,1% (2011). Từ sau năm 2007, tăng trưởng TFP đã dần thay thế đầu tư vốn lớn để trở thành nhân tố dẫn dắt. Nhờ đó, từ năm 2013 trở đi, tăng trưởng NSLĐ đã từ 3-4%/năm tăng dần lên 5-6%/năm.

Phân rã tăng trưởng NSLĐ cho thấy, gia tăng NSLĐ có thể là là kết quả của đầu tư quá nhiều vốn mà không có sự cải thiện về phia lao động. Để đánh giá đúng đắn vấn đề, các nhà phân tích cho rằng, cần tham khảo thêm thông tin, Trong đó, ICOR, hệ số vốn/sản lượng, là một công cụ tiện lợi và hữu ích.

Hạch toán tăng trưởng trong các phân ngành kinh tế cho thấy, cường độ vốn thúc đẩy NSLĐ thể hiện khá rõ trong nông nghiệp và công nghiệp-xây dựng. Ngược lại, phần lớn tăng trưởng NSLĐ khu vực dịch vụ lại phụ thuộc vào tăng trưởng TFP. Sau năm 2000, xu hướng tăng NSLĐ của hầu hết các phân ngành là cường độ vốn giảm và TFP theo hướng gia tăng.

Xét theo thành phần sở hữu, các nhà phân tích nhận thấy, cường độ vốn ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng NSLĐ ở mọi khu vực trong thập niên 1990. Tác động của cường độ vốn dần thu nhỏ và tăng trưởng TFP chiếm ưu thế từ cuối thập niên 2010. Tuy nhiên, đóng góp của TFP còn thấp nhát trong khu vực FDI, NSLĐ của khu vực này bắt đầu giảm trong những năm đầu thập niên 2010. Từ những phân tích được tiến hành, giới nghiên cứu nhận xét, ban đầu NSLĐ ở Việt Nam được thúc đẩy bởi đầu tư vốn, song đóng góp của cường độ vốn đã giảm theo thời gian và tăng trưởng TFP đã vượt qua vào những năm cuối thập niên 2010.

Khi nghiên cứu dịch chuyển cơ cấu NSLĐ, các nhà phân tích cũng đã tập trung vào hiệu ứng nội ngành, hiệu ứng dịch chuyển và hiệu ứng tương tác. Theo đó, phần lớn thời gian từ năm 1991 đến 2020, hiệu ứng nội ngành đã đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng NSLĐ cả nước. Từ năm 1991 đến 2000, hiệu ứng nội ngành đóng góp từ 1,68% đến 5,75% vào tốc độ tăng trưởng NSLĐ; hiệu ứng dich chuyển trong khoảng 0,73% đến 1,44%; còn hiệu ứng tương tác mang giá trị âm. Hiệu ứng tương tác âm này thể hiện, có sự dịch chuyển lao động từ ngành kinh tế có NSLĐ tăng sang ngành có NSLĐ giảm.

Thập niên tiếp sau (2001-2010), hiệu ứng dịch chuyển trở nên quan trọng, vượt qua hiệu ứng nội ngành để trở thành động lực chính của tăng trưởng NSLĐ với mức đóng góp tới tới 90,4% vào tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Xu hướng này cũng  được thể hiện rõ qua số lượng lớn lao động dịch chuyển từ những ngành có NSLĐ thấp như nông nghiệp sang những ngành có NSLĐ cao hơn như công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Số liệu thống kê ghi nhận, từ năm 2000 đến 2010 lực lượng lao đông nông nghiệp đã từ 67,8% giảm xuống còn 49,5%; lực lượng lao đông công nghiệp-xây dựng từ 12,0% tăng lên 21% tổng lao động xã hội. Tương tự, tỷ trọng lao động trong ngành dịch vụ đã được mở rộng từ 20,2% tăng lên 29,6%.

Giai doạn từ năm 2011 đến 2019, đóng góp của hiệu ứng dịch chuyển giảm xuống còn 41,8% trong năm 2018 và hiệu ứng nội ngành lấy lại vị trí dẫn đầu. Nhìn tổng thể, các nhà phân tích cho rằng, NSLĐ của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi mức tăng năng suất trong mỗi ngành và được bổ sung bởi sự dịch chuyển lao động từ những ngành NSLĐ lao động thấp sang ngành có NSLĐ cao hơn. Từ xu hướng phát triển và thực tế Việt Nam, giới nghiên cứu rút ra, ban đầu hiệu ứng nội ngành chiếm ưu thế, hiệu ứng đuổi kịp xuất hiện khi lao động bắt đầu dịch chuyển. Với lượng dịch chuyển lớn và độ trễ của cả quá trình, hiệu ứng dịch chuyển có tác động mạnh ở giai đoạn sau. Hiệu ứng nội ngành và dích chuyển đã ảnh hưởng và tương tác mạnh mẽ trong suốt quá trình công nghiệp hóa đất nước

Phân tích dịch chuyên cơ cấu theo phân ngành trong giai đoạn 1990-2020, các nhà nghiên cứu cũng đã rút ra 5 lĩnh vực có tác động lớn nhất đén NSLĐ tổng thể, đó là công nghiệp chế biến, chế tạo; khai khoáng; xây dựng; hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm; và bán buôn bán lẻ, sửa chữa. Những ngành này cỏ tỷ trọng đóng góp tới 61% vào tăng trưởng NSLĐ trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2010.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng NSLĐ tổng thể song sự trì trệ về NSLĐ từ đầu những năm 2000 với hiệu ứng nội ngành đạt thấp cũng phù hợp với xu hướng suy giảm năng suất của ngành. Phân tích tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vào tăng trưởng NSLĐ, các nhà nghiên cứu cũng đã rút ra những đóng góp của hoạt động sản xuất sử dụng nhiều lao động. Theo đó, ngành dệt may đã có tỷ trọng đóng góp lớn nhất tới 10,6%/năm trong giai đoạn 2009-2012; hiệu ứng nội ngành này dương nhưng nhỏ, không đủ để cải thiện đáng kể NSLĐ quốc gia.

Các hoạt động sản xuất công nghệ thấp trong công nghiệp chế biến, chế tạo chưa đóng góp được nhiều vào NSLĐ tổng thể.Việc tạo ra giá trị thấp và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu có thể là nguyên nhân chính của những điểm yếu của ngành.

Dựa trên kết quả phân rã NSLĐ, các nhà phân tích đã cung cấp những hiểu biết bổ sung cần thiết về sự thay đổi trong các phân ngành. Theo đó, động lực chính của tăng trưởng NSLĐ ở Việt Nam đã dịch chuyển dần từ cường độ vốn sang TFP. Hiệu quả sử dụng vốn, đo lường bằng hệ số ICOR, đã giảm đáng kể. Ở khía cạnh khác, động lực của NSLĐ lại đến từ hiệu ứng nội ngành. Có thể còn một số rào cản đối với dịch chuyển lao động, song hiệu ứng nội ngành và hiệu ứng dịch chuyển cần tương tác mạnh mẽ để đưa Viêt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Thay lời kết luận

Nền kinh tế nước ta đứng trước áp lực liên tục gia tăng của hội nhập toàn cầu và những rủi ro về bẫy thu nhập trung bình. Những thập kỷ qua, nỗ lực thực chính sách tăng trưởng của Chính phủ đã thức đẩy nâng cao NSLĐ; song nhìn tổng thể; năng suất và đổi mới công nghệ vẫn còn ở mức thấp. Là nước có tốc độ tăng trưởng NSLĐ trung bình ở Đông Nam Á với năng suất còn rất thấp, nếu tình hình này chậm cải thiện, sẽ mất nhiều thời gian để vươn lên trở thành nước thu nhập cao. Cho dù bao hàm lẫn nhau, song năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo lại là những khái niệm khác biệt. Để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu, Viêt Nam phải đạt được hiệu suất sản xuất và tăng trưởng NSLĐ cao hơn.

Tình hình hiện tại của đất nước đòi hỏi phải có những nghiên cứu, phân tích sâu sắc về tăng trưởng NSLĐ. Công trình nghiên cứu về năng suất lao động ở Việt Nam,nguồn gốc và thách thức cho tăng trưởng được các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Diễn đàn Phát triển thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPs) Nhật Bản thực hiện đã có những phat hiện quan trọng. Từ tâm huyết của giới nghiên cứu Viêt Nam và Nhật bản, hy vọng những vấn đề rút ra từ nghiên cứu này sẽ mang lại những căn cứ tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách năng suất ở Việt Nam./.

Lê Thành Ý (Tổng hợp)

Địa chỉ liên lạc Lê Thành Ý 19b/668 Đường Lạc Long Quân, Quận Tây Hồ Hà Nội

Mob 0829848231; Email Lethanhy 05@gmail.com